Vấn đề gây bất đồng sâu sắc giữa Nga và Nhật Bản đã bùng phát trở lại khi Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, tại Đại hội toàn quốc nhân kỷ niệm ngày "Các lãnh thổ phương Bắc” (thường được Nhật Bản kỷ niệm vào ngày 7/2 trong suốt 30 năm qua kể từ năm 1981), đã gọi chuyến thăm gần đây của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới chuỗi đảo Kuril là một sự "xúc phạm không thể tha thứ".


Ngay sau đó, Nga đã phản ứng với những lời lẽ khá gay gắt. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Thủ tướng Nhật Bản đang cố gắng làm hài lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản. Tiếp đến, Điện Cremli cũng đưa ra một tuyên bố kiên quyết không nhượng bộ và thề rằng Nga sẽ không bao giờ thay đổi lập trường về lãnh thổ. Các hãng thông tấn ở Nga đã dẫn lời ông Sergei Prikhodko, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Medvedev, nói: "Chủ quyền của Liên bang Nga đối với chuỗi đảo Kuril là vấn đề không phải bàn cãi - kể cả bây giờ và sau này". Còn Ngoại trưởng Nga Lavrov, khi nhận xét về những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, nhấn mạnh: "Rõ ràng, những phát biểu này không mang tính ngoại giao", và nói thêm rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào về các hòn đảo này đều phải bắt nguồn từ "sự thừa nhận vô điều kiện của Nhật Bản đối với kết quả của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II".


Cuộc khẩu chiến gay gắt này sẽ phủ bóng đen lên cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara tại Mátxcơva trong tuần này. Sáng 7/2, Ngoại trưởng Maehara thề sẽ tận dụng chuyến thăm Mátxcơva lần này của ông để tìm cách đòi lại các hòn đảo nói trên cho dù ông có phải "trả giá về sự nghiệp chính trị".


Trong khi đó, hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn lời ông Konstatin Kosachev - đứng đầu Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga - nói: "Trong suốt 2-3 năm qua, các nhà chức trách Nhật Bản đã đưa ra những phát biểu rất cực đoan. Nếu họ vẫn tiếp tục hành động như vậy, chúng tôi nghĩ rằng quan hệ Nga-Nhật sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng". Tuy nhiên, bất chấp cuộc khẩu chiến mới nhất này, Ngoại trưởng Nga Lavrov vẫn khẳng định: "Như trước đây đã nhiều lần chúng tôi tuyên bố, chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác ở mức chặt chẽ nhất có thể với những người láng giềng Nhật Bản để thực thi các dự án cụ thể tại khu vực này". Trước đó, tháng 12/2010, Tổng thống Nga Medvedev cho biết hai nước có thể cùng thành lập khu vực kinh tế tự do ở Kurils.


Ngày 7/2, Đài Tiếng nói nước Nga cũng dẫn lời ông Victor Pavlyachenko - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông Nga - cho rằng Nhật Bản đang duy trì tình trạng căng thẳng về vấn đề này. Ông nhấn mạnh: “Không thể giải quyết các vấn đề căng thẳng và nhạy cảm hiện nay thông qua những biện pháp mà phía Nhật Bản đang áp dụng. Tôkyô thường xuyên gây căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giềng - không chỉ với riêng Nga mà cả với Hàn Quốc và Trung Quốc - trong các hoạt động kỷ niệm giống như ngày kỷ niệm “Các lãnh thổ phương Bắc”. Có thể nhắc đến vụ đụng độ (Nhật-Trung) liên quan đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) tháng 9/2010, gây tác động nghiêm trọng tới quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tôkyô”.


Nói tóm lại, cho đến nay, quan điểm trái ngược về vấn đề lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản khiến cho vấn đề này khó có cơ hội được giải quyết. Hy vọng xu hướng phát triển của thế giới hiện nay và sự thay đổi tình hình chung ở châu Á-Thái Bình Dương có thể tác động tích cực tới cuộc tranh chấp đã tồn tại khá lâu này.

Theo AFP