Mười ưu tiên của ông Kerry.

- Giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông, sự thất bại của "Mùa Xuân Arập" nhằm thúc đẩy dân chủ và giải quyết các vấn đề liên quan tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Ở điểm này, ông Kerry cùng với Chính quyền Obama nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn.

- Giải quyết thái độ của Nga đối với Ukraine và gần đây là sự can thiệp của Moskva vào Syria. Ông Kerry và ông Obama đã làm tốt hơn kỳ vọng, duy trì gây sức ép đối với Moskva thông qua các lệnh trừng phạt mà không khiêu khích Tổng thống Nga Putin. Song điều này dường như càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

- Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran là một phép thử chính trị. Tuy vẫn còn nhiều mối lo ngại về chi tiết cụ thể của thỏa thuận này nhưng khi xem xét trên tất cả các khía cạnh thì ông Kerry đã thể hiện những nỗ lực đáng ghi nhận và sự bền bỉ trong đàm phán.

- Đấu tranh với các hành vi của Triều Tiên, trong đó có 2 vụ thử hạt nhân. Chính quyền Obama theo chủ trương không dính líu và chiến lược này đến nay tỏ ra hữu ích.

- Đấu tranh với sự trỗi dậy của Trung Quốc, bao gồm cả các thách thức về an ninh và công nghệ. Ông Kerry dường như không đặt trọng tâm vào điểm này.

- Hỗ trợ Tổng thống Barack Obama đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ở điểm này, ông Kerry đã làm tròn bổn phận.

- Phối hợp với châu Âu và Nhật Bản nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế. Ông Kerry đã thực hiện tốt vai trò đối ngoại, mặc dù lĩnh vực này chủ yếu do Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương Mỹ và Đại diện Thương mại Mỹ đóng vai trò đi đầu.

- Nỗ lực thực hiện một vài hoạt động ngoại giao riêng biệt công khai như: thực hiện tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine và ở một mức độ nào đó là sự mở cửa đối với Cuba. Trên phương diện này, khó có thể đánh giá về sự đóng góp của ông Kerry do ông vừa giành được điểm cộng lại vừa có điểm trừ.

- Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Xét đến sự phản đối trong Quốc hội Mỹ thì ông Kerry và ông Obama đã cố gắng hết sức để đạt được thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị Paris vừa qua.

- Tạo nên tiến bộ có ý nghĩa trong một số vấn đề của thế kỷ 21 như nạn đói nghèo, ma túy, thiếu nước sạch.

Trong số 10 vấn đề lớn kể trên, ông Kerry đã làm tốt 5 hoặc 6 mục tiêu, trong đó đàm phán hòa bình về vấn đề Syria- điều vẫn được ông coi là ưu tiên hàng đầu, cùng với việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận biến đổi khí hậu- là các điểm nhấn đối với một trong số những quan chức có thời gian phục vụ nước Mỹ lâu nhất. Tuy nhiên, ông Kerry chỉ đạt điểm trung bình trong xử lý nhiều vấn đề khác của thế kỷ 21 cũng như đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, thậm chí chỉ đạt điểm kém cho cách xử lý vấn đề Trung Đông, IS, cũng như phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các chuyến công du nước ngoài của ông Kerry cho thấy "có vẻ" ông chỉ tập trung cho Trung Đông, châu Âu và mở rộng đến Nga. Thực tế đó cũng thể hiện "sự bất lực" của ngoại trưởng Mỹ trong việc duy trì những điều mà Tổng thống Obama tuyên bố là "ưu tiên toàn cầu" quan trọng nhất ngay từ nhiệm kỳ đầu- chiến lược tái cân bằng hướng tới châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài những sự việc cụ thể, đóng góp bao quát rộng hơn của ông Kerry thể hiện trên 3 điểm chính sau: Trước hết là nỗ lực, sự kiên nhẫn và cam kết đáng ngạc nhiên của ông khi thường xuyên phải làm việc với những cá nhân và quốc gia "khó chiều". Thứ hai là sự chú ý đối với các vấn đề toàn cầu mới như biến đổi khí hậu. Thứ ba là sự ưa thích giải quyết các vấn đề bằng con đường ngoại giao hơn là các chiến lược khác như chính sách an ninh. Ông là một nhà ngoại giao hơn là một nhà chiến lược hay một vị chỉ huy thời chiến.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Kerry đối với cuộc chiến chống IS và tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria liên quan đến địa vị của Tổng thống Bashar Assad đến nay đã thất bại hoàn toàn. Mục tiêu của ông Kerry là thiết lập nên một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria nhưng trong hoàn cảnh hiện nay điều đó thực sự là một hy vọng rất mong manh. Mỹ cần một chiến lược chính trị đối với Syria mà kỳ vọng ít hơn vào việc khôi phục một nhà nước thống nhất và hy vọng nhiều hơn ở một liên bang- cho phép có nhiều khu vực tự trị của các phe phái. Mỹ cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế khi thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy hòa bình một khi thỏa thuận này trở nên khả thi.

Michael O' Hanlon, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ. Bài viết được đăng trên Brookings.

Văn Cường (gt)