Như một phần của quyết tâm mới, muốn đóng một vai trò quả quyết hơn tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang củng cố và tăng cường các mối quan hệ chiến lược với Việt Nam, Philíppin, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Nhật Bản. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên là một chiến trường tiềm tàng cho một trận chiến Mỹ-Trung. Với việc Mỹ đã rút quân khỏi Irắc và đang trong tiến trình rút quân khỏi Ápganixtan vào năm 2014, Oasinhtơn bắt đầu phát hiện ra rằng Bắc Kinh đang củng cố vai trò của họ tại châu Á-Thái Bình Dương, đang hành động một cách từ từ nhưng đều đặn để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Trung Quốc đang coi châu Á-Thái Bình Dương là không gian chiến lược của họ và Mỹ là một cường quốc bên ngoài. Mỹ đã quyết định phản công bằng tuyên bố rằng sẽ không rời khỏi châu Á và sẽ tăng cường sự có mặt quân sự tại khu vực này. Do nằm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dường nên Mỹ tự coi mình là một quốc gia Thái Bình Dương hợp pháp.Các mối quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ dễ dàng. Các mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn sau khi có một báo cáo quốc phòng của Mỹ coi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một ưu tiên. Mỹ đang "tăng tiền đặt cược" trong quan hệ của họ với Trung Quốc, với trung tâm là châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và các chuỗi đảo. Mặc dù tuyên bố cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ vẫn duy trì ưu thế quân sự, với các lực lượng vũ trang linh hoạt và sẵn sàng đối phó với tất cả các tình huống dự phòng và các nguy cơ. Việc Mỹ tăng cường tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh đang hy vọng biến khu vực này thành "sân sau chiến lược" của họ khi Mỹ đang "sa lầy" tại Trung Đông và kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn. Bắc Kinh không hài lòng với học thuyết chiến lược ưu tiên châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phản ứng một cách tức giận. "Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phát triển thêm các loại vũ khí tấn công tầm xa để ngăn chặn hải quân Mỹ.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, có nhiều vấn đề có thể trở thành một điểm nóng cho cuộc xung đột tương lai như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Quần đảo Trường Sa, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Với việc Trung Quốc quyết tâm duy trì các lợi ích quốc gia "cốt lõi" của họ, trong khi Mỹ và các nước khác quyết tâm không kém đối với, ví dụ như, quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, chỉ một tia lửa nhỏ là có thể châm ngòi cho một đám cháy rừng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước. Quan điểm chính thức của Trung Quốc đã được Phó Chủ tịch Tập Cận Bình giải thích một cách rõ ràng. Ông Tập Cận Bình, dự kiến thăm Mỹ vào giữa tháng 2/2012, hy vọng rằng "Mỹ có thể xem xét các ý định chiến lược của Trung Quốc một cách khách quan và cam kết phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác. Hai nước nên có thái độ thận trọng đối với các vấn đề quan trọng và nhạy cảm, có liên quan đến các lợi ích cốt lõi của mỗi nước để tránh mọi sự rối trí và thất bại trong quan hệ Trung-Mỹ". Tuy nhiên, vấn đề là khi đề cập đến các "lợi ích cốt lõi" thì tính khách quan sẽ là nạn nhân đầu tiên. Ví dụ, Mỹ đang phàn nàn rằng học thuyết chiến lược của Trung Quốc, nếu có, là thiếu minh bạch. Mức tăng ngân sách quốc phòng hai con số của Bắc Kinh đang bị Oasinhtơn coi là vượt quá nhu cầu tự vệ. Mặt khác, Mỹ lại đang có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ đề ra một cách thức hợp tác và cùng tồn tại hòa bình mới, mặc dù kinh nghiệm trước đây cho thấy các tình huống tương tự là rất đáng quan ngại. Quả thực, tình hình có thể dẫn đến việc không tránh khỏi một cuộc xung đột quân sự Mỹ-Trung tiềm tàng, chỉ có điều là sớm hay muộn.

 Theo Globalresearch (ngày 6/2) Is US-China collision inevitable?

 Viết Tuấn (gt)