Các mỏ dầu và khí với trữ lượng lớn (hơn 1/5 trữ lượng của thế giới chưa được thăm dò) tập trung ở chính khu vực cực Bắc của Nga. Theo các chuyên gia, ở đây có thể chứa đến 80% tiềm năng dầu khí của Nga. Mục tiêu của Nga là trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về khai thác dầu trong những điều kiện khắc nghiệt ở thềm lục địa Bắc Cực.

Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh của Nga chưa bao giờ dừng bước. Trong chuyến thăm Na Uy gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố về việc cần phải suy nghĩ tới việc quốc tế hoá các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và con đường biển phía Bắc. Xin lưu ý, con đường đó tiếp giáp với lãnh hải của Nga!

Những tuyên bố như vậy được đưa ra không phải một lần. Việc khai thác thềm lục địa không chỉ liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của Nga trong những thập kỷ tới, mà còn liên quan tới an ninh quốc gia. Nhà nước Nga không chỉ hiểu vấn đề này mà còn ủng hộ các giải pháp nhằm khởi động dự án quy mô lớn khai thác dầu khí khu vực Bắc Cực. Quan hệ đối tác lâu dài (15 năm) giữa Tập đoàn dầu khí Rosneft và Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ ExxonMobil, đang cùng nhau khai thác dầu khí ở thềm lục địa đảo Sakhalin (điều kiện tự nhiên - khí hậu ở khu vực này có thể phức tạp ngang với vùng biển Bắc Cực), đã mang lại cho Nga những kinh nghiệm vô giá. Đã tới lúc Nga cần sử dụng kinh nghiệm đó trong việc khai thác dầu khí ở Bắc Cực.

Để thực hiện ý tưởng này, Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn ExxonMobil đã thành lập Trung tâm khoa học - dự án Bắc Cực khai thác thềm lục địa (ARC). Nhiệm vụ của Trung tâm là kết hợp các công trình hiện có của cả hai tập đoàn với các công nghệ và các dự án mới, bao gồm cả tàu khoan và tàu khai thác, cũng như các bệ đứng trên băng. Điều quan trọng là 80% đơn đặt hàng trong khuôn khổ các dự án này sẽ được triển khai ở các doanh nghiệp trong nước mà hiện nay đã áp dụng kinh nghiệm tiên tiến của phương Tây. Ngoài Tập đoàn ExxonMobil, các chuyên gia của Tập đoàn dầu khí Statoil (Na Uy), đang triển khai các dự án ở Biển Bắc, và Tập đoàn dầu khí ENI (Italia) đang khai thác ở Bắc Phi và Tây Phi, hiện đang làm cố vấn cho các chuyên gia Nga. Rosneft là tập đoàn đầu tiên đưa ra ví dụ về sự hợp tác như vậy. Tuy quan hệ đối tác với Tập đoàn dầu khí BP không thành công, Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga vẫn tin tưởng vào chiến lược đã lựa chọn.

Nga không thể không tiến nhanh lên phía Bắc, nếu không Nga có thể sẽ vỡ mộng trở thành một siêu cường về năng lượng. Rõ ràng là tương lai thuộc về các mối quan hệ đối tác chiến lược, giống như sự hợp tác giữa Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn ExxonMobil, Tập đoàn Statoil và Tập đoàn ENI. Bởi trong khuôn khổ các dự án như vậy, Nga có thể tiến hành khai thác ở trên lãnh thổ các nước khác, sẽ được tiếp cận các công nghệ siêu hiện đại để thăm dò, khoan và khai thác dầu mỏ. Cuối cùng, Nga sẽ có được các thị trường tiêu thụ mới. Với tất cả những điều đó, việc này có nghĩa là đối với Nga, tổ hợp nguyên nhiên liệu đang tham gia các thị trường mới trên toàn cầu.

Còn những lời chỉ trích nhằm vào các công ty nhà nước từ phía một số chuyên gia, muốn họ là những công ty đầu tiên bị thất bại khi tham gia khai thác “miếng bánh ngon ở thềm lục địa”. Những lời buộc tội vô lý cho rằng trong dự án khai thác Bắc Cực quy mô lớn, ưu tiên được dành cho các công ty nhà nước, còn vốn của tư nhân thì bị "phân biệt đối xử"... Ở đây có hai khía cạnh quan trọng: tính hợp lý về mặt kinh tế và những hậu quả có tính chiến lược trong quyết định như vậy của Ban lãnh đạo Nga.

