Trước việc Trung Quốc tuyên bố bỏ ra 50 tỷ USD để thành lập và lãnh đạo một định chế tài chính quốc tế mới AIIB, hầu như dư luận mới chỉ tập trung bàn luận về sự bất lực của Mỹ trong ngăn chặn các nền kinh tế lớn tham gia, nhưng lại không quan tâm đến thực tế là những ngân hàng cho vay phát triển đa phương thường xuyên gặp thất bại, và cần làm gì để nâng cao hiệu quả của hoạt động cho vay trong lĩnh vực này.

Có lẽ, các tổ chức tài chính cho vay phát triển đa phương chỉ thành công ở khía cạnh cung cấp các "kiến thức" (knowledge), giúp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, nghiệp vụ kĩ thuật tại các quốc gia. Nhưng thất bại lớn nhất là những nguồn tài trợ cho các dự án hoành tráng chỉ mang lại lợi cho một bộ phận tầng lớp trên, không đảm bảo môi trường sinh thái, cân bằng xã hội và những định hướng ưu tiên phát triển. Phong trào cho vay xây đập thủy điện là một ví dụ lịch sử điển hình. Nhìn chung ở những nước có nền quản trị kém và tham nhũng, người ta thường có xu hướng tán dương những lợi ích kinh tế do các đại dự án cơ sở hạ tầng mang lại, nhưng lại đánh giá thấp các chi phí xã hội dài hạn của việc phải hoàn trả các khoản vay, trong khi nguồn thu thì lại không chắc chắn. Rõ ràng, AIIB có thể sẽ đi theo nguy cơ này.

Thực tế, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn châu Á đang rất lớn, đây chính là thời điểm để Trung Quốc thể hiện vai trò nước lớn trong các tổ chức cho vay quốc tế. Mỹ thường lập luận rằng, Trung Quốc có tiền thì nên đầu tư vào các tổ chức tài chính hiện có như WB hoặc ADB, vì AIIB do Trung Quốc lãnh đạo có thể sẽ gặp vấn đề về quản trị. Nhưng thực tình không phải như vậy, lý do không phải là vấn đề quản trị, cũng như Mỹ không thể từ bỏ đặc quyền làm chủ tịch WB. Vấn đề là Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng AIIB để nâng cao lợi ích kinh tế và vị thế chính trị; sử dụng tài chính nhằm phát huy sức mạnh và dùng làm đòn bẩy để đạt các mục tiêu chiến lược.

Với tầm quan trọng ngày càng tăng trong trật tự thế giới mới, Trung Quốc cần phải có không gian để thể nghiệm cách tiếp cận riêng của mình đối với vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Vì vậy, một ngân hàng cơ sở hạ tầng quy mô vừa phải có thể sẽ là một điểm xuất phát phù hợp với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã và đang đổ tiền vào các nước đang phát triển, nhưng thường thông qua các kênh không chính thống. Một khi AIIB được thành lập, Trung Quốc có thể thông qua ngân hàng này để thẩm định tốt hơn các đối tượng sử dụng nguồn vốn viện trợ của mình.

Thế giới nói chung nên hoan nghênh sáng kiến ​​của Trung Quốc, nhưng câu hỏi thực sự đặt ra là loại viện trợ phát triển nào châu Á đang cần. Ai đã từng làm việc ở các nước đang phát triển đều hiểu rằng năng lực tổ chức và quản trị yếu kém là rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng chứ không phải là vấn đề thiếu vốn. Một dự án trên giấy được báo cáo rất hoành tráng, nhưng khi triển khai lại không nghiêm túc, chi phí luôn đội xa dự toán ban đầu, thậm chí còn bỏ qua các khâu đào tạo kĩ thuật và kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Ngay cả WB cũng phải thừa nhận, kết quả đáng ghi nhận nhất của WB là đã giúp các quốc gia “phát triển cơ sở hạ tầng mềm”, tức là hỗ trợ kĩ thuật và kiến thức, trong khi mảng chính là cho vay thì lại không đáng kể. Kể cả Trung Quốc, dù tiền của WB nay đã không còn quá quan trọng, nhưng Trung Quốc vẫn vay tín dụng của WB để được hỗ trợ về kế hoạch chi tiết và các thông tin hữu ích. Vay thì cuối cùng vấn phải trả, do đó, các dự án sẽ hiệu quả hợn nếu không dựa vào các hình thức tài trợ. Hiện thế giới đang tràn ngập các hình thức thanh khoản, thậm chí nếu chính phủ không có vốn thì vẫn có thể áp dụng hình thức hợp tác công-tư để triển khai các dự án lớn mà vẫn đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn cao.

Kỹ năng điều hành của chính phủ là hàng hóa quý hiếm hơn tiền mặt nhiều lần. Nhưng không may, mô hình phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể rồi đây sẽ được xuất khẩu ra toàn cầu. Chính quyền trung ương tập quyền đã sử dụng quyền lực lấn át quyền lợi của những người dân bị giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Trong khi ở Ấn Độ, phải mất 8 năm mới thực hiện xong dự án xây dựng sân bay Mumbai vì tòa án buộc nhà đầu tư phải tôn trọng quyền của người dân bị di dời. Thêm điều này cho thấy, tính đa dạng, phức tạp ở các nước đang phát triển tại châu Á.

Từ những khiếm khuyết của các dự án sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng phát triển hạ tầng phương Tây, câu hỏi đặt ra là liệu có nên thành lập thêm một ngân hàng nữa hay không. Nếu AIIB đặt mục tiêu chính là ngân hàng cung cấp “kiến thức” lên trên mục tiêu cho vay thì vẫn mang lại giá trị thực sự. Do đó, nên đánh giá AIIB thông qua cách lựa chọn và thúc đẩy các dự án như thế nào, chứ không phải cho vay bao nhiêu tiền.

Theo Project Syndicate

Trần Quang (gt)