Ông Ngô là một nhà chính trị lão luyện có sở thích đối với những bức tranh sơn dầu và đồ nội thất châu Âu. Ông cũng là người có rất tích cực và hung hăng biện minh cho yêu sách có từ lâu của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông trong tranh chấp đang ngày càng quyết liệt với các quốc gia láng giềng trong khu vực, và tranh chấp này đang lôi kéo Mỹ dính líu sâu hơn.

Trung Quốc gần đây đã thiết lập một đơn vị đồn trú quân đội lớn và tự mình mở rộng quy mô cơ quan lập pháp quản lý một hòn đảo nhỏ có tên là Phú Lâm, cách Hải Nam về phía đông nam hơn 200 dặm. Theo ông Ngô Sĩ Tồn, mục đích của hành động này là cho phép Bắc Kinh “thực thi chủ quyền đối với toàn bộ các thực thể nằm trong Biển Đông”, gồm hơn 40 hòn đảo đang bị Việt Nam, Philippin và Malaysia “chiếm đóng bất hợp pháp”.

Trong một vài tuần vừa qua, Trung Quốc đều đặn tăng cường sự hiện diện, cử tàu tuần tra cỡ lớn và đưa ra những lời lẽ quả quyết trên các tờ báo do chính phủ kiểm soát nhằm cảnh báo Washington chấp dứt ngay việc ủng hộ những người bạn châu Á chống lại Trung Quốc.

Lãnh đạo Bắc Kinh giờ đang bám chặt vào vấn đề Biển Đông làm chiêu bài thể hiện với người dân trong nước rằng Trung Quốc giờ đây là một cường quốc khu vực, có thể tự mình hành động tại nơi mà họ tự cho là vốn từ lâu thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Một số nhà quan sát đánh giá những động thái tăng cường này là cách đánh lạc hướng dư luận trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới, nó cho phép chính quyền thể hiện sức mạnh của mình tại thời điểm nhạy cảm này.

“Trong một vài tháng tới, họ phải thể hiện trước dân chúng trong nước họ là những người lãnh đạo mạnh mẽ và kiên cường, họ phải chắc chắn rằng minh không bị coi là hèn yếu” Kishore Mahbubani, giám đốc trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Trước những hành động quyết đoán đáng báo động của Bắc Kinh, chính quyền Obama qủa quyết rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng đàm phán, và với vai trò là một trong những hành lang thương mại quan trọng nhất thế giới, tự do hàng hải phải được áp dụng tại Biển Đông. Trong một tuyên bố mạnh mẽ bất thường được công bố vào đầu tháng này nhằm cảnh báo Trung Quốc rằng nước này không nên quá khiêu khích trong hành động của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Washington cho rằng các yêu sách cần đuợc giải quyết mà “không được cưỡng bức, không hăm dọa, không đe dọa và không sử dụng vũ lực.”

Washington đang phản ứng lại với những gì được xem là chiến dịch tăng cường tại Biển Đông sau khi Bắc Kinh ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á tại cuộc họp thượng đỉnh tại Campuchia vào tháng 7 ra bản thông cáo chung về cách tiếp cận chung đối với Biển Đông.

Tranh chấp vẫn tiếp tục leo thang. Vào ngày 31 tháng 7, nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã loan báo về việc công bố “hệ thống tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường kỳ” đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Tiếp đến chính phủ Trung Quốc cho biết nước này đã hạ thủy tàu tuần tra 4500 tấn mới nhất. Con tàu được thiết kế riêng để duy trì “chủ quyền biển”, Nhân dân Nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết.

Tăng thêm mối lo lắng đối với các quốc gia láng giềng, vào tháng 7, một tàu khu trục loại nhỏ của hải quân Trung Quốc đã bị mặc cạn gần bãi đá Vành Khăn, nằm trong vùng biển yêu sách của Philippin. Vụ việc dấy lên nghi vấn về khả năng của hải quân Trung Quốc và những mối nghi ngờ về việc con tàu này đang làm gì tại đây.

Ông Ngô Sĩ Tồn, giám đốc Viên Nghiên cứu Biển Hoa Nam (Biển Đông) Trung Quốc, đồng thời là giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Nam cho rằng Trung Quốc không hề có hành động nào gọi là khiếm nhã cả.

Cuộc phỏng vấn ông Ngô Sĩ Tồn được tiến hành trong căn phòng rộng rãi và đươc trang trí bằng những bức tranh phong cảnh của Ý và Nga, một ngày sau khi ông tham gia buổi lễ chính thức thiết lập cơ quan lập pháp và đơn vị đồn trú quân sự trên đảo Phú Lâm.

