Năm 1942, lực lượng không quân Nhật Bản đã ném bom xuống Darwin, lượng bom này nhiều hơn cả số bom nước này ném xuống Trân Châu Cảng và từ đó đã biến Ôxtrâylia thành một đồng minh vững chắc của Mỹ. Ngày 17/11/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã thăm chính thành phố miền Bắc Ôxtrâylia này và định hình lại vai trò mới cho đồng minh Ôxtrâylia trong kỷ nguyên mới. Có thể thấy, số lượng thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú ở Darwin không lớn nhưng mang ý nghĩa chiến lược rất lớn. Hiệp ước tăng cường an ninh với Ôxtrâylia là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc chạy đua địa chính trị đang ngày một gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai của châu Á. Ba thập kỷ qua, Ôxtrâylia đã được dùng như là một hệ thống cảnh báo sớm cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Để hiểu được tác động của Trung Quốc đang diễn ra trên thế giới như thế nào thì Ôxtrâylia chính là nơi để bắt đầu. Theo một số nhà ngoại giao, Ôxtrâylia là một trong những nước đầu tiên đã đánh thức tiềm năng kinh tế của Trung Quốc. Năm 1985, Thủ tướng Ôxtrâylia lúc đó là Bob Hawke đã dẫn nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Diệu Bang đi thăm Pilbara, một vùng xa xôi ở phía Tây Ôxtrâylia có nhiều dải quặng sắt rộng lớn. Kể từ đó nhiều quặng sắt thô đã được vận chuyển đến Trung Quốc để luyện thành thép phục vụ cho quá trình đô thị hóa khổng lồ của Trung Quốc.

Ôxtrâylia là nơi có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với nhiều người am hiểu về Trung Quốc nhất trong số những nước nói tiếng Anh. Ngoại trưởng Kevin Rudd, trước đây từng là Thủ tướng Ôxtrâylia, là thủ tướng đầu tiên ở một nước phương Tây nói được tiếng Trung. Do tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế, đã có lúc Ôxtrâylia tưởng chừng như đã bị đẩy ra khỏi các mối liên kết chặt chẽ với Mỹ. Tuy nhiên, việc Canbơrơ tăng cường liên minh quốc phòng với Oasinhtơn là một trong những tín hiệu khẳng định mạnh mẽ rằng trong thời gian qua chính sách ngoại giao cứng rắn hơn của Bắc Kinh đã khiến các nước ở châu Á-Thái Bình Dương lo ngại. Ôxtrâylia và các nước khác trong khu vực tính toán rằng họ có thể vừa hưởng lợi từ quan hệ thương mại đang bùng nổ với Trung Quốc vừa được đảm bảo về an ninh từ phía Mỹ. Với sự đoàn kết lớn hơn trong khu vực và Mỹ tái cam kết can dự trong khu vực, những nước này hy vọng Trung Quốc sẽ bớt gây gổ và sự bùng nổ của châu Á sẽ tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, một tương lai ảm đạm khác có thể đang chờ đợi Ôxtrâylia, buộc nước này phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn hơn. Đó là, giả sử xảy ra vụ đụng độ trên Biển Đông giữa tàu Mỹ và của Trung Quốc. Khi đó lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của Ôxtrâylia sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột mà giữa một bên là người bảo lãnh an ninh và một bên là thị trường xuất khẩu chính của mình. Một số học giả Trung Quốc cũng ngay lập tức bình luận về vấn đề này. "Thời báo Hoàn cầu" (Trung Quốc) vào ngày 16/11 đã đăng bài viết với nhan đề: "Ôxtrâylia không thể đánh lừa Trung Quốc". Bài báo có đoạn: “Một điều chắc chắn rằng, nếu Ôxtrâylia sử dụng căn cứ quân sự của mình để giúp Mỹ gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, chính nước này sẽ gặp những hậu quả không lường trước”.

  Theo FT (ngày 17/11)

Hương Trà (gt)