Thái Lan là nước duy nhất trong khu vực chưa từng bị đô hộ. Thái Lan theo đuổi một chính sách ngoại giao được biết với tên gọi là “không đứng về phía nào”, hoặc cũng có thể gọi theo cách khác là “đứng trung lập”. Nhưng có một đặc tính là Thái Lan chắc chắn sẽ thay đổi chính sách nếu có một bên giành chiến thắng. Những ví dụ rõ rệt là trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Thái Lan đã chuyển từ đồng minh với Nhật Bản sang ủng hộ Mỹ, hay như việc hợp tác quân sự với Cộng sản Trung Quốc trong xung đột tại Campuchia vào những năm 1980.

Chính sách ngoại giao này khá hữu dụng, giúp cho Thái Lan có thể ứng phó với những thách thức từ bên ngoài. Trong suốt 6 thập kỷ vừa qua, là một đồng mình của Mỹ, chính sách ngoại giao của đất nước đã đi theo con đường chiến lược được Washington vạch ra. Thái Lan từng là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975 và Campuchia đạt được hòa bình vào năm 1991, giá trị chiến lược của Thái Lan trong mắt những nước phương Tây đã sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, những nước láng giềng, vốn từng là kẻ thù hoặc bị cô lập đã xây dựng mối quan hệ với các cường quốc và các quốc gia lớn mạnh khác một cách nhanh chóng và có hệ thống.

Thái Lan hiện không còn nắm vai trò then chốt trong khu vực như trước đây. Các nhà học giả luôn chỉ trích về sự bất ổn phân hóa chính trị đã cản trở sự linh hoạt của chính sách ngoại giao Thái Lan. Thực tế, nhìn vào lịch sử, Thái Lan luôn phải đối mặt với những bất ổn và mâu thuẫn trong nước. Các Chính phủ Thái Lan lên cầm quyền, cả được bầu cũng như không được bầu, đều từng phải áp dụng các chính sách nhằm tồn tại qua ngày. Tính chất tồn tại qua ngày đã trở thành gánh nặng cho một thế giới đang toàn cầu hóa trong thế kỷ 21 với nhiều cường quốc đang vươn lên.

 Trong khu vực, sự tiếp nối và thay đổi là một lợi thế. Tuy nhiên, trong trường hợp của Thái Lan, các nước từng tiếp xúc với Thái Lan đều kết luận rằng, Thái Lan chỉ có thay đổi chứ không có tiếp nối. So sánh với người đến sau là Myanmar, bất kể quá khứ tồi tệ của mình, nước này đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ cho những cải cách xã hội của mình. Không hề có sự nhập nhằng đối với chính sách và kế hoạch trong tương lai của Chính phủ Thein Sein.

 Sang năm tới, có ba vấn đề nổi bật sẽ thử thách chính sách ngoại giao của Thái Lan. Đầu tiên và xung đột giữa Thái Lan và Campuchia tại khu vực đền Preah Vihear. Thứ hai là vai trò của Thái Lan là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Cuối cùng là quản lý vùng đệm tại biên giới Thái Lan – Myanmar và hàng nghìn vấn đề liên quan đến 2,400 km đường biên giới. Tất nhiên, hiện tại đã xuất hiện sự chủ quan trong lòng các lãnh đạo Thái Lan khi cho rằng tình hình yên ổn tại biên giới Thái Lan – Campuchia cũng như sự thân thiết giữa Thủ tướng Hun Sen và Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với phán xét của Tòa án Quốc tế tại Hague. Giữa tháng Tư năm tới, Thái Lan sẽ có cuộc bảo vệ cuối cùng về tuyên bố của mình đối với ngôi đền Hindu. Dù cho phán quyết của tòa án ra sao (dự kiến vào cuối 2013, đầu 2014), vẫn sẽ tạo ra một khuôn khổ cho quan hệ Thái Lan – Campuchia. Nếu không thực thi theo phán quyết sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tới sự ổn định của ASEAN và có thể hủy hoại việc xây dựng cộng đồng ASEAN.

Giữ nhiệm vụ hàn gắn quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Thái Lan có một vai kép trong vòng 03 năm tới (từ 2013 – 2015). Ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm sự tiến triển trong các nỗ lực chung nhằm dự thảo Quy tắc ứng xử trên biển Đông. Sự tin tưởng lẫn nhau cần phải được phục hồi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Thái Lan không phải là một nước chuyên về biển. Ngoại trừ dự án Thái Lan – Malaysia  về phát triển tại Vịnh Thái Lan năm 1979, Bangkok không có thành tích nào trong việc xử lý các vấn đề biên giới biển với các nước láng giềng như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Nhiều thử thách liên quan đến những nỗ lực mở rộng lãnh thổ trên biển, đặc biệt là những vùng nước giàu tài nguyên, sẽ luôn là vấn đề nóng hổi tại các cuộc họp của ASEAN trong thời gian tới.

 Xa hơn quan hệ ASEAN – Trung Quốc, vấn đề sẽ bớt phức tạp nếu như Thái Lan không phải là một đồng minh quân sự với Mỹ. Dù Thái Lan có làm gì đi nữa, trên phương diện cá nhân hay thay mặt ASEAN, thì vẫn bị hòa nghi là có tác đông từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chủ nghĩa ngoại giao “đứng trung lập” của Thái Lan đã được áp dụng qua nhiều thế kỷ. Trong ý nghĩ của người Thái, chính sách này có nghĩa là không có quyết định nào được thực hiện cho đến khi có người chiến thắng. Nếu có thể và mọi sự thuận lợi, Thái Lan sẽ nhảy sang con tàu chiến thắng. Nếu tư tưởng ngoại giao như vậy không thay đổi, điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ khối ASEAN. Do vậy, các nhà làm chính sách Thái Lan cần phải xác định rõ các mục tiêu của quốc gia nói riêng và của ASEAN nói chung.

Cuối cùng, xử lý vấn đề biên giời Thái Lan – Myanmar sẽ là nhiệm vụ ngoại giao khó khăn nhất. Mặc dù Thái Lan đã có nhiều năm kinh nghiệm đối với việc di cư và tị nạn với hơn 3 triệu người Đông Dương tị nạn từ những năm 1970 đến 1980, tình hình biên giới phía Tây lại là một vấn đề khác. Những nhóm thiểu số có vũ trang đóng dọc biên giới vẫn chưa được hòa giải và hòa nhập với xã hội Myanamar. Những cố gắng trong việc tổ chức các cuộc đàm phán song phương giữa Thái và Myanamar mà không xem xét vấn đề lợi ích của các nhóm thiểu số sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực về lâu dài. Tương lai của 4 triệu lao động, hợp pháp hay không hợp pháp, cùng với gia đình của họ cũng là một vấn đề gây đau đầu. Các vấn đề xuyên quốc gia khác gồm tội phạm, buôn lậu cũng đòi hỏi có sự hợp tác từ nhiều phía. Và chúng ta cũng không được quên là Thái Lan và Myanmar đã từng có những cuộc đụng độ tại biên giới trong suốt 3 thập kỷ qua.

Theo The Nation (ngày 24/12)

Mỹ Anh (gt)