Sứ mệnh của ông Kerry trong chuyến đi lần này khác so với hàng loạt chuyến thăm trước đó. Lĩnh vực hỗ trợ mới nhất của Mỹ đối với Việt Nam chủ yếu là về năng lượng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước bao quanh Biển Đông, vùng biển trên lý thuyết có tiềm năng rất lớn về dầu mỏ và khí đốt, nhưng cũng là nguồn gốc của cuộc xung đột cấp độ thấp diễn ra liên tục hiện nay. 

Bắc Kinh ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông vào khoảng 100 tỷ thùng, gấp 10 lần so với ước tính của các quan chức Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để giành lấy nguồn dầu mỏ đó cho riêng mình. Các tàu của Trung Quốc đã ngăn chặn các tàu của Việt Nam và nước ngoài đang thực hiện nhiệm vụ thăm dò dầu khí trong những năm gần đây. Cách đây một năm, tàu Trung Quốc rõ ràng đã cố ý ngăn chặn các nỗ lực khảo sát dầu mỏ của Việt Nam bằng cách cắt cáp thăm dò. Tháng 11/2013, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận tiếp tục khai thác dầu mỏ tại Biển Đông và đã ngay lập tức nhận sự phản đối của Trung Quốc. 

Ngày 16/12, Mỹ đã tuyên bố sẽ trợ giúp Việt Nam tuần tra giám sát vùng biển của mình. Trên thực tế, đó là cách để mang lại cho Việt Nam thêm sức mạnh trong việc bảo vệ các lợi ích chủ quyền của mình ở khu vực Biển Đông giàu dầu mỏ và khí đốt nhưng nhiều tranh chấp. Ngoài ra, ông Kerry cũng đã thổi luồng gió mới vào "Sáng kiến Hạ Mêkông", nhằm giúp Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á có một cách tiếp cận bền vững trong việc đối phó với thảm họa do biến đổi khí hậu, và cũng để sự thèm muốn năng lượng có vẻ như vô tận của Trung Quốc không làm sụp đổ nền kinh tế nông nghiệp của Đông Nam Á. 

Quan hệ đối tác trong lĩnh vực hàng hải với Việt Nam đặc biệt hấp dẫn, bởi nó mang lại cho Mỹ một hướng đi trong việc tăng cường sức mạnh cho một quốc gia vốn không phải là đồng minh và việc bán vũ khí cho quốc gia này vẫn bị luật hạn chế. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu USD để tăng cường năng lực cho các đơn vị tuần tra ven biển, trong đó có việc cung cấp 5 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Về danh nghĩa, như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, đó là một phần trong gói hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam và các nước láng giềng thực hiện tốt các nhiệm vụ như chống cướp biển, buôn ma túy hay các nhiệm vụ tương tự. 

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kerry cũng đã tuyên bố rõ tại Hà Nội rằng các tàu tuần tra này sẽ có một sứ mệnh quan trọng hơn. Ông nói: "Hòa bình và ổn định tại Biển Đông là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi cũng như các nước trong khu vực. Chúng tôi hết sức quan ngại và phản đối mạnh mẽ các hành động hiếu chiến và cưỡng bức nhằm khẳng định chủ quyền". Tuyên bố của ông Kerry rõ ràng là nói tới Trung Quốc, nước đã sử dụng các chiến thuật mạnh tay nhằm tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông với khái niệm đường 9 đoạn. 

Giáo sư M. Taylor Fravel, chuyên gia về các vấn đề hàng hải tại Đại học Công nghệ Massachussetts, nhận định rằng chỉ vài tàu tuần tra sẽ không giúp Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc trên biển, nhưng ít nhất thì về mặt biểu tượng, thỏa thuận này đã cho thấy cách thức mà Mỹ sẽ trợ giúp các bên có tuyên bố chủ quyền tăng cường thực lực để đối phó với sự đe dọa. Đáng nói, sự trợ giúp của Mỹ được thực hiện dưới hình thức tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam. 

Ông Ely Ratner, Phó Giám đốc chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), nhận định: "Thực lực của lực lượng dân sự trên Biển Đông là rất quan trọng. Trung Quốc đang sử dụng một cách hiệu quả sự vượt trội của mình về lực lượng này để bắt nạt và cưỡng ép các nước láng giềng của mình mà không cần phải sử dụng hành động quân sự trực tiếp. Do đó, điều thiết yếu đối với các quốc gia khác là dù không thể ngang hàng với Trung Quốc nhưng ít nhất cũng phải có lực lượng tuần tra bảo vệ bờ biển mạnh". 

Cũng giống như việc xây dựng quan hệ đối tác về hàng hải, sự ủng hộ lớn hơn đối với "Sáng kiến Hạ Mêkông" là một cách mà Mỹ có thể trợ giúp các quốc gia đang phải vật lộn với một Trung Quốc đang rất quyết đoán. Sự phát triển các dự án thủy điện của Trung Quốc đã tận dụng được sự chia rẽ giữa các nước láng giềng ở hạ nguồn. Đó chính là lý do khiến Mỹ cố gắng tạo dựng sự đoàn kết giữa các nước hạ nguồn, trong đó có Việt Nam, để các nước này hợp tác chặt chẽ hơn trong việc phát triển thủy điện và kiểm soát nguồn nước. 

Lê Sơn (gt)