Vẫn theo nguồn tin này, một cuộc tập trận tương tự sẽ được tiến hành vào chiều tối 13/6, lúc 18h, giờ địa phương và kéo dài 6 tiếng, cũng ở địa điểm nói trên, nhưng với các phương án khác. Trong các cuộc tập trận nói trên, hải quân Việt Nam chỉ bắn thử đại bác, mà không bắn thử tên lửa. Tuy nhiên, viên sĩ quan nói trên không cho biết có bao nhiêu tàu chiến Việt Nam tham gia cuộc tập trận.

Sự kiện hải quân Việt Nam tiến hành tập trận bắn đạn thật diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, sau hai vụ tàu hải giám và tàu ngư chính Trung Quốc gây hấn, cắt cáp thăm dò dầu khí của các tàu Việt Nam, ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy Hà Nội khẳng định đây là một “hoạt động huấn luyện thông thường hàng năm”, nhưng Bắc Kinh xem cuộc tập bắn đạn thật này là một hành động phô trương sức mạnh với Trung Quốc.

Ngay trong ngày 13/6, Trung Quốc đã có phản ứng về cuộc tập trận của hải quân Việt Nam. Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ấn bản tiếng Anh, ngày 13/6, có bài nói về cuộc diễn tập của Việt Nam và cho rằng hoạt động này được xem như “cuộc phô diễn sức mạnh quân sự nhằm thách thức Trung Quốc”. Báo này dẫn lời ông Trang Quốc Thổ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến nói: "Không nghi ngờ gì, cuộc bắn đạn thật này là phô diễn sức mạnh quân sự đối với Trung Quốc". "Qua việc giương oai này, Việt Nam muốn tỏ quyết tâm giữ vững chủ quyền trên quần đảo Trường Sa". Một chuyên gia khác của Trung Quốc là Giáo sư Kế Thu Phong từ Đại học Nam Kinh thì nhận xét rằng “Việt Nam đang thử ý chí của Trung Quốc. Bắc Kinh phải phản ứng một cách rõ ràng cho Việt Nam biết rằng bất cứ thách thức nào đối với chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đều không thể thành công". Tuy nhiên ông cũng nói hai bên cần phòng ngừa xung đột leo thang.

Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức về cuộc diễn tập bắn đạt thật của Việt Nam. Từ trước đến nay, Trung Quốc thừa nhận có tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác quanh quần đảo Trường Sa, nhưng không bao giờ đề cập tới quần đảo Hoàng Sa mà nước này gọi là Tây Sa, vì chủ trương đây mặc nhiên là đất của Trung Quốc, "không tranh cãi".

Theo các chuyên gia phân tích về an ninh, thì cuộc tập trận của Việt Nam nhằm gửi đến Bắc Kinh một thông điệp rằng Việt Nam phản đối việc bị Trung Quốc lấn áp và đây cũng giống như một lời thách thức. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo sẽ có các phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Ông Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại trường Đại học New South Wales ở Australia, nói rằng sau khi diễn ra cuộc diễn tập bằng đạn thật của hải quân Việt Nam, vấn đề nay là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Ông Thayer nói: “Trung Quốc rất mạnh tay về vấn đề ngăn chặn các hoạt động thăm dò dầu khí trong lãnh hải của họ. Bởi lẽ việc đòi chủ quyền chồng chèo lên nhau, nay vấn đề là Trung Quốc sẽ tiến xa đến mức nào bởi lẽ Trung Quốc chưa bao giờ phản ứng đối với các vấn đề này bằng một đường lối hòa giải”. Ông Thayer cũng cho rằng vụ xung đột có thể tác động đến quan hệ bên trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, là tổ chức đã thúc đẩy các quan hệ giữa các nước Đông Á như Trung Quốc cũng như với Mỹ và Nga. Ông Thayer nói tiếp: “Nếu Mỹ có hành động nào đó thì nó sẽ chỉ làm cho Trung Quốc có một đường lối cứng rắn hơn. Và tôi nghi rằng điều đó sẽ có thể gây phương hại cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á bởi vì đa số các nước sẽ theo một lập trường chống Trung Quốc". Các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc dự trù sẽ là một vấn đề chính trong Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 7 tới. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, mà các nhà lãnh đạo Á châu và Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tham dự, được dự định sẽ diễn ra vào tháng 11/2011.

Theo tiến sĩ David Koh, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, được AFP trích dẫn, tình hình hiện nay “ không có nhiều lựa chọn “ và ông dự báo sẽ có một cuộc “ đọ sức trên biển  trong tương lai. Còn ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS ở Haiwaii, nhận định: “ Không ai muốn chiến tranh, nhưng khả năng sẽ có vài vụ bắn do tức giận hoặc va chạm tàu, đã gia tăng ”. Chuyên gia này cũng tin tưởng rằng các bên liên quan đều cố tránh sao cho tình hình “ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát ”.

Theo AFP, nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài, căng thẳng Việt - Trung sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Một quan chức Việt Nam cho biết là từ đầu tháng 6/2011, hơn 200 website của Việt Nam, trong đó có website của Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, đã bị tin tặc tấn công. Tin tặc đôi khi còn để lại trên các trang web này “ những thông tin bằng tiếng Trung và cờ của Trung Quốc  .

Trong ngày 13/6, hàng trăm người Việt Nam đã tiếp tục tổ chức biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn trong ngày thứ hai liên tiếp để phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc. Trước đó, trong ngày 12/6, cũng đã có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn.

TT Tổng hợp

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.