Trung Quốc là một nước lớn, với lực lượng quân đội đông nhất ở châu Á và đang vướng vào hàng loạt tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Trong một thập kỷ qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đã không hề ngần ngại nhiều lần kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dư luận trong nước, nhất là khi xảy ra những diễn biến nhạy cảm. Điều này đã gián tiếp làm sứt mẻ mối quan hệ của Trung Quốc với những nước láng giềng quan trọng như Nhật Bản và Việt Nam cũng như tạo ra những căng thẳng thường trực với Ấn Độ. Dư luận hoàn toàn có lý do để lo ngại về tình hình của Trung Quốc trong bối cảnh này.

Kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa khi xảy ra khủng hoảng luôn là một lựa chọn được giới lãnh đạo và chóp bu chính trị trên toàn thế giới "ưa chuộng”.. Có hàng loạt ví dụ cho điều này. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine trên thực tế đã có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, được công bố vào ngày 10/6, cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế Nga - bắt đầu từ năm 2014 khi giá hàng hóa lao dốc - đã làm nảy sinh tâm lý bất bình trong dư luận đối với ông Putin. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân ủng hộ cách hành xử của ông đối với vấn đề Ukraine lại đạt mức 83%. Không thể phủ nhận "kế hoạch" kích động chủ nghĩa dân tộc trong dư luận Nga đã phát huy tác dụng và có lợi cho nhà lãnh đạo này trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) trên thực tế lại ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết thực hiện những mục tiêu cực kỳ tham vọng, như giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo trong 3 thập kỷ trở lại đây và đem lại một cuộc sống thịnh vượng cho hàng triệu người dân. Từ sự sụp đổ của Liên Xô cho đến "Mùa xuân Arập" (2010-2012). CCP vẫn đứng vững. Bí mật về sự ổn định của CCP là bản chất đặc biệt của chế độ xã hội Trung Quốc. Để tránh phải đối mặt với những làn sóng phản đối, bất bình trong nước, CCP đã đề ra các mục tiêu thịnh vượng kinh tế. Tuy nhiên, sự trao đổi này lại có phần phiến diện, bởi chỉ một thất bại nhỏ trong việc giữ đúng cam kết của mình, CCP sẽ phải đối mặt với biểu tình và bất ổn. Trong những năm gần đây, thông tin về những vụ biểu tình trên khắp Trung Quốc, không chỉ ở các khu vực nóng bỏng như Tây Tạng hay Tân Cương, cho thấy rằng đất nước này đang không hề yên ổn.

Điều này khiến cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt không chỉ tạo ra nhiều nguy cơ cho chính bản thân họ mà còn cho cả châu Á và thế giới nói chung. Trung Quốc đã rất nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng các mục tiêu chính trị của họ đều rất ôn hòa. Một lần nữa, sự quả quyết này được giới chức nhấn mạnh là xuất phát từ sự hội nhập kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu, và bất kỳ lãnh đạo có trách nhiệm nào của Trung Quốc cũng đều hết sức tránh làm tổn thương, chứ chưa nói đến là hủy hoại, mối liên kết này. Và đây là câu chuyện mà giới chức cấp cao châu Âu tin tưởng.

Tuy nhiên, ở châu Á mọi chuyện lại khác. Trung Quốc đang vướng vào tranh cãi với hầu hết các nước láng giềng, ngoại trừ Hàn Quốc và những người hàng xóm phương Bắc như Mông Cổ, Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. Mâu thuẫn gay gắt của Trung Quốc là ở phía Nam, cụ thể là vùng Biển Đông chiến lược. Tại đây, trong vùng đặc quyền kinh tế của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc đã tự ý xây dựng cái gọi là "Vạn lý Trường thành bằng Cát" kèm những tuyên bố chủ quyền vô cùng phi lý. Với kế hoạch này, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp và xây dựng trái phép nhiều thực thể nhân tạo trên biển tại những khu vực cách bờ biển của mình tới 1.000-1.500 km. Hàng tỷ USD đã được đổ vào những dự án này, và Trung Quốc đang ra sức bảo vệ chúng với tiềm lực quân sự ngày càng lớn mạnh. Trung Quốc cũng đơn phương thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và yêu cầu các nước phải khai báo khi bay qua các vùng không phận trên thực tế không thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Ở phía Đông, tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ lâu với Ấn Độ đã không ít lần bùng phát thành đối đầu quân sự.

Một Trung Quốc tăng cường vũ trang hóa tại Biển Đông, mâu thuẫn liên miên với Ấn Độ về vấn đề biên giới và lạnh nhạt với Nhật Bản là điều khiến thế giới không khỏi lo ngại. Nếu các lợi ích của CCP bị đe dọa, nguy cơ những mâu thuẫn mang tính địa phương bùng phát thành một cuộc xung đột quy mô lớn là điều rất đáng lo ngại. Và đây là điều thế giới chắc chắn cần phải lưu tâm.

Theo live mint

Trần Quang (gt)