Thứ nhất, phương diện chủ quyền lãnh hải. Thực hiện chính sách ngoại giao phục vụ cho mục tiêu “trục biển” có nghĩa Indonesia cần đẩy nhanh việc giải quyết biên giới trên biển với các nước láng giềng. Sự phân định rõ ràng đường biên giới biển cũng như quyền sở hữu các đảo nhỏ sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong việc vận chuyển, đánh cá và phát triển các nguồn thủy sản khác. Tính xác định của đường biên giới biển còn rất quan trọng để thực thi pháp luật, ví dụ đánh chìm tàu thuyền đánh bắt cá bất hợp pháp. Indonesia cho rằng việc các tàu nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải Indonesia đòi hỏi biên giới biển phải thật rạch ròi. Các quốc gia khác cũng có thể áp đặt các biện pháp cứng rắn đối với ngư dân Indonesia đánh bắt cá trên lãnh hải của họ. Để ngăn chặn sự cố ngoại giao không đáng có, các ngư dân Indonesia phải nhận thức được các ranh giới biển giữa Indonesia với các nước láng giềng để không xâm phạm vào lãnh hải của các quốc gia khác. Cung cấp thông tin cho ngư dân là một phần không thể thiếu trong một nỗ lực đặt “trục hàng hải” vào khuôn khổ ngoại giao.

Thứ hai, phương diện an ninh. Indonesia không những đóng vai trò trung tâm thúc đẩy hàng hải và hoạt động kinh tế giữa hai châu lục và hai đại dương mà còn phải đóng vai trò một quốc gia có trách nhiệm cao. Nếu Indonesia muốn trở thành trung tâm các hoạt động hàng hải của khu vực thì cần đảm bảo rằng các vùng lãnh hải và tiếp giáp của Indonesia phải được an toàn. Có ít nhất hai loại mối đe dọa an ninh vùng biển Indonesia: (i) Những tội phạm trên biển như buôn lậu và cướp biển (ii) Các mối đe dọa xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nước về tranh chấp lãnh thổ. Ngoại giao liên quan đến an ninh biển có thể được thực hiện thông qua hòa giải các xung đột ở Biển Đông.

Với chính sách tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á, đặc biệt với việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam và Philippines, Trung Quốc sẽ phản ứng và sự leo thang xung đột sẽ khó tránh khỏi. Indonesia và các thành viên ASEAN khác không có tranh chấp lãnh thổ, có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc; do đó thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử COC do Indonesia đề xuất cần phải được xúc tiến nhanh chóng. Để trở thành điểm tựa, “trục biển” trong khu vực, Indonesia cần ngăn chặn các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông thông qua kênh ngoại giao.

Thứ ba, phương diện phát triển kinh tế. Indonesia cần thúc đẩy kinh tế không chỉ bằng tận dụng các nguồn tài nguyên biển mà còn thông qua phát triển hàng hải và tương tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng vọt nhờ sức hút kinh tế xuyên từ Đại Tây Dương tới Châu Á-Thái Bình Dương. Indonesia có thể tận dụng vị trí địa lý để gặt hái lợi ích này. Trong khoảng gần 70% hoạt động thương mại thế giới diễn ra ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì khoảng 45 % đã thuộc về quốc đảo Indonesia. Tiềm năng biển của Indonesia có thể đóng góp tới 1,2 nghìn tỷ USD thu nhập quốc gia hàng năm từ các nguồn thủy sản, khai thác mỏ, năng lượng, vận tải biển và du lịch.

Như vậy, kết nối rất quan trọng không chỉ giữa các cảng trong nước mà còn với các cảng ASEAN khác. Indonesia cần khai thác tất cả các kênh ngoại giao để thu hút đầu tư và tài trợ để xây dựng các cơ sở hạ tầng biển, nhà máy đóng tàu và ngành công nghiệp thủy sản. Do đó, phát triển hàng hải của Indonesia cần được hoạch định như một phương châm chỉ đạo cho chính sách ngoại giao biển. Các nhà ngoại giao nhờ vậy có thể xác định quốc gia nào và lĩnh vực hợp tác biển nào cần được thúc đẩy.

Làm thế nào để ý tưởng “trục biển” được quán triệt trong ngoại giao và thúc đẩy hợp tác kinh tế? Muốn vậy Indonesia cần phổ biến rộng rãi các vấn đề về biển, “trục biển” trong các tổ chức quốc tế hoặc tại các phiên thảo luận quốc tế.

Đầu tiên có thể thực hiện ở cấp độ khu vực, chẳng hạn như thông qua ASEAN và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA). Trong số 6 trụ cột hợp tác IORA, chỉ có 2 trụ cột trực tiếp liên quan đến các vấn đề an ninh biển và quản lý nghề cá. Khi các eo biển Malacca trở nên quá bão hòa về khối lượng vận chuyển, tuyến đường vận chuyển từ Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông tới Đông Á sẽ chuyển sang eo biển Sunda. Các cảng ở phía Tây Nam đảo Sumatra, Lampung và Belitung sẽ trở thành vị trí chiến lược cho vận chuyển quốc tế. Indonesia cần khuếch trương vấn đề biển trong IORA. Việc Indonesia đảm nhận cương vị Chủ tịch IORA vào cuối năm 2015 sẽ là động lực thúc đẩy điều đó. Trên cương vị chủ tịch, Indonesia sẽ đóng vai trò tăng cường thúc đẩy ngoại giao và “trục biển”.

Theo “Jakarta Post

Anh Thư (gt)