Trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương rơi vào giai đoạn xung đột gây mất ổn định, Philippines sẽ nhanh chóng trở thành nước tiên phong trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc - trọng tâm của cái gọi là “chính sách trở lại châu Á” của Chính quyền Obama. Một trong những phát triển gần đây nhất là Chính phủ Philippines cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự trên khắp lãnh thổ Philippines, đặc biệt các khu vực tiếp giáp Biển Đông.

Những hành động gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương gần đây là cái cớ có lợi cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Đặc biệt, các tuyên bố đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh đã cho phép Washington đánh bóng Mỹ như một nhân tố không thể thiếu để bảo vệ các nước nhỏ hơn của khu vực thoát khỏi chủ nghĩa bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Là một nước thuộc địa cũ và đồng minh của Mỹ, Chính phủ Philippines dễ chấp nhận các yêu cầu của Washington.

Ngày 24/7 đánh dấu lễ kỷ niệm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thành lập “Thành phố Tam Sa” để “quản lý” toàn bộ Biển Đông. Trong số hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Philippines chiếm đóng 9 đảo và tuyên bố chủ quyền một số bãi đá và san hô khác như: bãi Hoàng Nham (Scarborough), Ayungin (Bãi Cỏ Mây), Panganiban và Recto Bank. Mấy tháng qua, khu vực này đã chứng kiến hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc như: chiếm đóng bãi Hoàng Nham (bãi Scarborough), với số lượng 90 tàu nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đến các khu vực này; tăng cường hiện diện quân sự tại bãi Ayungin (Cỏ Mây) và đặc biệt một viên tướng Trung Quốc trắng trợn đưa ra cái gọi là “Chiến lược Cải Bắp” ở Biển Đông. Thiếu tướng Trương Thiệu Trung cho biết, bản chất của “Chiến lược Cải Bắp” là bao vây bãi Scarborough (Hoàng Nham), Ayungin (Cỏ Mây) và các khu vực lãnh thổ khác của Philippines bằng sự hiện diện áp đảo của lực lượng hải quân Trung Quốc nhằm chặn đứng các nguồn tiếp tế hậu cần từ đất liền cho các đơn vị Philippines đang đóng quân trên các hòn đảo ở biển Đông để cuối cùng buộc họ phải rút khỏi các khu vực.

Chiếm đóng vùng biển trong "đường chín đoạn"

Những gì Trung Quốc viện dẫn làm cơ sở pháp lý cho những hành động quyết đoán hiện nay của họ là một công hàm được Bắc Kinh gửi Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009. Bắc Kinh đơn phương khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với toàn bộ các hòn đảo lớn nhỏ trên biển Đông và “các khu vực biển liền kề/các vùng biển liên quan”. Kèm theo công hàm là tấm bản đồ “đường chín đoạn” phân định các tuyên bố của Trung Quốc trên biển Đông. Từ đó đến nay, Bắc Kinh không hề đưa ra bất cứ lời giải thích chính thức nào về “đường chín đoạn”, cho dù một số tài liệu không chính thức liên quan đến các đảo và các khu vực Biển Đông cho rằng Biển Đông là khu vực lãnh hải của tổ tiên người Trung Quốc và Bắc Kinh đưa ra một số bản đồ của các chế độ phong kiến cuối những năm 1940.

Một trong những tuyên bố trắng trợn trong tài liệu “đường chín đoạn” là Bắc Kinh khẳng định tất cả 9 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như các bãi cạn từ lâu được gọi là Palawan, một tỉnh của Philippines, thuộc Trung Quốc. Nhóm đảo Kalayaan chỉ cách Palawan khoảng 370 km (230 dặm), trong khi cách Trung Quốc 1.609 km (1.000 dặm). Một thực tế rõ ràng khác là bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) cách tỉnh Zambales của Philippines 137 km (85 dặm) và là một phần của tỉnh này, trong khi cách Trung Quốc 700 km (434 dặm) cũng bị coi thuộc lãnh hải Trung Quốc. Rõ ràng Philippines và 4 bên tuyên bố chủ quyền tất cả hoặc một phần biển Đông gồm Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam không được hưởng 200 hải lý thuộc khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, do toàn bộ các khu vực này đều thuộc “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc. Những gì còn lại của tất cả các bên tranh chấp khác chỉ là những khu vực lãnh hải mở rộng 12 hải lý tính từ bờ biển của các nước. Nhưng các tranh chấp biển Đông vượt ra ngoài các lợi ích của 6 bên tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc cho rằng “đường chín đoạn” của họ là một khu vực lãnh thổ có diện tích 3,5 triệu km2 - tiếp giáp 6 nước và đi qua đó là các tuyến đường quá cảnh quốc tế chiếm 1/3 lượng vận chuyển của thế giới - tương đương với tuyến đường thủy nội địa như hồ Michigan ở Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu được phép như vậy yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh sẽ trở thành một trong những khu vực biển lớn nhất trong lịch sử.

