Tổng thống Putin đưa ra sáng kiến thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu hồi tháng 10/2011. Trong một bài báo trên trang "Izvestia", ông Putin đã khái quát về tham vọng hình thành một Liên minh kinh tế-chính trị do Nga lãnh đạo trong không gian hậu Xôviết. Nga thuyết phục Belarus và Kazakhstan ký vào thỏa thuận này ngay sau đó. Tuy nhiên phải mất thêm tới ba năm để thành lập được Liên minh này. Năm 2015 đánh dấu Liên minh này chính thức thành lập và nhiều khả năng sẽ kết nạp thêm Armenia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy việc xây dựng lại “Con đường Tơ lụa” hai năm sau khi Tổng thống Putin đưa ra sáng kiến thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu. Trong chuyến thăm Kazakhstan tháng 9/2013, ông Tập Cận Bình cam kết hình thành “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” như là bước đầu tiên trong việc kết nối Trung Quốc và châu Âu thông qua khu vực Trung Á. Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra sáng kiến tương tự về việc hình thành “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Sáng kiến khôi phục “Con đường Tơ lụa” từng tồn tại nhiều thế kỷ trước nhanh chóng được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và giới học giả Trung Quốc. “Một vành đai, một con đường” trở thành khẩu hiệu nổi tiếng của chương trình này.

Nhìn chung, cả hai dự án của Nga và Trung Quốc đều nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này tác động mạnh đến tình hình chính trị Trung Á do hai dự án này đều tập trung triển khai trước tiên và chủ yếu ở khu vực này, nên khó tránh khỏi sự cọ sát, cạnh tranh giữa Moskva và Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn thì việc Nga và Trung Quốc lựa chọn tăng cường quan hệ với các nước Trung Á theo cách khác nhau có thể giúp tránh được sự cạnh tranh, đồng thời tạo cơ hội phối hợp với nhau trong việc triển khai.

Cách thức mà Moskva và Bắc Kinh triển khai dự án cho thấy sự khác nhau của dự án Liên minh kinh tế Á-Âu và “Con đường Tơ lụa”. Nga khởi đầu một cách mạnh mẽ và đầy tham vọng với tuyên bố dự án này có thể hình thành một Liên minh mới, đối trọng với Liên minh châu Âu (EU). Ngay từ đầu, mục tiêu của Nga đã rất rõ ràng, đó là hình thành một Liên minh mang tầm quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc lại tập trung vào các vấn đề kinh tế hết sức cụ thể như kết nối hệ thống đường ống dẫn dầu, đường sắt và đường bộ. Ông Tập Cận Bình chỉ tuyên bố sáng kiến “Con đường Tơ lụa mới” sau khi chắc chắn rằng một phần của sáng kiến này đã được triển khai trong thực tế. 

Sự khác nhau cơ bản giữa Trung Quốc và Nga trong việc triển khai các dự án trên là ở mục tiêu. Moskva thúc đẩy dự án nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, khẳng định vai trò của Nga với tư cách một cường quốc trên thế giới. Nga ít chú trọng đến hội nhập kinh tế mà tập trung vào việc khẳng định vị thế của mình so với các đối thủ phương Tây và Trung Quốc trong không gian hậu Xôviết. Trong khi đó, Trung Quốc lại tập trung chủ yếu vào việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế. Sáng kiến “Con đường Tơ lụa” của Trung Quốc không mang tính cạnh tranh, do đó mở rộng đối với sự tham gia của các quốc gia ở cả châu Á, châu Âu và châu Phi. Trung Quốc không đề cập đến tham vọng tăng cường ảnh hưởng trong việc triển khai dự án này. Các học giả nước này được nhắc nhở không nên so sánh dự án “Con đường Tơ lụa” với kế hoạch Marshall - kế hoạch khôi phục kinh tế châu Âu sau chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Nga chú trọng vào “mô hình”. Moskva kiên trì trong việc hình thành cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập và thể chế hóa Liên minh kinh tế Á-Âu. Trong khi đó, Trung Quốc chú trọng nhiều hơn vào “thực chất” của việc hợp tác với việc sáng kiến “Con đường Tơ lụa” thúc đẩy cả hợp tác kinh tế song phương lẫn đa phương. Điểm khác biệt chính này có thể sẽ giúp Nga và Trung Quốc hợp tác trong việc triển khai các dự án chiến lược ở khu vực Trung Á.

Theo The Diplomat

Thùy Anh (gt)