china-bubble-balloon.gif

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra thân mật trước công chúng khi ông gặp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Bắc Kinh vào đầu tháng 1/2015, ca ngợi người đồng cấp bên phía Venezuela là một “người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc”. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, các cuộc đàm phán chắc hẳn phải căng thẳng hơn rất nhiều. Các ngân hàng Trung Quốc đã cho Venuezuela vay tới 50 tỷ USD kể từ năm 2007. Với nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu, khả năng Venezuela trả được món nợ này đang bị hoài nghi nghiêm trọng. Các nhà đầu tư mua bán trái phiếu của Venezuela sẽ coi vỡ nợ như là một điều thực sự không thể tránh được nếu như không có sự can dự của Trung Quốc. Đã cho Venezuela vay quá nhiều, liệu nước này có cho Maduro vay thêm nữa để ngăn Venezuela vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Và Venezuela chỉ là thế tiến thoái lưỡng nan đầu tiên như vậy đối với Trung Quốc. Nước nhận các khoản cho vay của Trung Quốc nhiều thứ hai tại Nam Mỹ là Argentina, vốn cũng đang trải qua khó khăn do giá cả hàng hóa giảm xuống. Nước này mới bắt đầu nhờ tới tín dụng của Trung Quốc để ngăn dự trữ tiền tệ của mình không “co lại” thêm nữa. Và còn có cả Nga. Các ngân hàng Trung Quốc đã cho các công ty dầu mỏ của Nga vay hơn 30 tỷ USD. Trong khi nền kinh tế Nga đang sụp đổ, lời hứa có thêm tiền mặt từ Trung Quốc là một trong số ít trụ cột hỗ trợ của nước này.

Trung Quốc được nhìn nhận như là vị cứu tinh tiềm tàng của cả 3 nước trên – bên cho vay cuối cùng của họ, chủ ngân hàng giữ cho tiền tiếp tục chảy vào trong khi các chủ ngân hàng khác ngoảnh mặt đi. Đây là bằng chứng cho sự tăng trưởng xuất sắc của Trung Quốc; mới vào năm 2010, nước này vẫn còn là một bên thực sự nhận viện trợ nước ngoài. Nhưng nó cũng phá hỏng tiếng tăm của Trung Quốc trong hoạt động cho vay quốc tế.

Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ về quy mô đối với sổ cho vay toàn cầu của mình trong 5 năm qua bằng cách giao thiệp với các quốc gia phần lớn bị các bên cho vay của phương Tây phớt lờ, cho dù là về lý do chính trị (Nga) hay kinh tế (Argentina). Hơn nữa, các khoản cho vay này không đi kèm với các kiểu điều kiện chính sách thường được IMF áp đặt. Thay vì đòi hỏi sự liêm chính về tài khóa, Trung Quốc thường yêu cầu bên đi vay trao hợp đồng cho các công ty xây dựng của Trung Quốc. Kể từ năm 2008, Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận trao đổi tiền tệ có trị giá khoảng 500 tỷ USD với gần 30 quốc gia từ Canada tới Pakistan, mà sẽ cho các nước đối tác tiếp cận đồng nhân dân tệ khi rắc rối sắp xảy ra.

Đồng thời, Trung Quốc đang thiết lập các ngân hàng phát triển nhằm mục đích thách thức sự thống trị của WB và IMF. Các hành động của Trung Quốc một phần bắt nguồn từ sự thất vọng về việc nước này và các quốc gia đang phát triển khác vẫn có rất ít tiếng nói trong hoạt động của các tổ chức này. Một thỏa thuận đạt được vào năm 2010 nhằm tăng cường quyền bỏ phiếu của các thị trường mới nổi vẫn sẽ giữ cho Mỹ quyền bỏ phiếu phủ quyết đối với các quyết định lớn, tuy nhiên Quốc hội Mỹ đã liên tục không phê chuẩn thỏa thuận không vừa lòng này. Với Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 1 thập kỷ, tình trạng lỗi thời của hoạt động điều hành kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Phát triển nhanh

Trung Quốc không ngồi đợi. Vào tháng 7/2014, nước này đã hợp tác với Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi để thành lập Ngân hàng Phát triển mới, một phiên bản của Ngân hàng Thế giới với số vốn là 50 tỷ USD. Nhóm 5 nước này còn lên kế hoạch đóng góp 100 tỷ USD trong quỹ dự phòng để bất cứ nước nào trong nhóm có thể sử dụng trong trường hợp khủng hoảng. Vào tháng 10/2014, Trung Quốc dẫn dắt việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật Bản chi phối. Một tháng sau, nước này tuyên bố thành lập Quỹ Con đường tơ lụa có trị giá 40 tỷ USD, do một ngân hàng phát triển khác được Trung Quốc hỗ trợ điều hành. Dù có hay không có các cải cách bị trì hoãn, tình hình tại WB và IMF sẽ thay đổi, vì Trung Quốc đã lập ra một con đường để trở thành một chủ ngân hàng thay thế cho thế giới.

Câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc sẽ trở thành một chủ ngân hàng như thế nào. Có điều chắc chắn là rất dễ dàng đi trước thực tại. Theo Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, các thỏa thuận trao đổi có tầm quan trọng về mặt biểu tượng, nhưng “giống như các cọng rơm hơn là phao cứu sinh” cho các quốc gia đang khao khát khả năng thanh khoản. Và nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Trung Quốc như là bên cho vay cuối cùng mang tính vụ lợi. Nước này muốn bảo vệ các khoản đầu tư của mình ở Argentina, Venezuela và Nga. Một cựu cố vấn cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết: “Kinh doanh là kinh doanh”.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy. Một phần cốt yếu trong kế hoạch của Trung Quốc là quốc tế hóa đồng tiền của mình. Đồng nhân dân tệ không hữu dụng như đồng USD mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đem lại thông qua các hoán đổi tiền tệ, nhưng cung cấp các khoản cho vay trong thời kỳ khó khăn là một cách tốt để một ngân hàng trung ương giành được ảnh hưởng toàn cầu. Vai trò của Ngân hàng Anh như là bên cho vay cuối cùng trong tình thế hoảng loạn khi ngân hàng Overend Gurney phá sản năm 1866 đã giúp thiết lập đồng bảng Anh như là đồng tiền quốc tế. Vì lẽ ấy, các trao đổi của Fed với các ngân hàng nước ngoài sau cuộc khủng hoảng tài chính đã củng cố đồng USD.

Nhưng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Argentina, Venezuela và Nga cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở đây có một yếu tố của sự chọn lọc bất lợi: Trong cuộc săn tìm tài sản toàn cầu, Trung Quốc đã giao thiệp với các quốc gia bị những nước khác lảng tránh. Khi các thỏa thuận thương mại biến thành sự hỗ trợ tài chính, Trung Quốc đang gia tăng khả năng chịu thiệt hại của mình.

Một lo ngại lớn hơn là tham vọng của Trung Quốc đối với đồng nhân dân tệ đang thúc đẩy nước này hạ thấp kiểm soát vốn trước khi hệ thống ngân hàng tách biệt của mình đã sẵn sàng. Ngay cả IMF, từ lâu ủng hộ cải cách tài chính nhanh hơn tại Trung Quốc, đã thúc giục nước này cẩn trọng hơn. Tổng lượng vốn từ Trung Quốc chảy ra ngoài không giải thích được đã tăng lên đều đặn trong những năm qua, đạt mức 63 tỷ USD trong quý III năm 2014.
Trung Quốc dường như đang học được từ những sai lầm của mình. Tăng trưởng cho vay nước ngoài của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã chậm lại từ mức gần 50%/năm trong giai đoạn 2009-2011 xuống còn hơn 10% trong năm 2013. Theo Erica Downs thuộc tập đoàn Eurasia Group, ngay cả trước khi giá dầu sụp đổ, CDB đã trở nên thận trọng hơn đối với việc cho Venezuela vay, ràng buộc việc cấp vốn của mình với các dự án nhất định. Nói cách khác, ngân hàng này đang trở nên giống Ngân hàng Thế giới chút ít.

Hơn nữa, quyết định của Trung Quốc thiết lập các ngân hàng phát triển đa phương mới là một sự thừa nhận ngầm rằng cách tiếp cận đơn phương của nước này đã không có hiệu quả. Lãnh đạo AIIB đã tới thăm các thủ đô trên toàn thế giới để hứa hẹn rằng ngân hàng này sẽ tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất của việc điều hành tập thể. Các quan chức tại Ngân hàng Phát triển châu Á, thể chế cho vay bị AIIB thách thức trực tiếp nhất, cho biết họ đang làm việc chặt chẽ với Trung Quốc để giúp nước này có được một khởi đầu tốt. Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn đề nghị được tư vấn về thiết kế của các ngân hàng phát triển khác nhau, hy vọng học được từ họ. Việc này cho thấy rằng Trung Quốc không phải đang lên kế hoạch lật đổ trật tự hiện nay, mà là cố gắng tham gia vào nó./.

Theo “The Economist

Vũ Hiền (gt)