Động cơ của Trung Quốc

Việc Trung Quốc quan tâm đến các nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí phong phú ở Biển Đông là vấn đề lâu dài. Nhưng gần đây hoạt động của Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn. Có hai giả thuyết về động cơ chủ yếu dẫn đến những hành động quyết đoán đó của Trung Quốc:

Giả thiết thứ nhất, những hành động đó của Trung Quốc bắt nguồn từ tình hình trong nước không chắc chắn. Thực tế, lập trường quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ít có khả năng bắt nguồn từ ý đồ bành trướng. Những năm gần đây, Trung Quốc trải qua nhiều khó khăn trong nước liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ đó buộc các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc phải tìm kiếm sự biện minh ý thức hệ mới. Và họ đã phát hiện vấn đề này trong chủ nghĩa dân tộc.

Giả thuyết thứ hai, những hành động của Trung Quốc phản ánh các toan tính và ý đồ của một cường quốc tự tin đang lên. Những hành động đó nhằm bảo vệ sự độc quyền đánh bắt cá và các nguồn tài nguyên năng lượng ở biển Đông để trở thành bá chủ khu vực và sau đó bá chủ toàn cầu. Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cuối tháng 6/2013, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhắc nhở Trung Quốc “cam kết hợp tác theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận, trong đó có UNCLOS, mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời tự kiềm chế các hoạt động”. Nhưng đáng lo ngại hơn, thực tế Trung Quốc có thể đẩy các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, vào tay của Mỹ bằng cách cho phép Washington đánh bóng mình như một vị cứu tinh quân sự hoặc “người cân bằng” với Bắc Kinh. Nếu Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa bởi những mối quan hệ quân sự gần gũi hơn mà Mỹ đang phát triển với các nước láng giềng của Trung Quốc, Bắc Kinh phải tự trách mình trước.

Chính sách trở lại châu Á của Mỹ

Cái gọi là chính sách trở lại châu Á của Chính quyền Obama không phải là tiểu thuyết. Nói một cách đơn giản, đây là sự trở lại sức mạnh quân sự toàn cầu trước ngày 11/9 của Chính quyền George W. Bush, trong đó xác định lại Trung Quốc từ một “đối tác chiến lược” thành một “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Chiến lược “Ngăn chặn Trung Quốc” của Mỹ bị tạm dừng sau khi xảy ra sự kiện ngày 11/9, do Washington tập trung nỗ lực để lôi kéo các nước đồng minh vào “cuộc chiến chống khủng bố”. Mặc dù không mới, nhưng Chính quyền Obama nhận thấy cần nhanh chóng triển khai chiến lược ngăn chặn do những diễn biến sau một thập kỷ can thiệp quân sự tại Iraq và Afghanistan.

Theo các nhà phân tích, thực tế chính sách trở lại châu Á của Chính quyền Obama là rút khỏi sự thống trị quân sự toàn cầu toàn diện mà phe bảo thủ kiểu mới của giai cấp cầm quyền ở Mỹ đã nỗ lực thực hiện dưới thời Bush. Đây là một đòn nghi binh, một thủ đoạn nhằm tạo ra một vỏ bọc cho việc rút lui có giới hạn khỏi sự can thiệp chết người của Mỹ ở Trung Đông và Tây Nam Á. Đây cũng là một ý đồ của Washington nhằm tập trung vào một khu vực để tăng cường sức mạnh mà Mỹ nhận thấy có khả năng quản lý tốt hơn một khu vực Trung Đông đang tuột khỏi tầm kiểm soát. Chắc chắn Washington luôn đối xử với khu vực Tây Thái Bình Dương như một cái hồ của Mỹ. Ở đỉnh cao của Mỹ trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sự hiện diện của Mỹ gia tăng tới quy mô của một nhà nước pháo đài xuyên quốc gia kéo dài 7 nước và các tổ chức chính trị ở Tây Thái Bình Dương và Australia.

