Theo báo trên, ngoại giao của mỗi quốc gia đều là vì lợi ích của nước mình. Lý do người Nga đưa ra quyết định trên là để giành lợi ích kinh tế trong hợp tác dầu khí với Việt Nam, chứ không có bất kỳ ý đồ chính trị nào, cũng không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi ích có to có nhỏ, hợp tác cũng cần tính toán đến thời điểm và thời cơ. Giữa lúc tình hình Biển Đông căng thẳng gia tăng như hiện nay, Nga tuyên bố hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò khai thác dầu khí tại vùng biển này là hành động liều lĩnh và Nga hiển nhiên hiểu rõ thiệt hơn trong quyết định này.

Trên thực tế, Nga từng là bá chủ của khu vực Đông Nam Á. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô (trước đây) đã đồn trú tại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam để tranh giành khu vực này với các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu. Thời kỳ đó, hai siêu cường tuy chưa trực tiếp xuất quân đánh chiếm Trường Sa, song đều bị cuốn vào cuộc tranh chấp quần đảo này ở các mức độ khác nhau, đồng thời đã tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc tranh chấp Trường Sa sau này. Sau Chiến tranh Lạnh, Nga rút khỏi Cam Ranh, chính sách Biển Đông của Mỹ xuất hiện khuynh hướng mới là kiềm chế Trung Quốc. Cùng với sức mạnh ngày càng tăng, Nga ngày càng cao giọng giành lại vị trí nước lớn mà nước này từng có. Theo đó, việc mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á đã trở thành hướng quan trọng trong ngoại giao châu Á của Nga.

Do có mối quan hệ truyền thống và hữu nghị giữa hai nước, hợp tác Nga-Việt đã tiến triển nhanh chóng. Công ty công nghiệp khí đốt tự nhiên của Nga đã nhanh chân đến Việt Nam, tung ra khoản tiền lớn giúp Việt Nam tiến hành thăm dò và khai thác dầu lửa và khí đốt ở Biển Đông. Để tăng tốc độ khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông, Việt Nam đã từng bước mở rộng phạm vi khai thác dầu khí từ thềm lục địa vươn tới khu vực nước sâu gần quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, kỹ thuật khai thác dầu khí nước sâu của Việt Nam chưa có, do sợ Trung Quốc nên các công ty dầu khí lớn của phương Tây từng hợp tác với Việt Nam cũng rút lui, điều này đã mở ra cơ hội tốt cho Nga tiến vào Biển Đông. Hiện nay, kỹ thuật khai thác dầu khí vùng biển sâu của Việt Nam chủ yếu dựa vào Nga.

Ngoài năng lượng, hợp tác quân sự Nga-Việt cũng đang phát triển nhanh chóng. Công nghiệp quân sự là thế mạnh xuất khẩu của Nga. Do sự phong tỏa của Mỹ, thị trường xuất khẩu vũ khí truyền thống của Nga ở Đông Âu bị thu hẹp nghiêm trọng, Nga buộc phải mở rộng thị trường sang các khu vực của châu Á. Mấy năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu vũ khí quan trọng của Nga. Cùng với việc Mỹ đẩy nhanh chiến lược “trở lại châu Á”, đặc biệt là từ khi có thông tin Mỹ có ý định thuê quân cảng Cam Ranh của Việt Nam, Nga ngày càng cảm thấy bất an đối với vai trò và vị trí của mình trong tương lai tại khu vực này. Để giành thế chủ động, Nga một mặt đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam, mặt khác ra sức đánh tiếng rằng Nga chuẩn bị thuê lại Cam Ranh.

Đề cập đến các nhân tố bên ngoài đối với cuộc tranh chấp Biển Đông, thế giới thường nghĩ ngay đến các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ mà không mấy ai nhắc đến Nga. Nga ít bị chú ý trong tranh chấp Biển Đông chủ yếu là do nước này mới chỉ can thiệp có giới hạn vào khu vực này. Hơn nữa, trong hầu hết các tình huống, Nga không mấy khi tuyền truyền rầm rộ. Theo “Đại Công báo”, hiện nay, tình hình đang có những thay đổi, rất nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang lợi dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông để tích cực trở lại Đông Nam Á. Có thể trong một tương lai không xa, Nga sẽ trở thành một yếu tố quan trọng khác không thể không xét đến trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. 

 

Theo Đại Công báo (Hồng Kông)

 Viết Tuấn (gt)