Báo cáo công bố tuần trước của Bộ Năng lượng Nga cho biết quyết định của tập đoàn dầu khí Rosneft bơm 7 triệu tấn dầu/năm sang Trung Quốc qua Kazakhstan sẽ mang lại doanh thu từ 2,3 tỷ đến 2,5 tỷ USD/năm cho Nga. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đang chuẩn bị cho những thỏa thuận lớn liên quan đến khí đốt tự nhiên. 

Trong chuyến thăm Nga tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý “hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên”. Vào thời điểm đó, công ty năng lượng Nga Gazprom cho biết đã ký thỏa thuận 30 năm với Công ty Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc nhằm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống. Tuy nhiên, đây không phải là thỏa thuận ràng buộc. Tháng 9/2013, khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin gặp lại nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St Petersburg, công ty Gazprom đã thông báo sẽ cung cấp ít nhất 38 tỷ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc, tuy nhiên chưa có thỏa thuận về giá cả. Khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến Trung Quốc vào tháng 10/2013 dự cuộc họp cấp cao song phương hàng năm, ông đã bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận sớm trong lĩnh vực năng lượng với Trung Quốc. 

Nga đã yêu cầu định mức giá khí đốt tự nhiên tương tự như với các đối tác thương mại châu Âu, tuy nhiên Trung Quốc đề nghị mức giá thấp hơn nhiều với lý do khoảng cách vận chuyển ngắn hơn và người Nga đã nhượng bộ, góp phần tạo thuận lợi cho mục tiêu mở rộng thương mại giữa hai nước. Nga và Trung Quốc đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2012, kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc đã ở mức 88 tỷ USD, do vậy các mục tiêu trên là trong tầm tay.

Tuy nhiên, Nga cũng lo ngại về việc trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc vì Tổng thống Putin đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc nhập khẩu máy móc nhiều hơn từ Nga. Nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng hai bên sẽ "thúc đẩy việc đa dạng hóa cơ cấu thương mại", nhưng điều này nói dễ hơn làm.

Hai nước cũng bàn về việc mua bán vũ khí mới. CCTV cho biết trong chuyến thăm Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ mua 24 máy bay chiến đấu SU-35 của Nga cũng như đặt hàng 4 tàu ngầm. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được hoàn thiện, rõ ràng là vì Nga lo sợ Trung Quốc sẽ “học tập” sản xuất loại máy bay chiến đấu này và bán cho các nước khác.

Nga và Trung Quốc đang phối hợp trong các vấn đề quốc tế như Syria. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai nước được phản ánh trong chính sách của Nga đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã giải thích rằng một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga là phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Ấn Độ - quốc gia Trung Quốc có tranh chấp biên giới trên bộ. Tuần trước, Nga đã bàn giao cho Ấn Độ một tàu sân bay tân trang lại. Bên cạnh đó, Nga cũng bán vũ khí cho Việt Nam - quốc gia có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc ở biên giới trên biển. Tổng thống Putin đã thăm Việt Nam tuần trước và hứa sẽ tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Hà Nội. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, cũng vào tuần trước, Nga lần đầu tiên tổ chức cuộc hội đàm cấp cao bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng với Nhật Bản - quốc gia có mối quan hệ không thân thiện với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ.

Có thể nói mặc dù có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh cả về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác, song Matxcơva đang cải thiện quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc vì lý do an ninh. 

Theo Thư tín Địa cầu

Thùy Anh (gt)