Bắt đầu từ vấn đề, đối với các đối tác phương Tây, Nhà nước nắm gói cổ phần kiểm soát của các công ty (Rosneft, Gazprom) – là người bảo đảm tốt nhất cho sự hợp tác trong tương lai. Các công ty tư nhân của Nga thua thiệt đáng kể trong triển vọng ngắn hạn cũng như dài hạn. Ý kiến này được nhiều chuyên gia chia sẻ, chẳng hạn, các chuyên gia của Công ty tư vấn có uy tín Morgan Stanley. Thí dụ, trong một cuộc phỏng vấn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi, ông Jonathan Garner, tuyên bố: "Nhiều công ty nhà nước chỉ quan tâm tới sự thành công kinh tế của đất nước họ. Hơn nữa, các công ty do nhà nước kiểm soát, có thể được hưởng lợi từ các yếu tố như nhà nước bảo đảm cho vay tín dụng, được tiếp cận với các nguồn lực, đặc biệt là được phân bổ tiền từ ngân sách, được ưu đãi về thuế và các quy định được nới lỏng". Trung bình, việc khai thác các mỏ dầu khí trên đất liền cần 5-10 năm mới sinh lời. Các mỏ trên biển với các điều kiện khắc nghiệt, như ở Bắc Cực, cần gấp đôi thời gian. Đó là lý do tại sao, theo quan điểm của các đối tác phương Tây, việc các công ty tư nhân được phép khai thác các dự án ở thềm lục địa lại có nhiều rủi ro nghiêm trọng. Trong 20 năm, chủ sở hữu tư nhân có thể mất đi sự nhiệt tình, chạy theo lợi nhuận nhanh, cuối cùng sẽ bị phá sản. Và khi đó các hợp đồng bị cắt, các dự án bị đóng băng, các cam kết không được thực hiện là do ai? Do người sở hữu? Trong thời gian này chủ sở hữu có thể bị thay đổi... Đồng thời, cần hiểu rằng chủ sở hữu tư nhân không trả chi phí cho việc giám sát môi trường, dự báo khí tượng, thuỷ văn. Đối với họ, đây là những chi phí vô ích, còn đối với nhà nước – đó là những cam kết trước người dân.

Công ty tư vấn Morgan Stanley dẫn ra các số liệu sau đây: Từ năm 2001, 122 công ty thuộc sở hữu nhà nước trên toàn thế giới (ít nhất 1/3 cổ phiếu của các công ty này thuộc sở hữu của nhà nước), đã vượt trội các chủ sở hữu tư nhân 260%. Kể từ khi cuộc khủng hoảng của thị trường cho vay dưới chuẩn bùng phát tháng 10/2008, những báo giá của các công ty này cho thấy 1/3 là kết quả tốt, tuy nhiên, dường như các công ty này ổn định hơn trong khủng hoảng. Tập đoàn Rosneft trong 4 năm qua đã cho thấy những báo giá có sự gia tăng mạnh - 66%. Có nghĩa là hoạt động của công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí hiệu quả hơn hoạt động của các công ty tư nhân!

Các tổng công ty nhà nước có thể đề xuất ý kiến về chế độ thuế, mà đề xuất này có lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đề xuất này giúp họ gia tăng nhịp độ thực hiện các dự án và phân bổ lại lợi nhuận để phát triển các hướng mới, nếu không việc khai thác ở thềm lục địa sẽ không hợp lý xét về mặt kinh tế. Chủ sở hữu tư nhân thì không thể nói khoác về những khả năng như vậy, đối với họ đây là bất lợi nghiêm trọng trong cạnh tranh.

Ở đây có một câu hỏi được nêu ra rất đúng lúc: Dự án khai thác dầu khí lớn nói trên có thể mang lại cho đất nước cái gì, ngoài lợi nhuận? Năm ngoái, các công ty nhà nước đã trích nộp vào ngân sách liên bang 16% phần doanh thu của mình - gần 1.500 tỷ rúp. Trong khi đó, các khoản thuế nộp vào ngân sách của các công ty tư nhân ít hơn hàng trăm tỷ, và các khoản đó hoàn toàn rơi vào các chỗ khác, chẳng hạn để thanh toán lợi tức cổ phần, mà những lợi tức này không giúp ích gì cho nền kinh tế của đất nước, mà chuyển ra nước ngoài. Về các dự án xã hội, giống như những dự án mà Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn Gazprom thường cấp tài chính, thì trong trường hợp của các công ty tư nhân không cần nói đến.

Vấn đề hiện đại hóa hệ thống dầu mỏ và khí đốt của Nga lại là một khía cạnh khác của hoạt động của các công ty nhà nước. Các công ty này đang đầu tư cải tiến công nghệ chế biến dầu và đưa các nhà máy lọc dầu mới vào hoạt động, đầu tư vào các dự án chế biến các loại dầu thô "nặng". Năm 2011, Tập đoàn Rosneft đã chi 500 tỷ rúp cho các chương trình đầu tư và phát triển ở các khu vực mới khí hậu khắc nghiệt. Việc này đã tạo động lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan – ngành đóng tàu, thông tin liên lạc và xây dựng. Tập đoàn Rosneft còn tài trợ cho các công trình nghiên cứu khoa học. Lần đầu tiên trong nhiều năm, những tác động đến các công trình nghiên cứu địa chất đã tăng lên mạnh mẽ. Nếu không có sự giúp đỡ của các nhà khoa học thì sẽ không thể có được “Dự án Bắc Cực”.

Tóm lại, tương lai của tổ hợp nhiên liệu – năng lượng của Nga gắn liền với việc khai thác các nguồn dầu khí ở thềm lục địa Bắc Cực. Còn việc khai thác lại gắn với các cấu trúc thiết yếu của nền kinh tế quốc gia, như Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn Gazprom. Và hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng cần xuất phát từ công thức này. Cái giá của sai lầm là rất cao: dù sao 5 tỷ tấn dầu mỏ và 10 nghìn tỷ mét khối khí đốt được dự đoán nằm ở Bắc Cực, là một miếng mồi rất ngon. Hơn nữa phía Bắc lại đang trở thành một trung tâm đối đầu địa chính trị.

Theo Báo Đoàn viên Cômxômôn Mátxcơva

Thúy Bình (gt)