Trong bối cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ngày một leo thang, lãnh đạo hai bên một lần nữa lại phải diễn “ngoại giao hành lang”. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Vladivostok (Nga), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Y. Noda ngày 9/9 đã có cuộc trao đổi “ngoài ý muốn”. Trong cuộc hội đàm kéo dài 15 phút, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo Thủ tướng Noda về kế hoạch đầy tranh cãi của Chính phủ Nhật Bản trong việc mua lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. 

Nhận xét về cuộc gặp này trên “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 10/9, Vương Bính - Chủ nhiệm Bộ phận Chính trị thuộc Trung tâm Nhật Bản, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết Chủ tịch Trung Quốc đã thể hiện rõ lập trường đối với kế hoạch của Nhật Bản trong việc “quốc hữu hóa” quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, cảnh báo phía Nhật Bản phải nghĩ kỹ trước khi hành động, không được “mua bán” lãnh thổ của Trung Quốc. Theo bà Vương Bính, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cho biết Hồ Cẩm Đào sẽ không có hội đàm chính thức với Noda. Do đó, hai bên có “cuộc gặp hành lang” như vậy chứng tỏ đây không phải một cuộc tán ngẫu vô bổ, Chủ tịch Trung Quốc muốn thông qua đó để truyền đạt tới phía Nhật Bản sự kháng nghị và cảnh cáo của Bắc Kinh. Việc Chủ tịch Trung Quốc dùng hình thức đích thân truyền đạt lập trường của Trung Quốc tới phía Nhật Bản cho thấy đây là vấn đề Trung Quốc cực kỳ coi trọng, đồng thời cũng cho thấy tính nghiêm trọng của việc Nhật Bản tùy tiện “mua bán” lãnh thổ của Trung Quốc. 

Bà Vương Bính cho biết Trung Quốc hy vọng Nhật Bản nghiêm túc chân thành nhìn nhận vấn đề này, không nên làm tổn hại quan hệ Trung-Nhật. Nếu như chính phủ của ông Noda lĩnh hội được sự cảnh cáo nghiêm khắc này của Hồ Cẩm Đào, phía Nhật Bản nên lập tức dừng bước, nếu tiếp tục kế hoạch “mua bán”, quan hệ Trung-Nhật chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi nhìn lãnh thổ của mình bị kẻ khác “mua bán”. 

Quan hệ Trung-Nhật hiện đứng trước ngã tư đường và đang đối mặt với tình hình hết sức nghiêm trọng. Mặc dù việc Chính phủ Nhật Bản “quốc hữu hóa quần đảo” là phi pháp, không thể thay đổi được thực tế rằng Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Trung Quốc, song việc làm này sẽ ngầm phát đi một tín hiệu cho dân chúng Nhật Bản rằng việc chiếm hữu quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã được hợp pháp hóa, đồng thời cũng khiến cộng đồng quốc tế hiểu nhầm về bản chất vấn đề. Hành động “quốc hữu hóa quần đảo” là sự khiêu khích đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hậu họa sẽ vô cùng. 

Vương Bính nhấn mạnh nếu phía Nhật Bản vẫn tiếp tục kế hoạch quốc hữu hóa nêu trên, tức là không đếm xỉa gì tới kháng nghị và cảnh cáo của Chủ tịch Trung Quốc, như vậy, chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ có quyền thực hiện một số phản ứng, có quyền áp dụng một số hành động cần làm trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Mọi phản ứng đều phải nằm trong vòng kiểm soát, song đã đến lúc chính phủ và nhân dân Trung Quốc cần phải thể hiện. 

Về vấn đề này, phát biểu trên báo “Văn Hối” cùng ngày, Giáo sư Lương Vân Tường thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết đây là cuộc gặp trực tiếp cấp nguyên thủ đầu tiên giữa Nhật Bản và Trung Quốc kể từ khi quan hệ hai bên căng thẳng do sóng gió của việc Nhật Bản “mua quần đảo”. Trong thời gian Hội nghị APEC, phía Nhật Bản từng phát tín hiệu muốn cùng lãnh đạo Trung Quốc tiến hành hội đàm chính thức, song việc Nhật Bản “mua quần đảo” đã phá vỡ bầu không khí cho một cuộc gặp chính thức để rồi biến nó thành một “cuộc gặp hành lang” như hiện nay. Phía Nhật Bản đơn phương đưa ra các khái niệm như “mua đảo” hay “quốc hữu hóa đảo”, điều này phía Trung Quốc tuyệt đối không thể chấp nhận. Hy vọng sau cuộc gặp với Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Noda sẽ phải suy nghĩ lại một loạt chính sách liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku. 

Tuy nhiên, Lương Vân Tường cũng thẳng thắn cho biết tổng hợp thái độ của quan chức và dư luận Nhật Bản có thể thấy việc “quốc hữu hóa” Điếu Ngư/Senkaku giống như “đạn đã lên nòng”, cho dù ông Noda có thể cảm nhận được sức ép từ phía Trung Quốc, song tính tới phản ứng của dư luận trong nước, ông ta cũng có thể mạo hiểm tiếp tục thúc đẩy hành động “mua quần đảo”. Theo Lương Vân Tường, mặc dù sóng gió vấn đề Điếu Ngư/Senkaku có thể nói là đã lên tới đỉnh điểm, tình hình cực kỳ căng thẳng, song trên thực tế vẫn còn đất để lùi. Ông nói: “Tranh cãi giữa các nước lớn thường rất ghê gớm, song mọi người đều không muốn thực sự dấn thân vào chiến tranh”. 

Theo Đại Công báo, Văn Hối

Quốc Trung (gt)