Trung Quốc không phải quá xa lạ với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cựu Giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil, cũng như các đối thủ của ông. Năm 2006, giới lãnh đạo tập đoàn dầu khí Chevron tin là họ đã có được một “cơ hội vàng” để mở rộng hoạt động tại châu Á sau khi biết được các thông tin cho rằng một khu vực rộng lớn ở Biển Đông có trữ lượng tài nguyên vô cùng lớn. Đây cũng là khu vực có lịch sử xung đột giữa 6 bên, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, thời điểm Chevron tới thăm dò khu vực này, các căng thẳng đã tạm lắng. Các cuộc đàm phán diễn ra sau đó với doanh nghiệp dầu khí quốc gia của Malaysia là Petronas đã diễn ra khá thuận lợi, và mọi chuyện tiếp tục theo đúng trình tự. Vài tháng sau, Chevron đặt bút ký thỏa thuận và bắt đầu quá trình thăm dò. Tuy nhiên, dù đã rất thận trọng, song doanh nghiệp dầu khí của Mỹ này vẫn phải đối mặt với một điều mà họ chưa từng trải qua: phản ứng quá mức của một Trung Quốc nuôi tham vọng bá quyền ngày càng lớn. Dù Chevron tiến hành thăm dò trong phạm vi Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Malaysia, song Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Chevron, cáo buộc đó là các hành vi xâm phạm chủ quyền và đe dọa trả đũa. Chevron đã quyết định tránh mạo hiểm và tới 2007 chính thức hủy bỏ dự án này.

Đó chỉ là một trong những vụ việc tiêu biểu trong số những trở ngại mà nhiều doanh nghiệp khai thác năng lượng nước ngoài gặp phải khi hoạt động ở Biển Đông. Khu vực này được cho là có trữ lượng dầu khí lên tới 11 tỷ thùng dầu, và khoảng 190 triệu mét khối khí đốt tự nhiên. Khi vấn đề chủ quyền nảy sinh, các doanh nghiệp này thường có chung một hướng giải quyết là từ bỏ. Có một thực tế là trong thập kỷ qua, nhiều tập đoàn dầu khí đa quốc gia đã không muốn hoạt động tại Biển Đông. Lấy ví dụ, năm 2008, tập đoàn dầu khí BP (Anh) đã hủy bỏ một dự án tại đây sau khi đối mặt với nhiều áp lực từ Trung Quốc. Cũng trong năm đó, tập đoàn dầu khí ConocoPhilips đã phải hoãn lại kế hoạch triển khai hoạt động tại Biển Đông. Tính đến nay, mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp dầu khí lớn của Mỹ vượt qua được các thách thức này, đó chính là ExxonMobil.

Dưới sự lãnh đạo của cựu Giám đốc điều hành Rex Tillerson, ExxonMobil đã thúc đẩy một dự án chung với Chính phủ Việt Nam với tên gọi “Cá voi Xanh”. Các cuộc đàm phán được khởi động từ năm 2007, và tới năm 2011, các giàn khoan thăm dò đã bắt đầu hoạt động tại những khu vực được cho là có trữ lượng ở các vùng biển lân cận. Không lâu sau đó, người ta phát hiện có một lượng lớn khí đốt tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các cuộc đàm phán kéo dài đã diễn ra sau đó, và một tuần trước khi ông Trump bước vào nhiệm sở, đúng thời điểm cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến công du Hà Nội cuối cùng khi còn tại nhiệm, ExxonMobil đã ký một hợp đồng với doanh nghiệp dầu khí quốc doanh PetroVietnam, để cùng tiến hành khai thác mỏ khí đốt trị giá hàng tỷ USD từ năm 2023.

Exxon đặc biệt hơn các đối thủ của mình, và điều này cho phép tập đoàn này có thể tránh áp lực từ phía Trung Quốc. Trong khi các doanh nghiệp khác, như BP và Chevron, có nhiều dự án triển khai tại Trung Quốc thì Exxon lại không như vậy. Bởi vậy, Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng hay có thể gây sức ép và đe dọa Exxon. Hơn thế nữa, đối tác trong dự án kể trên của Exxon là Việt Nam, quốc gia cũng rất không đồng tình với Bắc Kinh về nhiều vấn đề liên quan tới Biển Đông.

