11-2.jpg

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong được lựa chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh chương trình "Một vành đai, Một con đường" lần đầu tiên vào ngày 18/5 tới để bàn về cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Á với sự tham dự của các doanh nghiệp, bộ trưởng và các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Các nước thành viên ASEAN sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nguồn ngân sách 200 tỷ USD từ Ngân hàng chính sách Trung Quốc, trong đó bao gồm nguồn ngân sách của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) 100 tỷ USD; Quỹ phát triển hạ tầng Con đường Tơ lụa 50 tỷ USD để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

Sáng kiến chương trình trên kéo dài từ Trung Quốc qua Trung Á và cuối cùng là ở Moskva và Venice. Mặc dù ông Tập Cận Bình khẳng định sáng kiến này sẽ tuân thủ các nguyên tắc không can thiệp vào các quốc gia khác, không tìm kiếm việc tăng phạm vi ảnh hưởng, song một số quốc gia tỏ ra lo ngại chương trình này sẽ gây tác động về chính trị, xã hội đối với đất nước họ. Các nhà phân tích, các quan chức cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với các nhà báo đến từ các nước ASEAN trong một loạt cuộc họp tại Hong Kong hồi đầu tuần trước, trong đó có những quan điểm khác nhau về sáng kiến này. Nhiều ý kiến cho rằng đây là chiến lược của Trung Quốc muốn tạo kiều kiện và gắn bó chặt chẽ với các nước theo tuyến "Một vành đai, Một con đường". Tuy nhiên, những tranh cãi nảy sinh vì Trung Quốc hiện đang có sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Lào nhưng Trung Quốc vẫn chưa thực sự tạo được sự tin tưởng, lãi suất cho vay cao và các điều khoản đi kèm chưa phù hợp…

Trung Quốc hiện đang muốn đầu tư tuyến đường sắt trị giá 5 tỷ USD đoạn qua Thái Lan phục vụ cho tuyến đường kéo dài đến Malaysia và Singapore để có thể phục vụ cho tham vọng của nước này trong việc tiếp cận thị trường ASEAN. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan mới đây cho biết nước này có thể sẽ tự mình xây dựng tuyến đường này mà không cần vốn vay từ Trung Quốc như kế hoạch ban đầu với lý do là vốn vay của Trung Quốc lãi suất quá cao. Tuyến đường sắt dài 250 km này kết nối toàn tuyến từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam, miền Tây Nam Trung Quốc qua Lào đến Bangkok rồi tới Malaysia, điểm cuối cùng là ở Singapore. Dự kiến sau khi hoàn thành tuyến đường này, các nước tham gia sẽ được hưởng lợi, song hiện một số quốc gia vẫn chưa sẵn sàng cho kế hoạch này. Sự nghi ngờ, quan ngại hiện nay là có cơ sở bởi vì Trung Quốc thực hiện dự án này trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang phát triển chậm, kinh tế Trung Quốc hiện đã giảm từ sự tăng trưởng hai con số xuống còn 7% hồi năm ngoái. Do đó, nhiều người coi chương trình này là cơ hội để Trung Quốc tiêu thụ lượng thép, xi măng và các loại sản phẩm công nghiệp khác hiện dư thừa rất nhiều ở trong nước. Đối với mỗi dự án, Trung Quốc thường kèm theo các điều khoản khi cho vay vốn là các nước sở tại phải cho phép các công ty Trung Quốc tham gia vào việc cung cấp máy móc, nhân công, nguyên vật liệu…

Theo một báo cáo của Công ty môi giới chứng khoán Hong Kong CLSA mới đây, Trung Quốc đang chuẩn bị để đối phó với sự suy giảm mạnh của nền kinh tế trong nước bằng việc đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng ra nước ngoài để tiêu thụ lượng hàng hóa dư thừa của các ngành công nghiệp chủ chốt. Việc ưu tiên nguồn vốn vay cho các nước được xem như một chương trình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các công ty Trung Quốc giành chiến thắng trong các cuộc đấu thầu để tham gia việc xây dựng. Hồi tháng 8/2015, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã đưa ra khoản vay đối với Indonesia trị giá 3 tỷ USD nhằm phát triển các cơ sở hạ tầng, trong đó các công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng. Tuy nhiên, Hạ viện Indonesia đã có sự nghi ngờ và yêu cầu các ngân hàng của Indonesia tham gia vào vụ này là Mandiri, BRI và BNI phải giải trình chi tiết về dự án và cho đến nay, dự án này vẫn chưa được phép thực hiện.

Một điều chắc chắn là việc thực hiện sáng kiến trên sẽ đòi hỏi các nước phải có sự hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc, giảm thiểu những tác động về mặt chính trị cũng như những bất ổn về vấn đề lao động gắn với các dự án dọc theo hành lang của chương trình này.

Bài viết của chuyên gia kinh tế Vincent Lingga đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta” (ngày 22/4).

Vũ Hiền (gt)