Trong những diễn biến dồn dập gần đây liên quan đến cuộc tranh chấp tại Biển Đông, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã đệ trình lên Ủy ban Thượng viện Mỹ một nghị quyết lên án Trung Quốc nhiều lần dùng vũ lực trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài VOA, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, ông Ernest Bower - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - cho rằng hai thượng nghị sĩ Mỹ đã phát đi một thông điệp rõ ràng đến tất cả các bên liên quan rằng Mỹ có quyền lợi gắn liền với Biển Đông, đồng thời nêu bật vai trò mà Mỹ có thể nắm giữ trong các nỗ lực nhằm ngăn cuộc tranh chấp leo thang tới mức vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông Bower cho rằng điều quan trọng là Oasinhtơn nên trấn an các nước châu Á bằng việc đưa ra cam kết của Mỹ đối với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng và sự hiện diện trên vũ đài thế giới.

Theo ông, cuộc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông không có nguy cơ leo thang để trở thành một cuộc đối đầu quân sự vì nếu xảy ra sẽ chẳng ai có lợi. Ông nói: "Tôi tin rằng ngoại giao sẽ thắng thế và sẽ không có tiếng súng" ở Biển Đông. Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng chiến tranh lạnh có khả năng xảy ra khi các nước, vốn lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc, có thể kêu gọi Mỹ tiếp tay ứng phó với tình hình. Nếu Mỹ và các đối tác không có một chiến lược đúng đắn để đáp ứng, thế giới sẽ lâm vào cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Một cuộc cạnh tranh lưỡng cực, tương tự một cuộc chiến tranh lạnh mới, nếu xảy ra thì rất nguy hiểm, không có lợi cho tương lai của châu Á, Mỹ và Trung Quốc.

Theo ông, nếu kịch bản xấu nhất diễn ra, chiến tranh bùng nổ do cuộc tranh chấp ở Biển Đông, điều đó hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc vì Trung Quốc là một cường quốc đang lên. Ông nói: "Tôi không tin Trung Quốc sẵn sàng giao chiến trong một cuộc chiến tranh hiện đại với Mỹ. Mặc dù Bắc Kinh có lực lượng quân đội hùng mạnh và đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ, nhưng về mặt chiến lược thì bất cứ nhà phân tích quân sự nào cũng sẽ nói rằng chiến tranh là một tai họa lớn. Hiện không phải là thời điểm để Trung Quốc khẳng định quyền lực của mình, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc bị coi là bên gây hấn ở Biển Đông, lấn át các nước nhỏ vốn chỉ tìm cách tự vệ. Tôi tin rằng chiến tranh sẽ là một đại họa đối với Trung Quốc, khu vực và cả Mỹ".

Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phải điều chỉnh lập trường "thương thuyết tay đôi" vì vụ tranh chấp này ảnh hưởng tới an ninh của toàn khu vực và không thể giải quyết bằng đường lối song phương. Tiến sĩ Jonathan Pollack, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Brookings ở Oasinhtơn, cho rằng Mỹ chắc chắn không thể khoanh tay đứng nhìn tình hình ngày càng trở nên căng thẳng ở Biển Đông. Ông nói: “Rõ ràng, Mỹ có những quyền lợi rất quan trọng trong cuộc tranh chấp này. Mặc dù vậy, Mỹ có một nguyên tắc cơ bản là không muốn dính líu tới những tranh chấp như vậy giữa các nước. Mỹ mong muốn tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và sẵn sàng thúc giục các bên liên quan có thái độ thận trọng và kiềm chế để giải quyết tranh chấp”. Còn ông Michael Mazza, nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Doanh nghiệp Mỹ về Nghiên cứu Chính sách Công, cho rằng Oasinhtơn can dự vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông là một việc đương nhiên.

Giáo sư Triệu Hồng, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc trường Đại học Quốc gia Xinh-ga-po, nhận định đường lối đa phương mà Mỹ và các nước Đông Nam Á đề xuất cho nỗ lực giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông là một phương thức hợp lý. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không phải là Trung Quốc muốn hay không muốn. Có một số vấn đề không thể giải quyết bằng đường lối song phương mà cần phải thông qua những kênh đa phương. Có một số vấn đề vốn là vấn đề song phương nhưng có thể biến đổi để trở thành đa phương, kể cả vấn đề tự do hàng hải và an ninh khu vực. Đây là những vấn đề của cả khu vực, chứ không phải chỉ là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với một nước nào đó. Những vấn đề như vậy không thể chỉ dựa vào đàm phán song phương mà có thể giải quyết được”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Tim Huxley, Giám đốc bộ phận châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã nhận thức được sự hạn chế của đường lối song phương và có thể sẽ phải điều chỉnh lập trường của mình. Tuy nhiên, ông Huxley cũng nhấn mạnh rằng lập trường đàm phán của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều.

NCBĐ (tổng hợp)