Bài phân tích nhận định Bắc Kinh trong nhiều năm qua đã nỗ lực không mệt mỏi xây dựng hình ảnh hài hòa trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, như những gì mà các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc chứng kiến, thì những miêu tả về quan điểm hòa bình của Bắc Kinh không bao gồm chính sách tại Biển Đông. Hiện tại, Trung Quốc cho rằng nước này có chủ quyền đối với 750 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Philíppin, Đài Loan, Việt Nam, Malaixia và Brunây, đồng thời khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình với các bản đồ cổ của Trung Quốc, bất chấp "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông" năm 2002. Bài báo ngày 16/2 trên "Đại Công báo" (Hồng Công), nhật báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc sở hữu, bình luận: "Ngay sau Thế chiến II, chính quyền trung ương Trung Quốc, Quốc Dân đảng (KMT), đã cử một hạm đội nhỏ tới Biển Đông. Kết quả là đã có các hoạt động khảo sát diễn ra xung quanh các đảo này, đồng thời thiết lập các biểu tượng chủ quyền của Trung Quốc cũng như xác định các đường biên quốc gia theo khảo sát thực địa".Bất chấp thực tế Đại lục và Đài Loan vẫn đang trọng tình trạng chia cắt, bài báo bình luận tiếp: "Năm 1947, để hỗ trợ vận động chính sách của Trung Quốc, Cục Quản lý Lãnh thổ của Bộ Nội vụ thuộc chính quyền KMT đã xuất bản một tập bản đồ về Biển Đông. Khi đó, các quốc gia Đông Nam Á này vẫn là thuộc địa của phương Tây và các chính phủ của họ không đưa ra phản đối nào với tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc... Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chính phủ trung ương mới thừa kế những tuyên bố lãnh thổ của các chính phủ tiền nhiệm...". Tuy nhiên, có lẽ Biển Đông không phải là một "món hời lớn" như Bắc Kinh vẫn nghĩ bởi chi phí để khai thác nguồn trữ lượng tài nguyên tại đây là rất đắt đỏ. Với tính toán hiện nay thì nhiều phân tích cho rằng giá một thùng dầu mỏ khai thác ở Biển Đông sẽ cao gấp 4 lần so với ở các nơi truyền thống như Trung Đông chẳng hạn. Một kết cục khác nữa là chính sách "kho dự trữ lớn" của Trung Quốc có thể sẽ góp phần củng cố mạnh hơn chính sách trở lại châu Á mà Tổng thống Barack Obama mới công bố, vì cả Philíppin và Việt Nam đều đang dụ dỗ Mỹ can thiệp vào tranh chấp của họ với Trung Quốc. Nếu các chính trị gia ở Bắc Kinh có thể vượt qua chủ nghĩa dân tộc bài ngoại và đàm phán một cách sáng tạo với các đối tác ASEAN nhằm tìm kiếm những thỏa thuận cùng khai thác và chia sẻ chủ quyền, họ có thể ngăn chặn một trong những viễn cảnh đáng ngại đối với họ. Đó là sự trở lại của Mỹ tại các vùng nước ở Tây Nam Thái Bình Dương.

 

Theo “OilPrice" (ngày 19/2)

Hương Trà (gt)