china-flag-marsh_2353678b.jpg

Trình bày quan điểm tại cuộc hội thảo ngày 13/2 ở Canberra, Giáo sư Greg Austin thuộc Trung tâm An ninh mạng Australia tại Đại học New South Wales cho rằng nguy cơ lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định khu vực hiện nay không phải là từ những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, mà điểm kích hoạt chính lớn hơn là khả năng Đài Loan tách hẳn khỏi Trung Quốc. Ông cho rằng vấn đề Đài Loan và chính sách “Một Trung Quốc” được Bắc Kinh coi là quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác trong khu vực này.

Trong cuộc hội thảo mang tiêu đề “Tránh chiến tranh: Đài Loan, Một Trung Quốc và Biển Đông”, Giáo sư Austin đã thảo luận về khả năng xảy ra một cuộc xung đột với Bắc Kinh, nhấn mạnh thế giới chưa mấy quan tâm đến một số cú sốc chiến lược làm rung chuyển khu vực này trong những năm gần đây, đe dọa phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực. Việc Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông là một trong những cú sốc chính thu hút sự chú ý lớn, song cần nhớ rằng Trung Quốc vẫn còn những vấn đề lớn hơn nhiều cần giải quyết. Ông nói: “Đài Loan vẫn là rủi ro lớn nhất đối với việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Không có gì quan trọng hơn đối với Bắc Kinh là việc ngăn chặn Đài Loan tách khỏi Trung Quốc Đại lục”.

Giáo sư Austin cho rằng Tổng thống Donald Trump cảm thấy Mỹ có thể đàm phán về chính sách "Một Trung Quốc" hoặc các khía cạnh của nó, nếu Bắc Kinh chưa sẵn sàng đàm phán về những vấn đề kinh tế lớn. Ông nói: “Ông Trump đã đúng khi cho rằng Trung Quốc đã thao túng tiền tệ, nhưng một trong những lý do mà thế giới đã phải chấp nhận là vì nếu để Trung Quốc đi quá nhanh trên cán cân tiền tệ đó thì sẽ tạo ra bất ổn lớn. Ông Trump không muốn Trung Quốc lờ đi chủ đề này nên đã ám chỉ rằng nếu không hợp tác về chính sách tiền tệ thì chúng tôi sẽ không hợp tác với chính sách 'Một Trung Quốc'”. Bắc Kinh rõ ràng không vui khi ông Trump đặt vấn đề về chính sách "Một Trung Quốc", điều vốn được tôn trọng qua nhiều chính phủ cả ở Úc và Mỹ.

Theo Giáo sư Austin, điều nguy hiểm là Tổng thống Trump đã gắn chính sách kinh tế với vấn đề về an ninh và chủ quyền quốc gia. Ông nói: “Điều đó giống như việc tìm cách sửa chữa một vết nứt trên tường bằng cách dùng máy xúc phá bỏ toàn bộ ngôi nhà”. Bắc Kinh rất coi trọng việc giữ cho tình hình Đài Loan vốn như trước nay. Chẳng hạn, vào năm 1995-1996 khi Chính quyền Đài Loan tìm cách tách khỏi Đại Lục, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách phóng thử vài quả tên lửa đạn đạo xuống sát đảo Đài Loan. Từ bằng chứng này, Giáo sư Austin cho rằng đối với Trung Quốc, Đài Loan không chỉ là một trò chơi ngoại giao, “Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực nếu tin rằng Đài Bắc chắc chắn đang tách khỏi quan điểm 'Một Trung Quốc'”.

Tại hội thảo, Giáo sư Austin đã nêu ra một loạt cú sốc chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến Chính phủ Úc phải điều chỉnh chính sách và quan điểm trong một số vấn đề nhằm giúp "hạ nhiệt" những căng thẳng. Từ việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, tới cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines dẫn đến chiến thắng của ông Rodrigo Duterte và gần đây là sự hồi sinh chủ nghĩa cực đoan ở Indonesia. Những cú sốc này đã làm thay đổi lớn cục diện khu vực chỉ trong vòng 2-3 năm nay. Cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ với chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump cũng gây những trấn động trên khắp châu Á. Theo Giáo sư Austin, phương Tây và Úc không nên tập trung quá vào hình ảnh về một Trung Quốc tìm cách thống trị Biển Đông, mà nên tìm cách làm sao có những đóng góp tốt hơn để duy trì hòa bình trong khu vực, đặc biệt là ổn định ở Eo biển Đài Loan.

Về nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ-Trung, Giáo sư Austin cho biết tin tốt lành là chính quyền mới của Mỹ đang bận rộn tập trung nhiều hơn vào việc chống các chiến binh Hồi giáo cực đoan, chứ không phải việc xây dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ông cho rằng một cuộc chiến tranh như vậy không nằm trong lợi ích quốc gia của bất cứ bên nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mối đe dọa xảy ra xung đột là quá lớn dù xuất phát từ một vấn đề mà cả hai có thể cùng lờ đi và bản thân các nhà hoạch định chính sách quan trọng cũng đã tính nhiều hơn đến khả năng này. Ông nói: “Chiến tranh ở Đông Á là rất khó xảy ra… nhưng một nhà phân tích tình báo giỏi thì sẽ vẫn luôn cảnh giác với nguy cơ này”.

Theo "News"

Hương Trà (gt)