Kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua ba hòn đảo hồi tháng 9/2012, các nỗ lực ngoại giao tới nay gần như bế tắc. Cũng phải thừa nhận rằng cả hai chính phủ đã vừa công khai, vừa bí mật tìm kiếm cơ hội đối thoại, nhưng hiện không có triển vọng nào cho một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Trung gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai chính phủ. Sự nghiêm trọng của tình trạng đối đầu còn thể hiện ở nhận thức của dân chúng hai nước, với thăm dò ý kiến của Viện Genron NPO (Nhật Bản) công bố hồi tháng 8/2013 cho thấy hơn 90% người dân Trung Quốc và Nhật Bản khi được hỏi ý kiến đã bày tỏ sự thiếu thiện cảm về nước kia. Không chỉ vậy, 52,7% số người dân Trung Quốc cho rằng sẽ có một cuộc xung đột quân sự nổ ra giữa hai nước trong tương lai gần liên quan tới các quần đảo đang trong tình trạng tranh chấp. 

Việc nhận thức của người dân hai nước ngày càng xấu đi khiến chính phủ hai bên gặp khó khăn hơn trong việc cải thiện quan hệ song phương. Trong bối cảnh như vậy, vai trò của ngoại giao dân sự ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, ngoại giao dân sự đòi hỏi công dân của một nước sẽ tiếp cận với các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của quốc gia kia, trong đó có cả các cựu quan chức chính phủ, các học giả, các chuyên gia chính sách, trên cơ sở tự nguyện để giải quyết các thách thức trước mắt. Những sáng kiến đó sẽ gắn kết chặt chẽ với các nỗ lực ngoại giao truyền thống và có thể giúp thúc đẩy chính phủ hành động mà không cần phải tuân thủ những quan điểm chính thức. 

Có hai lý do để ủng hộ việc tăng cường ngoại giao dân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Thứ nhất, chỉ đơn thuần các nỗ lực của chính phủ hai bên là không đủ để có thể giải quyết các vấn đề hết sức mong manh về chính trị, chẳng hạn như các tranh chấp lãnh thổ. Sự phức tạp của tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nằm ở chỗ chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề nhạy cảm này bằng cách thúc đẩy các chiến dịch tuyên truyền với công chúng khác nhau. Chẳng hạn, người dân Trung Quốc đã không được chính phủ cho biết rằng các quần đảo tranh chấp đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản trong nhiều năm. Tại Nhật Bản, chính phủ luôn khẳng định rằng chưa bao giờ nhất trí gác tranh chấp lãnh thổ sang một bên trong các cuộc đàm phán năm 1978. 

Lý do thứ hai cho việc thúc đẩy ngoại giao dân sự là việc khăng khăng đòi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp có thể khiến hai nước bị kẹt cứng với ít, hoặc thậm chí không có, sự nhượng bộ trong cách hành xử của cả hai bên. Khi xét tới các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, việc tìm kiếm sự đồng thuận rộng rãi trong công chúng về một giải pháp hòa bình có lẽ là giải pháp duy nhất để phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Xã hội dân sự - trong đó bao gồm các viện nghiên cứu tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận và một loạt diễn đàn khác - có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại đi theo hướng ngăn ngừa xung đột. 

Ý tưởng về việc giải quyết các khó khăn giữa Nhật Bản và Trung Quốc theo cách không cần dùng tới quân sự hoặc đe dọa không phải là ý tưởng mới. Ngoài Hiến chương Liên hợp quốc, ý tưởng đó cũng có trong Điều 1 của Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị. Bằng cách áp dụng nguyên tắc này trong các mối quan hệ Nhật-Trung, những căng thẳng hiện nay có thể được kiềm chế. Và nếu như các cuộc đối thoại giữa hai chính phủ được thực hiện theo nguyên tắc chỉ đạo này thì triển vọng giải quyết tranh chấp lãnh thổ là điều có thể đoán định. 

Theo “CFR” 

Nhật Linh (gt)