Đảo Phú Lâm, hòn đảo chưa đầy 1km vuông, với một sân bay được xây dựng có khả năng phục vụ cho những loại máy bay phản lực chở khách tầm trung, là một phần thuộc cái gọi là “Tây Sa”, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ông Ngô Sĩ Tồn cho biết, một chiếc máy bay Boeing 737 đã chở những vị khách đặc biệt tới tham dự buổi lễ, gồm các quan chức Đảng cấp cao của tỉnh Hải Nam để tham dự buổi lễ chúc mừng các nhà lập pháp mới được bổ nhiệm và đơn vị đồn trú quân đội mới được lập.

Việc quân đội Trung Quốc tăng cường gia tăng sự hiện diện trên hòn đảo này khiến cho Philippin đặc biệt lo ngại bởi nó đẩy sự hiện diện của Trung Quốc đến sát gần hơn những hòn đảo tại Biển Đông mà Philippin có yêu sách.

Ông Ngô Sĩ Tồn cho biết, từ những năm 90, có khoảng 620 người dân trên đảo Phú Lâm được sử dụng nước sạch, điện và máy điều hòa. 45 thành viên cơ quân lập pháp mới dự định sẽ ban hành luật pháp về các vấn đề biển.

Tại viện nghiên cứu của ông Ngô Sĩ Tồn, trên đảo Hải Nam trong một tòa nhà đẹp, khách viếng thăm được mời đến một căn phòng chiếu phim hiện đại, ở đó họ sẽ được chào đòn bằng một đoạn phim giới thiệu về một chính sách sẽ được ban hành. Đoạn phim đề cập đến việc Trung Quốc được hưởng những quyền hàng hải đối với một “khu vực rộng lớn” tại Biển Đông, mặc dù đoạn phim không nói rõ là bao nhiêu. Đoạn phim cho rằng 1,4 triệu km diện tích Biển Đông là “cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia biển đang phát triển”, bởi vì Biển Đông là lộ trình thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, châu Phi và châu Âu.

Phó giám đốc Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông), ông Liu Feng cho rằng Trung Quốc không chỉ yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ các đảo ở Biển Đông, mà còn yêu sách đối với quyền lưu thông hàng hải, quyền đánh bắt cá và quyền khai thác tài nguyên đối với “toàn bộ vùng biển trong đường 9 đoạn”.

Bản đồ đường 9 đoạn, được đăng tải trên các tài liệu của chính phủ và thậm chí cả trên tạp chí trong các chuyến bay của Air China, đang là một trong những tâm điểm xung đột trong tranh chấp Biển Đông. Đường 9 đoạn của Trung Quốc lấn sát vào Việt Nam, sau đó vòng qua Malaysia và chạy sát Philippin. Bản đồ đường 9 đoạn này được Trung Quốc đưa ra trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành quyền kiểm soát đại lục nhưng nó không được bất kỳ quốc gia nào công nhận.

Được hỏi về việc sẽ phải mất bao lâu để Trung Quốc giành lại được các hòn đảo mà nước này yêu sách chủ quyền, ông Ngô Sĩ Tồn nói rằng ông không thể trả lời là khi nào. Các quốc gia yêu sách khác đang giữ vững lập trường của mình. Hơn nữa, việc Mỹ tái can dự vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương “đông nghĩa với việc chúng ta sẽ gặp trở ngại trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia yêu sách liên quan.”

Các nhà phân tích của Trung Quốc và các nhà ngoại giao châu Á cho rằng, việc liên tục quan tâm tới Biển Đông hầu như chắc chắn được phối hợp từ các quan chức cấp cao của chính quyền trung ương. Shi Yinhong, cố vấn chính sách ngoại giao Quốc vụ Viện Trung Quốc cho rằng “Lãnh đạo cấp cáo đột nhiên đưa ra thực hiện một chính sách cứng rắn hơn”.

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc, Bắc Kinh ngay lập tức cáp buộc Washington đã đứng về phía các quốc gia ASEAN chống lại Trung Quốc. Vào ngày 4 tháng 8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu hồi Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Robert S. Wang để phản đối, và trong một tuyên bố kèm theo cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã “hoàn toàn thiếu thực tế, lẫn lộn đúng sai, và đưa ra tín hiệu sai lầm nghiêm trọng.”

Theo The New York Times

Trần Quang (gt)