Sự chú ý của Mỹ đang chuyển từ các nguy cơ phi truyền thống như khủng bố trở lại các nguy cơ truyền thống từ các quốc gia như Iran và Trung Quốc. Có nhiều khả năng chiến trường có thể được chuyển từ Trung Đông sang Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong cuộc chiến tương lai, Mỹ có thể đồng thời chiến đấu chống lại các kẻ thù trong không gian, trong mạng trực tuyến, trên không và trên biển. Việc đảm bảo sự di chuyển tự do của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của Mỹ."Cuộc chiến trên biển và trên không" (ASB) là một kế hoạch chiến lược của Mỹ, coi Trung Quốc là kẻ thù chính. Theo Báo cáo Quốc phòng bốn năm một lần năm 2010 của Mỹ, khái niệm ASB nhằm mục đích đánh bại những kẻ thù bằng các hoạt động quân sự, bao gồm cả những kẻ thù được trang bị những khả năng chống tiếp cận và thiết lập khu vực không thể xâm nhập. Khái niệm này sẽ giải quyết cách thức các lực lượng hải quân và không quân Mỹ hợp nhất các khả năng trên tất cả các lĩnh vực tác chiến để chống lại những thách thức ngày càng tăng đối với Mỹ. Mặc dù không có một tuyên bố chính thức nào cho rằng chiến dịch này chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, nhưng ý định đó là rõ ràng. Khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ đang sợ hãi, quan ngại Trung Quốc có thể thay Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị buộc phải cắt giảm do ngân sách bị thâm hụt quá lớn, Lầu Năm Góc đã ủng hộ khái niệm ASB. Lực lượng Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến chống khủng bố như tại Irắc và Ápganixtan. Lục quân cũng được dành những khoản kinh phí lớn nhất. Nói chung là kế hoạch ASB có thể góp phần làm giảm chi phí bởi vì kế hoạch này tập trung vào thiết bị chứ không phải tăng quân. Về lâu dài, thiết bị sẽ ít tốn kém hơn các nguồn lực con người. Việc Mỹ đang tăng cường triển khai quân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có việc lập một căn cứ quân sự tại Darwin, Ôxtrâylia và củng cố các liên minh có liên quan đến kế hoạch ASB. Mỹ đang liên tục mở rộng các căn cứ hải quân và không quân tại Guam, triển khai tàu sân bay cực kỳ hiện đại USS George Washington tại căn cứ Yokosuka của Nhật Bản để kiểm soát các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Mỹ cũng đã chuyển tổng hành dinh của lực lượng tác chiến của lục quân Mỹ từ bang Washington sang Nhật Bản để tăng cường sự chỉ huy và khả năng quản lý của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ. 

Mỹ đang tăng cường khả năng tác chiến tại các khu vực ven biển tại Đông Á, cũng như xây dựng hoặc đi thuê các căn cứ quân sự mới tại Malaixia, Xinhgapo, Philíppin, Việt Nam và Ôxtrâylia để cải thiện khả năng phản ứng nhanh của họ. Do khủng hoảng kinh tế, Mỹ có thể không còn khả năng tự đối phó với những kẻ thù có khả năng chống tiếp cận và thiết lập khu vực không thể xâm nhập, hoặc không muốn làm như vậy. Vì thế, Mỹ đang tìm cách lôi kéo các đồng minh. Mỹ đang nhấn mạnh "mối đe dọa Trung Quốc" và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách lợi dụng tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư và Biển Đông để thuyết phục các đồng minh của họ tham gia kế hoạch ASB. Thực tế hiện nay, những tác động chính trị của khái niệm ASB lớn hơn các khái niệm quân sự. Khái niệm này đang thổi phồng "mối đe dọa Trung Quốc", làm thỏa mãn nhu cầu kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, giúp Mỹ xây dựng uy tín bảo vệ các đồng minh bằng cách nhằm vào Trung Quốc và cũng thỏa mãn lợi ích của các tập đoàn quân sự Mỹ. Tuy nhiên, khái niệm này đang phá hủy những lợi ích của Trung Quốc. Việc thúc đẩy một khái niệm như vậy sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, dẫn đến sự leo thang căng thẳng tại châu Á-Thái Bình Dương. Nghiêm trọng hơn, việc này có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ngoài Mỹ, các nước như Nhật Bản và Ôxtrâylia đều cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự của họ. Theo những nguy cơ trong kế hoạch ASB của Mỹ, Lầu Năm Góc và các đồng minh cần có một số chuẩn bị như tăng cường chi phí quân sự, phát triển các lý thuyết tác chiến chung, các loại vũ khí mới và tăng cường sức mạnh quân sự để tránh bị yếu thế nếu chiến tranh xảy ra.

 Theo Globalresearch (9/12)

Viết Tuấn (gt)