Không chỉ tại khu vực châu Á, tập đoàn ExxonMobil cũng được xem là một “bên cứng đầu” hiếm có ở những nơi khác. Bất chấp cảnh báo từ phía Bộ Ngoại giao về nguy cơ hủy hoại quan hệ giữa Mỹ và Iraq, ông Tillerson khi còn là CEO của Exxon đã đàm phán một thỏa thuận với người Kurd để khai thác dầu mỏ. Khi tờ Thời báo Hoàn cầu, thân chính quyền Trung Quốc, đe dọa rằng nước này sẽ tấn công bằng vòi rồng nếu Exxon tiếp tục dự án của mình, ông Tillerson vẫn không chùn bước. Thay vào đó, ông bay tới Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao thuộc Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và tìm kiếm giải pháp cho những khúc mắc liên quan.

Trên cương vị của một Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson rõ ràng đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro hơn. Tháng 2/2017, các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (SAM) tại quần đảo Trường Sa ngay trung tâm Biển Đông. Các cơ sở hạ tầng này có thể đưa Trung Quốc tới gần hơn mục tiêu thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), và củng cố hơn các tuyên bố chủ quyền của quốc gia này. Nếu một ADIZ như vậy hiện diện, Mỹ sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc đối đầu trực diện với Trung Quốc để tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, hoặc nhượng bộ và chấp nhận để Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ khu vực này.

Những thành công từng có được trong vấn đề liên quan tới Biển Đông có thể sẽ khích lệ ông Tillerson rằng cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc là đương đầu. Rất khó để so sánh các kinh nghiệm ông Tillerson có được khi còn ở ExxonMobil với vị trí hiện tại mà ông đảm nhiệm. Các mối lo ngại về an ninh quốc gia trước chủ nghĩa mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc lớn hơn nhiều những lợi ích kinh tế của Exxon. Mỹ cũng có nhiều mục tiêu phức tạp hơn trong khu vực chứ không đơn thuần chỉ là mong muốn tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng. Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng có thể sẽ vận dụng một số chiến lược cũ và các chính sách đối ngoại của ông chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi phong cách mà ông từng có khi còn là CEO của Exxon, bởi xét cho cùng đây là kinh nghiệm về đối ngoại đầu tiên mà ông có.

Biển Đông là nơi có tầm quan trọng đáng kể về kinh tế, nơi mỗi năm có một lượng hàng hóa trị giá tới 5 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua, và cũng là nơi trung chuyển tới 1/3 lượng dầu thô và một nửa lượng khí đốt hóa lỏng của thế giới. Bởi vậy, có lẽ cũng không nói quá rằng những kinh nghiệm mà ông Tillerson có được từ thời làm việc cho Exxon, đi vòng quanh thế giới để đàm phán các thỏa thuận phức tạp, làm việc với những nhà cầm quyền độc đoán hay các quốc gia thù địch, nắm bắt và phân tích lượng lớn thông tin để đưa ra các quyết định cuối cùng, cũng đã tạo cho ông những nền tảng nhất định trên cương vị mới.

Tuy nhiên, chỉ một mình ông Tillerson cũng không thể quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ tại Biển Đông. Với việc Tổng thống Trump không ngừng dùng truyền thông đại chúng, cụ thể là Twitter, để định hướng các mối quan hệ ngoại giao, người ta cho rằng khó có thể biết được xem liệu ông Tillerson có bao nhiêu ảnh hưởng và quyền hạn hay liệu ông có đủ thời gian để thực hiện các mục tiêu đối ngoại của mình hay không khi ông luôn là người phải “dọn dẹp” mớ bòng bong mà nhà lãnh đạo nổi tiếng bốc đồng này gây ra. Dù sao đi nữa, với những gì mà ông Tillerson đã thể hiện trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng 1/2017, ý kiến cho rằng kinh nghiệm sẵn có trong vấn đề Biển Đông sẽ tác động tới chính sách mà ông thực hiện trên cương vị Ngoại trưởng cũng là điều không phải là không có cơ sở, và nhiều người còn dự đoán rằng đó sẽ là một cách tiếp cận khá cứng rắn.

Ông Tillerson hiểu rõ rằng ông đang phải gánh vác một vai trò quan trọng hơn vị trí CEO và ở trong một sân chơi lớn hơn ExxonMobil. Tuy nhiên, với những gì ông đã làm, có thể kỳ vọng rằng Tillerson trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ các mục tiêu của mình, và thậm chí còn có thể coi vấn đề Biển Đông là cơ hội để ông thành công, trong khi những người khác đã thất bại.

Theo “Brown political review

Lê Quang (gt)