Trong chuyến thăm Inđônêxia, bà Clinton sẽ gặp các nhà lãnh đạo nước này - trong đó có Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono - và đi thăm trụ sở của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ với tổ chức năng động về kinh tế này. Một quan chức cấp cao của Mỹ, yêu cầu giấu tên, cho biết bà Clinton hy vọng sẽ thảo luận với phía Inđônêxia về cách hai bên (Mỹ và ASEAN) hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao. Quan chức này nói: "Điều quan trọng nhất là chúng ta có thể kết thúc mọi việc bằng một tiến trình ngoại giao, nơi các vấn đề này được giải quyết thông qua cuộc trao đổi ngoại giao nghiêm túc giữa Trung Quốc và một ASEAN đoàn kết, chứ không phải thông qua các hành động ép buộc và hăm dọa".

Cũng nhân chuyến công du châu Á kéo dài 11 ngày của Ngoại trưởng Mỹ, báo "Bưu điện Giacácta" ngày 3/9 đã đăng bài viết của nhà phân tích Andi Widjajanto thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Inđônêxia về nội dung và ý nghĩa của chuyến thăm này. Học giả Andi Widjajanto cho biết Mỹ đánh giá Inđônêxia là một đối tác then chốt, một nhân tố quan trọng và có vai trò dẫn đầu trong ASEAN, đặc biệt là trong việc xử lý tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN.

Theo ông Andi Widjajanto, vai trò của Inđônêxia càng nổi bật trong vấn đề Biển Đông vì quốc gia này không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở đây. Inđônêxia đã rất nỗ lực trong việc phối hợp quan điểm chung của ASEAN về tranh chấp này. Chính vì vậy, chuyến thăm Giacácta của Ngoại trưởng Clinton được cho là sẽ nêu bật vai trò của Inđônêxia trong ASEAN và trong việc làm dịu căng thẳng ở Biển Đông, bởi một ASEAN đoàn kết và vững chắc là phù hợp với lợi ích của Mỹ khi họ phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn, nhất là sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama chuyển trong tâm ưu tiên chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương. 

Chuyên gia Andi Widjajanto nhận định chuyến thăm rất ngắn tới Giacácta của bà Clinton sẽ không liên quan đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mà nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo Inđônêxia về những căng thẳng ngày càng tăng ở Biển Đông. Ông lưu ý rằng trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn của bộ này là Victoria Nuland cho biết Ngoại trưởng Clinton "sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Inđônêxia về quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Inđônêxia và cam kết của hai nước về các vấn đề khu vực và toàn cầu". 

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm: Các quốc gia thành viên ASEAN bị chia rẽ sâu sắc về sự bành trướng và gia tăng tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Andi Widjajanto cho biết về các vấn đề khu vực khác, Ngoại trưởng Clinton dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch sắp tới cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và phương pháp tiếp cận của Inđônêxia đối với các vấn đề quan trọng như xây dựng EAS và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Về quan hệ song phương, ngoại trưởng hai nước sẽ thảo luận việc chuẩn bị cho cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Inđônêxia-Mỹ sẽ diễn ra tại Oasinhtơn vào cuối tháng 9 này, trao đổi về vấn đề nhân quyền và tôn giáo ở Inđônêxia, xem xét các vấn đề khu vực và đa phương ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ và Inđônêxia.

Ủy ban hỗn hợp Inđônêxia-Mỹ là diễn đàn hàng năm, được thành lập sau khi hai nước thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện năm 2010.

Ngày 4/9, bà Clinton sẽ đến Trung Quốc để hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà về mối quan hệ thường xuyên biến động giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Cuối tuần, bà Clinton sẽ thăm Brunây. Như vậy, bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm tất cả 10 quốc gia ASEAN

 Thùy Anh(gt)