Ngày 22/4, Trung Quốc và Nga đã mở màn cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai nước (dự kiến kéo dài sáu ngày từ 22-27/4) tại vùng biển Hoàng Hải. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, hơn 4.000 nhân viên Trung Quốc tham dự và Trung Quốc cũng cung cấp 16 tàu, trong đó có 5 tàu khu trục loại lớn, 5 tàu khu trục loại nhỏ, 4 tàu chiến, tất cả đều trang bị tên lửa, một tàu hỗ trợ và một tàu bệnh viện, 13 phi cơ và máy bay trực thăng trên tàu cũng sẽ tham gia. Nga đóng góp 4 tàu chiến, 3 tàu tuần dương gắn tên lửa và 3 tàu tiếp tế. Trọng tâm của diễn tập quân sự là hệ thống phòng không phối hợp, các chiến thuật chống tàu ngầm, kỹ thuật tìm kiếm và cứu hộ. Đồng thời, hai bên cũng tập luyện giải cứu tàu bị cướp và diễn tập chống khủng bố. Trong một cuộc họp báo ngắn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định: "Diễn tập quân sự giữa Trung Quốc và Nga đã được lên kế hoạch từ lâu, và là một trong những hoạt động nhằm tăng cường hòa bình và ổn định khu vực". Theo một số nhà phân tích, đây cũng là một dấu hiệu về mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai người khổng lồ trong khu vực. Cũng theo Tân Hoa Xã, từ năm 2005, Nga và Trung Quốc đã cùng nhau tiến hành tổng cộng bốn cuộc tập trận quân sự, một vài trong số đó có sự tham gia của một số các quốc gia khác. Các cuộc diễn tập quân sự giữa Trung Quốc và Nga nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - diễn đàn có sự tham gia của Trung Quốc, Nga và một số nước Trung Á với mục đích trở thành đối trọng với tầm ảnh hưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng cuộc tập trận chung với Nga là cơ hội để quân đội nước này có điều kiện "cọ xát" với hệ thống hải quân hiện đại. Cố vấn hải quân Trung Quốc Yin Zhuo cho biết số lượng tàu tham gia cuộc tập trận lần này có quy mô lớn chưa từng thấy. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông nói: "Cả hai bên đều có những trao đổi sâu sắc về cả chiến thuật và kỹ thuật". Trong bối cảnh hợp tác quân sự giữa hai cựu đồng minh thời Chiến tranh Lạnh ngày càng tăng, một số nhà phân tích đặt câu hỏi về mục đích của việc Trung Quốc tiến hành tập trận với Nga, căn cứ vào sự đóng góp khiêm tốn của Mátxcơva (vào cuộc diễn tập). Trao đổi với AFP, Joshua Eisenman - nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ (trụ sở tại Oasinh tơn) - nói: "Cuộc tập trận này khiến các nước láng giềng lo ngại. Vai trò trong khu vực của Trung Quốc từ lâu đã là mối quan ngại của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ. Xét từ góc độ Trung Quốc, tôi không cho rằng cuộc diễn tập lần này nhằm mục đích xây dựng lòng tin chiến lược lâu dài với các nước lân cận (của Trung Quốc)". Trong khi đó, Nhật Bản chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về cuộc tập trận mở màn ngày 22/4 này. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới được công bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Trung Quốc đang tăng cường hoạt động trên vùng lãnh hãi gần khu vực thuộc chủ quyền Nhật Bản trong khi Nga tiến hành ngày càng thường xuyên các cuộc tập trận tại vùng Viễn Đông của nước này.

Theo Defensenews (ngày 22/4)

Viết Tuấn (gt)