index.jpg 

Thứ nhất, về Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng CÁ (Asian Infrastructure Investment Bank - AIIB). Sau sự thành công giai đoạn đầu với 57 quốc gia là sáng lập viên của AIIB, hiện sự chú ý đang tập trung vào quá trình xây dựng các nguyên tắc hoạt động và uy tín của AIIB. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các nước sáng lập viên của AIIB sẽ hoàn thành đàm phán về Điều lệ hoạt động của AIIB vào tháng 7/2015 và chính thức đưa AIIB vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Một số điểm đáng chú ý như sau: (i) Dự kiến GDP sẽ là tiêu chuẩn cơ bản để xác định mức đóng góp của từng thành viên, theo đó với tương quan kinh tế, Trung Quốc có thể có 50% mức đóng góp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố Trung Quốc không nhất thiết phải đạt được mức đóng góp này; (ii) Mặc dù trụ sở của AIIB được đặt tại Bắc Kinh, việc bổ nhiệm và vị trí quản lý cấp cao và bố trí các văn phòng khu vực ở các quốc gia khác sẽ được các bên liên quan tiếp tục đàm phán; (iii) Nhìn vào quá trình xây dựng điều lệ của AIIB hiện nay, có thể thấy các tiêu chuẩn và quy tắc hoạt động của AIIB sẽ được cải tiến và hiệu quả hơn cách thức tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Shi Yaobin đánh giá bản thân các định chế tài chính quốc tế hiện tại cũng nhận thức được việc phải cải thiện mô hình quản trị của các tổ chức này, do đó không có “thực tiễn tốt nhất” và chỉ có “thực tiễn tốt hơn”.

Nét đặc sắc của Trung Quốc là cách tiếp cận thử nghiệm đối với các vấn đề phát triển, do đó Trung Quốc có thể đóng vai trò phù hợp trong quá trình xây dựng mô hình mới của AIIB. Nếu Trung Quốc có thể tìm ra phương cách cân bằng giữa việc bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cao với khả năng giải ngân vốn nhanh chóng thì đây sẽ là sự đóng góp quan trọng vào quá trình quản trị kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, về Quỹ Con đường tơ lụa (Silk Road Fund - SRF). Việc thành lập Quỹ SRF là bước đi đột phá và năng động của Trung Quốc. Hai thể chế SRF và AIIB sẽ là các công cụ tài chính chủ chốt phục vụ triển khai các dự án trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc”. Theo truyền thông Trung Quốc, Quỹ SRF được cấp vốn bởi bốn định chế tài chính quốc gia của Trung Quốc bao gồm: Ủy ban chứng khoán quốc gia đóng góp 65% cổ phần; Công ty Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corporation - CIC) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Exim) đóng góp lần lượt mỗi tổ chức là 15% cổ phần; Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank - CDB) đóng góp 5% cổ phần.

Có thể thấy Quỹ SRF là quỹ đầu tư lấy từ ngân sách quốc gia của Trung Quốc, tương tự như Quỹ CIC. Tuy nhiên, trong khi CIC do Bộ Tài chính quản lý, hoạt động của Quỹ SRF chịu nhiều ảnh hưởng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho biết Quỹ SRF sẽ tập trung hỗ trợ các “dự án hợp tác”, đặc biệt là các khoản đầu tư mua trực tiếp cổ phần, với thời hạn ít nhất là 15 năm.

Như vậy, có thể thấy đối với các dự án phát triển của sáng kiến “Một Vành đai, Một con đường”, ít nhất sẽ có sự hỗ trợ tương hỗ của các định chế tài chính của Trung Quốc. Quỹ SRF có thể kết hợp cùng các nhà đầu tư khác cấp khoản đầu tư ban đầu, sau đó China Exim và CDB có thể tham gia giải ngân các khoản vay cho dự án, đồng thời Quỹ CIC có thể tham gia góp vốn qua hình thức mua cổ phần nếu cần thiết. Khi AIIB đi vào hoạt động, Ngân hàng này có thể cấp các khoản vay đồng thời với khoản đầu tư ban đầu của Quỹ SRF.

Tác giả là Richard Kozul-Wright, Giám Đốc Ban Toàn cầu hóa và Chiến lược phát triển, và Daniel Poon, chuyên gia kinh tế của Diễn đàn Thương mại và Phát triển, Liên Hợp Quốc. Bài viết đăng trên “East Asia Forum” (ngày 9/6)

Vũ Hiền (gt)