Khủng hoảng Ukraine đã làm chuyển trục chính sách đối ngoại của Moscow từ các khu vực châu Âu-Atlantic sang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bây giờ Trung Quốc, chứ không phải châu Âu và Đức trở thành đối tác nước ngoài chính của Moscow. Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu xoay trục về phía châu Á trước khi các sự kiện Ukraina xảy ra.

Tại một thời điểm nào đó, điện Kremlin đã nhận ra rằng về dài hạn không thể chấp nhận được một tình hình là các vùng đình trệ nhất của Nga lại giáp giới với khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Moscow cũng đã nhận thấy một cơ hội thuận lợi để sử dụng tính năng động của châu Á như một nguồn lực bên ngoài cho nền kinh tế Nga. Cuộc xung đột hiện nay với phương Tây, tất nhiên là đã mở rộng sự tính toán địa kinh tế này, khi bổ sung thêm yếu tố địa chính trị.

Moscow từ lâu đã tìm cách cân bằng hướng Tây và châu Á trong chính sách đối ngoại của mình.  Do cuộc khủng hoảng Ukraine, sự cân bằng này đã bị dừng lại. Bây giờ Moscow cần phải cân bằng hướng châu Á bằng cách gì đó ngoài phạm vi phương Tây.

Nhận ra điều này, Nga đang cố gắng để cân bằng mối quan hệ cực kỳ quan trọng với Trung Quốc bằng cách lôi kéo sự hợp tác của Ấn Độ và Việt Nam ở châu Á, Brazil trong nhóm BRICS ở Mỹ La Tinh. Moscow cũng hỗ trợ gia nhập SCO không chỉ có Ấn Độ và Pakistan, mà sẽ diễn ra trong năm nay mà còn cả Iran khi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được dỡ bỏ.

Nga không có mục tiêu chiến lược bao quát ở châu Á. Nga chủ trương một thế giới đa cực, nơi mà Mỹ thống trị toàn cầu sẽ được thay đổi bằng mối quan hệ tương tác giữa các cường quốc. Trung Quốc tất nhiên là rất quan trọng để đạt được sự cân bằng thế giới mới này. Đối với chính châu Á, thì Nga đang tìm cách làm giảm sự có mặt và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Điều này cũng giống như khẩu hiệu của Trung Quốc là "châu Á của người châu Á".

Trong tương lai gần, việc thành lập khối Nga-Trung Quốc là không có, nhưng mối liên kết giữa hai nước sẽ vượt xa công thức "cuộc hôn nhân vụ lợi". Trong lĩnh vực năng lượng, cung cấp vũ khí, ngoại giao toàn cầu và khu vực quan hệ giữa hai nước đã đạt đến cấp độ mới. Kết quả là Trung Quốc rõ ràng sẽ được mạnh hơn, nhưng Nga sẽ tăng cường quan hệ với một cường quốc hùng mạnh, mà không quan tâm đến sự lệ thuộc của Moscow vào phương Tây.

Thay vì một châu Âu Lớn từ Lisbon đến Vladivostok được ông Putin nêu ra năm 2010, EU sẽ trở thành người chứng kiến sự xuất hiện của một cái gì đó giống như một châu Á Lớn từ Thượng Hải đến St. Petersburg. Mỹ sẽ thấy đối thủ cạnh tranh chính của họ trong thế kỷ XXI (Trung Quốc) có thể dựa vào các nguồn lực và sự hỗ trợ của đối thủ của họ trong thế kỷ XX (Nga).

Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến ASEAN và Hàn Quốc, Nga sẽ tích cực tìm kiếm các cơ hội kinh tế mà sẽ bù đắp cho những gì đã mất ở châu Âu. Theo thời gian, Nga sẽ phải có các hoạt động ngoại giao tích cực hơn. Thay vì cạnh tranh với Trung Quốc, Nga có khả năng thiên về thỏa thuận với nước này ở Trung Á.

Tuy nhiên, Nga đối với Trung Quốc sẽ không trở thành một kiểu mẫu tương tự như "Anh đối với Mỹ". Moscow sẽ làm việc với người láng giềng khổng lồ của mình theo hướng phát triển của một dạng nào đó của "mối quan hệ giữa các cường quốc".

Khối đồng minh (Entente) Trung-Nga, với mục tiêu không công khai, nhưng rõ ràng là để làm giảm sự thống trị thế giới của Mỹ chắc chắn là kết quả quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng Ukraina và sự xấu đi của mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Phương Tây cần phải có thái độ rất nghiêm túc đối với việc này. 

Cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) với Giám đốc của Trung tâm Carnegie Moscow(Carnegie Moscow Center) Dmitry Trenin.


Văn Cường (gt)