Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/11 đã tuyên bố rằng chính sách tồn tại gần 200 năm qua chi phối các mối quan hệ của Washington và khu vực Mỹ Latinh cuối cùng đã chấm dứt, để bước sang một kỷ nguyên mới mà trong đó nước Mỹ sẽ tìm kiếm và nuôi dưỡng các mối quan hệ bình đẳng, cùng chia sẻ trách nhiệm với các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác và đối thoại chặt chẽ để đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Phát biểu trước Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), ông Kerry nói: "Học thuyết Monroe khẳng định quyền của chúng tôi trong việc can thiệp và ngăn chặn ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên, ngày nay, chúng tôi đã có lựa chọn khác. Kỷ nguyên của Học thuyết Monroe đã chấm dứt". Những phát biểu này của ông Kerry hoàn toàn trái ngược với phát biểu của ông hồi tháng 4 năm nay trước Quốc hội Mỹ, khi đó ông nói rằng Mỹ phải chú ý hơn tới Mỹ Latinh vì đó là "sân sau" của Mỹ. Phát biểu này của ông Kerry đã khiến khu vực Mỹ Latinh vô cùng tức giận và làm dấy lên những quan ngại về việc Mỹ sẽ quay trở lại cách tiếp cận cứng rắn đối với khu vực này. Ngoại trưởng Kerry sau đó đã bị chỉ trích gay gắt. 

Ngày 18/11, Ngoại trưởng Kerry đã tuyên bố rõ rằng theo quan điểm của chính quyền (Tổng thống Mỹ Barack) Obama, mô hình Washington chi phối bán cầu này đã lỗi thời. Ông nhấn mạnh: "Mối quan hệ mà chúng tôi tìm kiếm và chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy không còn liên quan gì đến tuyên bố của Mỹ về cách thức cũng như thời gian mà nước này sẽ can thiệp vào công việc của các quốc gia Mỹ Latinh khác. Mối quan hệ đó sẽ dựa trên quan điểm rằng tất cả các nước đều bình đẳng, cùng chia sẻ trách nhiệm, hợp tác trong các vấn đề an ninh, cùng thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung".

Những phát biểu ngày 18/11 của ông Kerry đã nhận được sự chú ý lớn của báo giới Mỹ Latinh. Chẳng hạn, báo "El Universal" của Venezuela đã đăng tải đậm nét tin về "sự chấm dứt của chính sách can thiệp của Mỹ" tại khu vực. Nhìn chung, dư luận Mỹ Latinh rất quan tâm đến sự kiện này, họ gọi đây là sự chấm dứt của "những sai lầm" trong Học thuyết Monroe, chứ không phải sự chấm dứt của "kỷ nguyên" Monroe.

"Học thuyết Monroe" được cố Tổng thống Mỹ James Monroe thông qua năm 1823. Học thuyết này tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào của các nước phương Tây nhằm thực dân hóa vùng đất Bắc hoặc Nam Mỹ đều bị xem là các hành động gây hấn và có thể khiến Mỹ can thiệp. Học thuyết này cũng nêu bật thế kỷ đầu tiên của các hành động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài. Từ góc nhìn của Mỹ Latinh, Học thuyết Monroe vẫn được coi là "giấy phép" để Mỹ tùy ý can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thuộc khu vực này. Trong thế kỷ 19, cố Tổng thống Mexico Porfirio Diaz từng nói: “Tội nghiệp Mexico, càng ngày càng xa Chúa và gần với Mỹ".

Trên thực tế, sự thay đổi chính sách của chính quyền Obama đối với khu vực Mỹ Latinh không phải là hoàn toàn mới. Thông qua việc tạo điều kiện cho các nước lớn trong khu vực như Colombia và Brazil, đồng thời không nghiêm trọng hóa những lời nhạo báng và chống Mỹ của Venezuela, Bolivia và Ecuador, chính quyền Mỹ đang cố tìm cách thúc đẩy quan hệ Mỹ-Latinh và đưa mối quan hệ này sang một chương mới. Thực ra, trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã có một số điều chỉnh chính sách đối với Mỹ Latinh, theo đó rút lại chính sách tiếp cận "độc đoán" đối với Mỹ Latinh và hướng tới chính sách ngoại giao đa phương.

Theo The Wall Street Journal

Thùy Anh (gt)