Vladimir__Putin.jpg

Việc đối phó với Nga là một thách thức kép. Một mặt, Nga vẫn duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn với khả năng đáp trả mạnh mẽ. Do đó, Nga được coi là một mối đe dọa thực sự đối với các đồng minh châu Âu của Mỹ. Mặt khác, theo Giáo sư Eugene Gholz thuộc trường Đại học Texas, hành động của Mỹ khiến Nga cảm thấy bị đe dọa, dẫn đến hành động theo cách mà chính Mỹ cho là mối đe dọa.

Trên thực tế, Nga không phải là Liên Xô trước đây, lãnh thổ và dân số của Nga giảm nhiều, tiềm năng quân sự chỉ là vẻ bề ngoài so với trước đây, các đối tác của Nga là các chế độ đang bị bao vây như Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Giáo sư John Mearsheimer giảng dạy tại Đại học Chicago nhận định: “Đây là một siêu cường đang xuống dốc. Lý do duy nhất chúng ta có vấn đề với Nga là bởi vì chúng ta theo đuổi chủ nghĩa bá quyền tự do, mở rộng liên minh của chúng ta đến sát biên giới của họ. Đây là một vấn đề chúng ta tự tạo ra”.

Quan hệ Mỹ-Nga được hình thành bởi lịch sử đối đầu giữa hai nước, đặc biệt là trong thời Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô bên bờ vực sụp đổ, các nhà đàm phán Mỹ cam kết sẽ không di chuyển quân đội hay đưa liên minh của họ đến gần biên giới Nga. Mặc dù vậy, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không tôn trọng điều này. Các nhà lãnh đạo Nga cảm thấy bị Mỹ phản bội và cảnh giác rằng việc mở rộng NATO sẽ đưa lực lượng thù địch đến biên giới của họ.

Sức mạnh của Nga gần như chỉ hạn chế trong khu vực xung quanh nước này. Tuy Nga có thể gây rắc rối tại các nước gần biên giới như Syria và Ukraine, nhưng khả năng Nga triển khai quân đội ra bên ngoài khu vực Á-Âu gần như là không thể.

Chính sách của Mỹ hiện nay đối với Nga dường như gây hại hơn là mang lại lợi ích. Trong nhiều lĩnh vực, Nga có thể là một đối tác quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích của Mỹ. Ví dụ, theo chuyên gia Barry Posen thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Nga và Mỹ có cùng lợi ích trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chương trình hạt nhân của Iran. Bằng cách cô lập Nga, Mỹ đã từ bỏ những khả năng hợp tác trong các vấn đề này.

Áp lực của Mỹ cũng đẩy Nga tìm kiếm các đối tác quốc tế khác. Hành vi của Mỹ, như trừng phạt kinh tế và tăng cường triển khai quân tới Đông Âu, thôi thúc Nga hợp tác với Trung Quốc (bán vũ khí và tập trận hải quân). Theo ông Posen, Nga và Trung Quốc không phải là các đồng minh tự nhiên mà chính Mỹ đã đẩy hai nước này xích lại gần nhau. Việc đối phó với Mỹ vào lúc này đã khiến hai nước song trùng về lợi ích. Bằng cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Moskva và thừa nhận các lợi ích sống còn của họ, Nga có thể trở thành một đối tác của Mỹ chứ không phải là một kẻ thù.

Theo "National Interest" (ngày 5/10)

Hùng Sơn (gt)