Mới đây, Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2014 là 808,23 tỉ Nhân dân tệ (131,57 tỷ USD), tăng 12,2% so với năm 2013, và đương nhiên sự gia tăng này đã gây lo ngại cho Mỹ cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc vốn đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tuyên bố về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2014 chứa đựng cả tín hiệu tốt và xấu.

Thứ nhất, nhiều người cho rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2014 chắc chắn sẽ vượt xa con số 132 tỷ USD, trong bối cảnh Bắc Kinh luôn “giấu kín” phần lớn chi tiêu quốc phòng của mình. Nhiều báo cáo cho biết trong năm 2013, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc ở mức gần 200 tỷ USD. Như vậy, với việc tăng 12% trong năm nay, con số này sẽ ở mức khoảng 224 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách của Lầu Năm Góc trong năm 2014 là 527 tỷ USD, như vậy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ bằng 42% của Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ nhanh chóng bị thu hẹp do Mỹ vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng tại Trung Quốc, con số này lại tăng lên nhanh chóng. 

Một tín hiệu tiêu cực nữa cho Mỹ và các đồng minh tại châu Á là Trung Quốc đang ngày càng đẩy nhanh tốc độ tăng ngân sách quốc phòng. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng mức tăng 12,2% trong năm 2014 là mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong bối cảnh đây là năm đầu tiên Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, xu hướng tăng này được dự đoán sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những 9 năm tới. 

Điều cuối cùng và cũng đáng lo ngại nhất là dường như hiện nay việc tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không còn phụ thuộc vào tỉ lệ tăng trưởng GDP của nước này nữa. Nhiều người cho rằng gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong thập kỉ trước hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia. Lập luận này nhằm trấn an dư luận rằng nếu đem so với tăng trưởng GDP thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không hề tăng, đồng nghĩa với việc quốc phòng không phải là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng năm 2014 đã chứng tỏ điều hoàn toàn ngược lại. Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại trong những năm gần đây thì ngân sách quốc phòng của nước này vẫn tiếp tục tăng. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao hơn tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế (theo dự đoán có phần lạc quan của Trung Quốc, con số này chỉ đạt 7,5% trong năm 2014). 

Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu khả quan đối với Mỹ và các nước đồng minh.

Thứ nhất, như đã nói ở trên, khoảng cách giữa ngân sách quốc phòng được công bố của Trung Quốc và chi tiêu thật sự của nước này là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khoảng cách này đã thu hẹp một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây. Thí dụ, theo Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chiến lược và Thu chi Quốc phòng (IISS), trong tài khóa 2005, con số này là 72%, nhưng đến tài khóa 2010, đã giảm xuống còn 41%. Hơn nữa, theo nhiều nguồn tin mà tạp chí "Quartz" đã dẫn, trong đó có nguồn tin từ nhiều tướng lĩnh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), nạn tham nhũng trong nội bộ quân đội Trung Quốc là rất phổ biến, đồng nghĩa với việc một phần trong ngân sách quốc phòng sẽ chảy vào túi các sĩ quan quân đội. 

Tuy nhiên, điều đáng để lạc quan nhất liên quan đến ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là việc các nhà lãnh đạo nước này đã tuyên bố rằng họ sẽ giành nhiều tiền hơn để trả lương cho binh lính cũng như các sĩ quan trong quân đội. Đây là một tin rất đáng mừng cho Mỹ và các nước đồng minh châu Á, khi mà chi phí cho binh lính thấp là một trong những lợi thế rất đáng kể của Trung Quốc, so với hầu hết quân đội các nước khác. Theo thống kê của IISS, trong năm 2013, chi phí cho binh lính của PLA chỉ chiếm 30% tổng ngân sách, trong khi con số này của Pakistan, Nhật Bản và Ấn Độ đều xấp xỉ ở mức 45%. Chi phí dành cho binh lính của quân đội Mỹ, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, ở mức 50% tổng ngân sách quốc phòng. Theo Ủy ban Ngân sách Nội địa Mỹ, kể từ năm 2001, chi phí cho các nhân viên phục vụ trong quân đội đã tăng 41%, trong đó chưa bao gồm hỗ trợ chiến tranh cũng như trượt giá. Nếu tiếp tục giữ nguyên tỉ lệ này, và ngân sách quốc phòng chỉ tăng ở mức bù đắp cho lạm phát, chi phí cho binh lính sẽ chiếm toàn bộ ngân sách quốc phòng của Mỹ vào năm 2039. 

Trong bối cảnh hiện nay, Washington rất muốn PLA tăng tỉ lệ chi tiêu trong ngân sách quốc phòng cho binh lính. Một tin đáng mừng là có nhiều dấu hiệu cho thấy tỉ lệ này ở Trung Quốc liên tục gia tăng, trong bối cảnh nước này đang chuyển sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng, và mức sống chung của xã hội Trung Quốc cũng như chi phí sinh hoạt ở nước này tăng cao.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)