Ngày 29/5/2015, Hội nghị quốc tế "Nga và Trung Quốc: Đối tác mới trong một thế giới đang thay đổi", được tổ chức tại Moscow, nhằm giải đáp các vấn đề về  đặc trưng của  quan hệ Nga –Trung hiện nay: có hay không liên minh quân sự và chính trị Nga –Trung trên thực tế hay không? Moscow và Bắc Kinh có cùng nhau xây dựng một thế giới phi Mỹ hóa, hay là mỗi bên tự tìm kiếm vị trí của mình trên thế giới?

Quan hệ Nga-Trung đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, song không có nghĩa là sự hợp tác giữa hai nước đã đạt được mức tối đa đầy lý tưởng. Mặc dù tồn tại nhiều vấn đề, quan hệ Nga-Trung đã trở thạnh một nhân tố chính trị thế giới. Thế giới biến đổi không ngừng đang đặt ra những thách thức đòi hỏi Moscow và Bắc Kinh phải phối hợp cùng nhau giải quyết. Đối với Nga, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường bành trướng ở Trung Á, khía cạnh an ninh và phát triển kinh tế cần được quan tâm xem xét.

Một số chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc đang tiến tới một liên minh quân sự-chính trị nhằm đảm bảo hai nước có vị trí xứng đáng trên thế giới. Ngược lại, những người khác cũng cho rằng trong quan hệ đối tác này sự bất đối xứng đang tăng lên làm suy yếu Nga và giúpTrung Quốc tăng cường thêm sức mạnh của họ. Có ý kiến nêu nguyên tắc thống nhất không bắt đầu từ  lĩnh vực kinh tế, mà từ khía cạnh chiến lược, cho rằng chỉ có Nga và Trung Quốc mới có thể đoàn kết trên cơ sở nền văn minh đặc biệt của một thế giới phi phương Tây. Hiện tại có quá nhiều yếu tố quyết định nhiệt lượng của quan hệ đối tác Nga-Trung và đưa tới ảo tưởng về việcTrung Quốc và Nga cùng nhau chôn vùi thế giới đơn cực.

Một trong những vấn đề nóng hổi được các chuyên gia thảo luận là sự gần gũi về quan điểm giữa Nga và Trung Quốc về ngôi nhà Á-Âu, các phương án liên kết và trong các vấn đề an ninh. Trong chuyến thăm Nga  tháng 5 vừa qua của Tập Cận Bình, các bên đã quyết định mở đàm phán giữa EAEC và Trung Quốc để ký thỏa thuận thương mại và hợp tác kinh tế. Trong thực tế, đang hình thành quan hệ đối tác lục địa  trong khuôn khổ SCO.  Moscow và Bắc Kinh có chung tầm nhìn Á-Âu và sẵn sàng sử dụng chúng để giải quyết toàn bộ các định dạng song phương và đa phương hiện có. Nga và Trung Quốc có thể hợp tác thành công ở nước thứ ba chẳng hạn đảm bảo việc vận chuyển vũ khí hóa học của Syria. Sự kết nối EAEC và Vành đai kinh tế- con đường tơ lụa  của Trung Quốc  được công bố trong chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình cho thấy Nga và Trung Quốc theo đuổi các lợi ích chung của khu vực Trung Á. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia Nga tin rằng Trung Quốc sẽ hoàn toàn tính tới quan điểm của Nga khi mà dự án "con đường tơ lụa" lấy mục tiêu hàng đầu là phục vụ phát triển nội bộ của Trung Quốc. Do đó, Giám đốc Viện Nga, Đông Âu và Trung Á Học viện Khoa học Xã hội Li Yongquan nhấn  mạnh các dự án toàn cầu của Trung Quốc không mâu thuẫn với lợi ích của Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do đã có các cơ chế hợp tác điều hòa các lợi ích. Quan điểm này khác với trước đây, năm 2014, Phó giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, trong bài phát biểu tại Học viện Hành chính Kyrgyzstan đã khuyến nghị Kyrgyzstan không nên tham gia Liên minh Hải quan.

