Một ví dụ cho thấy Nga đã tỏ ra ngờ vực về tham vọng của Trung Quốc. Đó là vào tháng 7/2010, Nga đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự với quy mô lớn nhất trong lịch sử ở vùng Viễn Đông. Người ta cũng cho rằng Mátxcơva đang tính tới việc triển khai tàu tấn công Mistral do Pháp chế tạo ở khu vực Viễn Đông. Nga giải thích rằng các hành động này nhằm đối phó với quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh Nga và Nhật Bản đang tranh chấp lãnh thổ cũng như tình trạng căng thẳng gia tăng ở trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên.


Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích, việc Nga tăng cường lực lượng ở vùng Viễn Đông cũng nhằm để đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Chuyên gia này cho biết trên thực tế, các quan chức Nga chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh và quân sự không giấu giếm quan điểm cho rằng Bắc Kinh đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.


Mátxcơva không tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng và cố gắng chơi trò chơi chính trị thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh. Kết quả là, bất cứ sự ngờ vực nào đối với Trung Quốc đều bị loại khỏi các cuộc thảo luận công khai về các chiến lược an ninh và quân sự của Mátxcơva. Tuy nhiên, trên thực tế, những rạn nứt đã bắt đầu nổi lên trong quan hệ tưởng như vững chắc giữa hai cường quốc này kể từ năm 2009, dẫn tới việc Nga coi Trung Quốc như một "kẻ thù mang tính giả thuyết". Chiến lược quân sự của Nga, trong đó có chiến lược hạt nhân, đã bắt đầu tính tới hàng loạt các nhân tố liên quan tới Trung Quốc. 


Chẳng hạn, chiến lược an ninh quốc gia mới được thông qua trong năm 2009 cho thấy Điện Cremli quan ngại các ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong thế giới đa cực. Bên cạnh đó, học thuyết quân sự này, được sửa đổi lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua vào năm 2010, đã phản ánh quan điểm của Nga cho rằng trong khi khả năng xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện với phương Tây đang thấp dần, các nguy cơ xảy ra các cuộc tranh chấp khu vực dọc theo các đường biên giới của nước này đang tăng mạnh. Các chuyên gia về Nga thừa nhận rằng khái niệm "các đường biên giới" được đề cập ở trên không chỉ là biên giới với Grudia mà còn cả đường biên giới dài với Trung Quốc.


Vào tháng 12 năm ngoái, Nga đã sát nhập quân khu Viễn Đông và một phần quân khu Siberia thành quân khu Vostok, bao gồm toàn bộ khu vực biên giới giữa Nga với Trung Quốc. Bên cạnh đó, sở chỉ huy của quân khu mới được chuyển từ Vladivostok trên bờ biển Nhật Bản, nơi Hạm đội Thái Bình Dương đang đóng quân, tới Khabarovsk ở trong đất liền.


Chỉ có thể có lời giải thích duy nhất đối với những thay đổi này đó là Nga đã tính tới khả năng xảy ra xung đột biên giới với Trung Quốc. Một chuyên gia về các vấn đề an ninh của Nga nói việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực Viễn Đông thưa dân của Nga.


Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2011 tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Ngân sách này có thể sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Trong bối cảnh tình trạng căng thẳng với Mỹ và các nước châu Âu đang giảm dần, liệu có lý do nào khác ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc khiến Mátxcơva phải tăng cường sức mạnh quân sự?


Việc Nga đang giữ khoảng cách với Trung Quốc cũng được phản ánh trong chính sách của nước này đối với Bắc Triều Tiên. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Pak Ui Chun thăm Mátxcơva vào tháng 12/2010, người đồng nhiệm Sergey Lavrov của Nga đã nói với giọng rất tức giận rằng việc Bắc Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và giết chết những người dân thường là "hành động đáng lên án". Dư luận cho rằng đây là lần đầu tiên Nga công khai chỉ trích Bắc Triều Tiên. Một nguồn tin ngoại giao của Nga cho biết trên thực tế, đó là tối hậu thư của Mátxcơva đối với Bình Nhưỡng.


Sự thay đổi trong chính sách của Nga đối với Bắc Triều Tiên cho thấy hai điều: Một là, quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc đang ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là trong hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hai là, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang suy yếu.


Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và châu Âu đang cải thiện, nhất là quan hệ với Oasinhtơn, Nga không còn cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Ngược lại, Mátxcơva cảm thấy các mối đe dọa từ "sự tự tin quá mức" của Trung Quốc, chẳng hạn như hải quân Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ở các vùng biển quốc tế. Để đối phó với các động thái như vậy, có thể các nhà lãnh đạo Nga tin rằng cần phải hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.


Quan hệ Nhật-Nga đang ở mức thấp kể từ sau chuyến thăm đảo tranh chấp Kunashiri của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào ngày 1/11/2010. Ông Medvedev đã trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên tới thăm một trong bốn hòn đảo tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, Nhật Bản đang có cơ hội tốt để hàn gắn quan hệ với Mátxcơva bằng cách tận dụng quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Nga và Trung Quốc. Nhật Bản cần phải giải thích với Nga tầm quan trọng của việc hợp tác chiến lược giữa hai nước. Nhật Bản hiếm khi sử dụng chiến thuật như vậy. Trong khi đó, Hàn Quốc đã giành được những thắng lợi ngoại giao quan trọng thông qua việc tích cực tiếp cận với Điện Cremli và tạo ra sự thay đổi lớn trong thái độ của Điện Cremli đối với Bắc Triều Tiên.


Thật không may mắn, không có nhiều người trong giới chính trị và ngoại giao của Nhật Bản nghĩ như vậy. Trên thực tế, Chính phủ Nhật Bản quá bận tâm vào việc đòi Nga trao trả 4 hòn đảo ở phía Bắc đảo Hokkaido. Tôkiô dường như không nhận ra một cơ hội như vậy. Nếu Tôkiô không tận dụng được cơ hội này, Nhật Bản có thể một lần nữa bị gạt ra ngoài những diễn biến trên thế giới.

Trần Quang

Theo Tạp chí Sentaku