SCSFishing.jpg

Sự bất bình của Indonesia liên quan đến việc một tàu Trung Quốc bị phát hiện đánh cá trái phép ở vùng biển Natuna chỉ là sự cố mới nhất. Tuần trước, cảnh sát biển Argentina đã bắn và đánh chìm một tàu cá Trung Quốc vì lý do tương tự. Trong những năm gần đây, số vụ đánh bắt cá trái phép liên quan đến ngư dân Trung Quốc ngày càng gia tăng không chỉ ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà còn ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước khác và vùng biển xa.

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), EEZ là vùng biển mà một quốc gia có quyền đặc biệt trong thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển. Vấn đề phía sau những vụ việc này là sự thay đổi cấu trúc trong ngư nghiệp biển của Trung Quốc, từ đánh bắt gần đến xa bờ và sự mở rộng đánh bắt ở vùng biển xa (DWF). Năm 1985, Trung Quốc chỉ có khoảng chục tàu cá nhỏ hoạt động ở vùng biển gần Trường Sa, song đến năm 2013, con số này là hơn 700. Tương tự, đội tàu DWF của Trung Quốc cũng tăng từ 13 tàu vào năm 1985 lên 2.460 tàu vào năm 2014.

Những thay đổi đó một phần do Trung Quốc thất bại trong việc kiểm soát ngành ngư nghiệp ở chính vùng biển của mình. Đến cuối thập niên 90, nạn khai thác quá mức, cải tạo lấn biển và ô nhiễm đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng nguồn hải sản ở vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh đã coi việc phục hồi nguồn hải sản đại dương và ngư nghiệp bền vững là trọng tâm ưu tiên. Ngoài việc cấm đánh bắt tạm thời, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách tăng trưởng bằng 0 đối với ngư nghiệp biển vào năm 1999, và tăng trưởng âm vào năm 2000. Đến năm 2003, Trung Quốc chính thức khởi động Chương trình chuyển đổi ngư dân và chuyển đổi ngư nghiệp để hạn chế năng lực của ngành kinh tế này.

Tuy nhiên, do quy mô quá lớn của ngành ngư nghiệp biển Trung Quốc nên đã có khoảng trống giữa luật ngư nghiệp và việc thực thi luật này. Thực tế cho thấy nỗ lực kiểm soát ngư nghiệp biển của Trung Quốc tập trung vào vùng duyên hải và biển gần đã khiến ngư dân Trung Quốc mạo hiểm tiến ra vùng biển xa. Sự mở rộng ra bên ngoài này cũng nhận được sự ủng hộ trực tiếp và gián tiếp của các chính quyền địa phương, vốn quan tâm đến vấn đề tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm của tỉnh.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân, được áp dụng cùng chính sách hỗ trợ ngũ cốc cho nông dân vào năm 2006, đã làm hạn chế hiệu quả của chính sách kiểm soát ngư nghiệp biển. Trong giai đoạn 2004-2014, trong khi tổng số tàu cá giảm 10% thì tổng trọng tải và mã lực trung bình của các tàu lại tăng lần lượt là 50% và 30%. Hệ quả là ngư dân với tàu lớn và tốt hơn sẽ mở rộng hoạt động ra bên ngoài.

Trung Quốc cũng coi ngư nghiệp biển là ngành chiến lược khi được phản ánh trong Kế hoạch 5 năm của nước này. Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 và 11 coi việc giảm sản lượng khai thác là mục tiêu bắt buộc, song Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) về phát triển ngư nghiệp lại dỡ bỏ mức trần sản lượng. Tháng 9/2012, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đệ trình báo cáo có tên “Khuyến nghị củng cố ngư nghiệp như một ngành chiến lược” lên Quốc vụ viện. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012, Tổng Bí thư khi đó là Hồ Cẩm Đào đã cam kết nước này sẽ trở thành một cường quốc biển, và một ngành ngư nghiệp mạnh được xem là có ý nghĩa quan trọng để biến Trung Quốc thành cường quốc biển.

Tháng 2/2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố tài liệu cấp nhà nước về phát triển ngành ngư nghiệp, xác định những nguyên tắc cơ bản, nhiệm vụ và chính sách cụ thể để hỗ trợ ngư nghiệp biển. Sự thay đổi về thái độ của chính quyền trung ương đối với ngư nghiệp biển phần lớn là bởi quan ngại về an ninh lương thực cũng như nhiều cân nhắc chiến lược khác. Một mặt, do phải đối diện với thách thức lớn nhằm bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, Trung Quốc đang áp dụng khái niệm “an ninh lương thực dựa vào biển”. Tháng 6/2013, Phó Thủ tướng Uông Dương đã nhấn mạnh Trung Quốc hiện đối mặt với sự cạn kiệt nghiêm trọng tài nguyên đất và nước, việc phát triển một ngành ngư nghiệp hiện đại sẽ thúc đẩy nguồn cung hải sản và đáp ứng nhu cầu tăng mạnh đối với protein động vật chất lượng cao này, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của nước này. Mặt khác, từ năm 2009, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, việc mở rộng sự hiện diện ở bên ngoài cũng như mối quan tâm lớn hơn trong quản lý biển thế giới của Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu nhấn mạnh đến vai trò chiến lược của ngành ngư nghiệp.

Một khía cạnh của ngành này là phát triển ngư nghiệp biển xa, đặc biệt ở Biển Đông, sẽ giúp bảo vệ lợi ích trên biển của Trung Quốc và thực thi tuyên bố chủ quyền của họ ở vùng biển tranh chấp. Một khía cạnh khác là Trung Quốc tin rằng sức mạnh của ngành đánh bắt ở biển xa có thể bảo vệ lợi ích đại dương của họ, mở rộng không gian quốc tế cho việc phát triển, củng cố hiện trạng và ảnh hưởng của nước này, thắt chặt sự hợp tác giữa họ với nước ngoài. Vì thế, rõ ràng từ năm 2000, đặc biệt sau Đại hội 18, đã có sự hội tụ lợi ích của tất cả các bên liên quan ở Trung Quốc, từ chính quyền trung ương, ngư dân, chính quyền địa phương đến các nhóm lợi ích ngành, nhằm mở rộng lĩnh vực ngư nghiệp biển Trung Quốc. Nhiều khả năng sự mở rộng ra bên ngoài của ngành ngư nghiệp biển Trung Quốc sẽ tiếp diễn. Điều này có nghĩa là ở cấp độ khu vực, tranh chấp ngư nghiệp giữa Trung Quốc và các nước khu vực sẽ gia tăng và ở cấp độ toàn cầu, sự mở rộng ngành ngư nghiệp biển xa của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực lên nguồn hải sản thế giới.

Tác giả Zhang Hongzhou là nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Bài viết đăng trên tờ “Straitstimes” (ngày 23/3).

Anh Thư (gt)