Nhưng chính sách trở lại Thái Bình Dương lần này sẽ thúc đẩy sự quân sự hóa mạnh mẽ trong khu vực. 60% sức mạnh của Hải quân Mỹ đã được điều chuyển tới Tây Thái Bình Dương, kèm theo kế hoạch triển khai các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa đến Guam và Australia. Lực lượng Đặc nhiệm của Mỹ tiếp tục tham gia các chiến dịch chống những kẻ Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Philippines, đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập đổ bộ và hải quân với các đơn vị của quân đội Philippines gần khu vực quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough. Diễn biến gần đây nhất là Chính phủ Philippines sẽ cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ của Philippines, kể cả căn cứ hải quân lớn trước đây của Mỹ ở vịnh Subic. Sau 20 năm từ bỏ các căn cứ ở Philippines hiện nay Mỹ gần như hoàn toàn trở lại Philippines như trong quá khứ. Một số nhà bình luận người Philippines cho rằng việc tăng cường lực lượng Mỹ ở Philippines là tự chuốc lấy thất bại, vì tính năng động của cuộc xung đột giữa các siêu cường  bắt đầu và hạn chế bất cứ giải pháp hiệu quả nào cho các tranh chấp lãnh thổ.

Chủ nghĩa cơ hội của Tokyo

Quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng, nhưng còn một nguồn thứ 3 gây bất ổn định trong khu vực là Nhật Bản. Các nhân vật thuộc cánh hữu tại Nhật Bản, kể cả đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã lợi dụng những hành động của Trung Quốc ở biển Đông và tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc về quần đảo Senkaku để thúc đẩy việc bãi bỏ Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, trong đó nghiêm cấm Nhật Bản sử dụng chiến tranh như một công cụ của chính sách đối ngoại và ngăn chặn Nhật Bản thành lập quân đội.

Mục đích của Tokyo là xây dựng một chính sách ngoại giao và quân sự độc lập hơn với Mỹ - nước đã quản lý các vấn đề an ninh bên ngoài của Tokyo kể từ sau thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhiều nước láng giềng của Nhật Bản tin rằng một Nhật Bản độc lập hơn với Mỹ sẽ phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Họ lo sợ viễn cảnh của một Nhật Bản - nước đã đề ra chủ nghĩa hòa bình sau chiến tranh nhưng chưa thực hiện hết trách nhiệm - được trang bị các loại vũ khí hạt nhân.

Thị trưởng thành phố Osaka Toru Hashimoto khẳng định gần đây rằng các binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã bắt khoảng 200.000 phụ nữ người Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines làm “nô lệ tình dục” và đây là điều cần thiết. Nhận xét của thị trưởng thành phố Osaka diễn ra trong bối cảnh vụ bê bối khác: khoảng 170 nghị sĩ và thành viên nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm đền Yasukuni - nơi thờ những người Nhật Bản chết trong chiến tranh, kể cả 14 người bị kết án là tội phạm chiến tranh. Lâu nay các nước láng giềng thường lên án các nhà lãnh đạo Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni và coi đây là một dấu hiệu cho thấy thái độ không ăn năn hối cải của Nhật Bản trước những hành động của họ trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng lập trường lâu nay về vấn đề tái vũ trang của Nhật Bản đang trở nên mềm mỏng. Ví dụ gần đây Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lên tiếng ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang nhằm ngăn chặn những hành động bá quyền của Trung Quốc.

Tóm lại, các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngày càng quyết đoán và vô căn cứ của Trung Quốc, chính sách trở lại châu Á của Mỹ và những hành động cơ hội của Nhật Bản đã và đang làm cho tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên căng thẳng. Nhiều nhà quan sát khẳng định tình hình quân sự-chính trị hiện nay ở châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành tình hình như ở châu Âu cuối thế kỷ 19, do xuất hiện một cơ cấu cán cân quyền lực chính trị tương tự. Đây là một lời nhắc nhở hữu ích rằng mặc dù cán cân mong manh đó có thể tồn tại trong một thời gian, nhưng cuối cùng đã kết thúc trong một đám cháy - đó là cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Theo Foreing Policy In Focus

Văn Cường (gt)