Cả thế giới đang chuẩn bị các hoạt động tưởng niệm hơn 35 triệu người bị thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây cho biết họ sẽ tổ chức lễ diễu binh nhân 70 năm kết thúc cuộc chiến tranh này và kỷ niệm chiến thắng của Trung Quốc trước đế quốc Nhật. Quan hệ Trung - Nhật mặc dù đã "hạ nhiệt" phần nào sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hồi tháng 11/2014, nhưng quan hệ này vẫn tiếp tục lâm vào tình trạng căng thẳng, đặc biệt là liên quan đến vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền. Nguy cơ xảy ra những vụ việc trong hay gần vùng biển và không phận Nhật Bản khiến căng thẳng leo thang đến mức không thể kiểm soát được vẫn như "chỉ mành treo chuông". 

Ngày 5/2, tại Lầu Năm Góc, đoàn đại biểu Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) do Phó Đô đốc Li Ji - Cục phó Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc - dẫn đầu tiến hành hội đàm với Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á David Helvey và các quan chức an ninh quốc phòng Mỹ. Việc giảm thiểu nguy cơ xung đột tại Biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm này. Trước đó, tháng 11/2014, hai nước đã ký Bản ghi nhớ chung về quy tắc ứng xử an toàn trong các vụ đụng độ trên biển và trên không. Có thể coi thỏa thuận này là bước đi đầu tiên giúp Mỹ và Trung Quốc tìm ra giải pháp giảm thiểu nguy cơ xung đột trong tương lai, mặc dù rủi ro xảy ra sự cố vẫn còn. 

Vì thế, cuộc hội đàm tại Washington DC diễn ra rất đúng lúc. Càng gần đến thời điểm tháng 9/2015 kỷ niệm 70 năm quân phiệt Nhật đầu hàng đồng minh, nguy cơ xảy ra những vụ va chạm khiến căng thẳng leo thang càng cao. Theo quan điểm của Washington, tiến triển trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp tìm lối thoát cho những vụ va chạm có nguy cơ xảy ra giữa Không quân PLA và Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF). Bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh tháng 11/2014, Trung Quốc và Nhật Bản cũng công bố thỏa thuận 4 điểm hướng đến mục tiêu cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, khẩu chiến đã nổ ra giữa giới chức hai nước liên quan đến việc giải thích phần thứ ba nói về quan điểm của Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông. 

Quy mô lễ diễu binh mà Trung Quốc sẽ tổ chức chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, cũng tương tự như nhiều sự kiện khác, cuộc diễu binh lần này sẽ hướng đến mục tiêu: gợi lại lịch sử những gì mà Trung Quốc phải trải qua trong chiến tranh, đồng thời đề cao tính toàn vẹn lãnh thổ. Một số ý kiến cho rằng nhân dịp này, Trung Quốc muốn biểu dương sức mạnh quân sự như dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa công bố thông tin chi tiết về lễ diễu binh, mặc dù truyền thông nhà nước tiết lộ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự. Truyền thông Trung Quốc đã châm ngòi tranh cãi khi cho rằng "Nhật Bản đang cảm thấy lo sợ". Thậm chí, một số nhà báo Trung Quốc còn liên hệ với Bộ Ngoại giao Nhật Bản để đặt câu hỏi: liệu Thủ tướng Shinzo Abe có tham dự lễ diễu binh này hay không? Do lo ngại căng thẳng leo thang, Mỹ tìm cách phân biệt rõ ràng giữa thảm kịch xảy ra trong Chiến tranh Thái Bình Dương với mối quan hệ thù địch hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản. 

Trung Quốc thường gắn những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong chiến tranh với sức mạnh quân sự hiện nay. Xét dưới góc độ này, rất có thể cuộc diễu binh sẽ diễn ra đúng ngày 3/9 - ngày Nhật Bản đầu hàng đồng minh cách đây 70 năm. Vì thế, quy mô cuộc diễu binh sắp tới ở Quảng trường Thiên An Môn dù lớn hay nhỏ cũng khiến dư luận phải lo ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang giữa không quân và hải quân hai nước trong những tháng tới.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)

Duy Anh (gt)