Về mức độ hợp tác Nga-Trung trong việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thanh toán, tổ chức các cuộc tập trận chung, về chính thức các bên không lập liên minh và phát triển mối quan hệ song phương đối chọi với một nước thứ ba hoặc với một liên minh khác. Mô hình quan hệ Nga-Trung hoàn toàn có thể áp dụng cho bất kỳ mối quan hệ giữa các quốc gia khác. Chủ tịch INF Igor Ivanov (Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nga 1998-2004), cho rằng quan hệ Nga-Trung Quốc phát triển trên cơ sở của riêng mình và không tạo ra bất kỳ mối đe dọa thách thức đối với các nước láng giềng hay các nước lớn khác. Mặt khác, Yan Xuetong- chuyên gia nổi tiếng về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa đã chỉ trích những người coi lập liên minh Nga-Trung là không phù hợp đối với phát triển quan hệ giữa hai nước, cho rằng đây là lựa chọn duy nhất nếu Nga và Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng trên thế giới, hai nước cần phải thay đổi trọng tâm hợp tác từ  kinh tế sang lĩnh vực an ninh nhằm đối phó với sức ép chiến lược của Mỹ tồn tại ít nhất là trong hai thập niên tới; nhấn mạnh cơ sở hợp tác Trung –Nga là an ninh, và hợp tác quân sự là trọng tâm, chỉ trên cơ sở đó, quan hệ đối tác Trung-Nga mới lâu bền và ổn định.

Một số ý kiến của phía Nga cho rằng cần phải thận trọng khi kết nối 2 dự án EAEC và con đường tơ lụa bởi sự khác nhau về quy mô và mục tiêu của mỗi dự án; nhấn mạnh tương lai quan hệ Nga-Trung phụ thuộc nhiều vào việc Nga có tận dụng được cơ hội để đem lại lợi ích và bảo đảm cho nước Nga phát triển ổn định hay không.Thước đo của chính sách chuyển trục hướng Đông của Nga là chỉ số đầu tư phục vụ cho hiện đại hóa, đặc biệt là sự phát triển của vùng Viễn Đông và Đông Siberia. Để hiện đại hóa, Nga cần công nghệ cao, hiện phần lớn nhập từ châu Âu và Mỹ, trong khi Trung Quốc không thể đáp ứng; Nga không thể hy vọng nâng cao trình độ phát triển bằng công nghệ Trung Quốc kết hợp với nguồn nhân lực của Nga.

Hiện taị, các nước Châu Á - Thái Bình Dương rất lo ngại  về sự bành trướng của Trung Quốc, sự do dự và quyết tâm hỗ trợ không rõ ràng của Mỹ vào lúc cần thiết. Dư luận chung cho rằng, Mỹ sẽ lâm chiến một khi Trung Quốc khiêu khích quá mức, song chỉ để phục vụ lợi ích của Mỹ. Còn Nhật, sự bảo đảm của Mỹ không rõ ràng nên Nhật vừa củng cố liên minh vừa tăng cường năng lực quốc phòng, hỗ trợ quân sự cho Việt Nam và Philippine. Quan hệ Nga-Trung hiện đang kích động các nước Đông Nam Á và Nhật. Đối với các nước Đông Nam Á, con đường tơ lụa không phải là một ưu tiên do nó không đóng góp vào việc bảo đảm an ninh. Vấn đề cấp bách hiện nay là việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông và số mệnh của chúng, là cần có một COC.

Các ý kiến, quan điểm khác nhau thể hiện tại hội nghị  cho thấy sự phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay khi mà Nga và Trung Quốc đang phải đối mặt. Đáng chú ý là, về mặt chính quyền, phía Trung Quốc chỉ cử Đại sứ tại Nga Li Hui đến dự.

Theo Russian International Affairs Council

Trần Quang (gt)