tn_3-0d50f.jpg

Cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông trong 3 thập kỷ qua đã củng cố tuyên bố chủ quyền của họ. Bắc Kinh đã tiến vào bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa năm 1995, ba năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Philippines. Trước đó, Trung Quốc cũng đã chiếm Hoàng Sa khi Nga bị "phân tâm". Liệu thế giới có nên nhìn nhận những sự kiện nằm ngoài cách diễn giải về sự trỗi dậy ngoạn mục phần lớn là hòa bình của Trung Quốc hay không và từ đó mặc nhiên bình thường hóa sự quyết đoán của họ ở Biển Đông? Điều nguy hiểm là vấn đề này sẽ hình thành một trật tự thế giới mà các mối quan hệ được xác định chủ yếu bởi sức mạnh. Như một cựu bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc từng lưu ý cách đây không lâu rằng: có một số nước là lớn và có một số nước là nhỏ, và đó là chuyện dĩ nhiên.

Cách tiếp cận như vậy chắc chắn tạo ra sự sợ hãi và oán giận mà từ đây có thể châm ngòi cho xung đột. Đó là lý do tại sao Trung Quốc cần chấm dứt suy nghĩ "kẻ mạnh luôn đúng" trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của họ. Nếu việc thể hiện sức mạnh được chấp nhận ở Biển Đông, sẽ có thêm nhiều hoạt động bồi lấp diễn ra ở những nơi Trung Quốc chiếm đóng và cả hoạt động xây dựng cơ sở quân sự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng bảo đảm với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa những khu vực đó. Song, giờ đây tên lửa của Trung Quốc đã xuất hiện ở Hoàng Sa.

Có khá nhiều điều mà các nước đang làm có thể được giải thích là do "quan ngại về an ninh". Trong trường hợp Trung Quốc, phần lớn là do nỗi lo bị bao vây. Đây có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc nhanh chóng củng cố vị thế ở Biển Đông trước khi Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague ra phán quyết về đơn kiện của Philippines. Những động thái của Trung Quốc cho thấy họ dự đoán Tòa Trọng tài- thể chế mà họ đã tẩy chay- sẽ ra phán quyết trái ngược với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Đây là điều đáng tiếc. Là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, Trung Quốc cần nhận thấy rằng cách tiếp cận "theo tôi hoặc không" có thể dẫn đến bất ổn toàn cầu và cũng sẽ đe dọa vị thế tương lai của chính họ. Rốt cục, quy tắc quốc tế đã giúp Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế khi họ sử dụng thành thạo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những quy định như vậy không thể tùy ý bỏ qua. Một cách tiếp cận chỉ dựa trên lợi ích riêng có thể khiến các nước khác xa lánh và không phù hợp với một quốc gia được nhìn nhận có tầm nhìn dài hạn.

Dư luận đang chứng kiến Myanmar, quốc gia từng bắt tay với Bắc Kinh, đã nhanh chóng quay lại phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở nước họ như thế nào. Tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Philippines từng được xác định là một yếu tố bài Mỹ. Ngày nay, Trung Quốc là đối tượng chính. Không chỉ có vậy, tất cả cá quốc gia ở khu vực ngoại vi của Trung Quốc đều đang gấp rút củng cố quân đội do những tín hiệu mà Bắc Kinh phát ra. Điều gì sẽ xảy ra ở châu Á nếu một ngày "lưỡi cày biến thành thanh gươm"?.

Theo “Danger of normalising 'might is right'” trên tờ Straits Times

Nhật Linh (gt)