Mặc dù vậy, Tổng thống Medvedev, người đã có chuyến thăm lịch sử tới đảo Kunashiri, một trong 4 hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản, vào đầu tháng 11/2010, nhấn mạnh việc hợp tác với Nhật Bản trên 4 hòn đảo trên sẽ không đồng nghĩa với việc Mátxcơva sẵn sàng trao trả bất cứ hòn đảo nào trong số các hòn đảo này. Đây cũng sẽ là sự thay đổi lớn so với quan điểm trước đây của Nga, đó là sẵn sàng trao trả đảo Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai cho Nhật Bản một khi hai nước nhất trí ký kết hiệp ước hòa bình, chấm dứt tình trạng chiến tranh.

 


Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này vẫn chưa nhận được bất cứ đề xuất cụ thể nào về việc hợp tác phát triển kinh tế trên 4 hòn đảo trên từ phía Nga.

 
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, Tổng thống Medvedev đã thúc giục chính quyền của Thủ tướng Kan xem xét lại lập trường của nước này đối với 4 hòn đảo đó. Khi được hỏi về chuyến thăm tới đảo Kunashiri, ông nói: “Mặc dù chưa có ai trước tôi từng tới thăm khu vực này nhưng Tổng thống có thể thăm hòn đảo trên. Cho dù xa nhưng hòn đảo này vẫn là lãnh thổ của chúng ta. Để tạo cơ hội cho những người sống ở đó, chúng tôi phải quyết định cải thiện cơ sở hạ tầng”.

 

Nga đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở quần đảo Kuril trong giai đoạn 2007-2015. Tổng thống Medvedev cũng nói bóng gió rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Nga cũng sẽ thăm các hòn đảo này. Các bài báo ở Sakhalin, nơi quản lý quần đảo Kuril, cho biết Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng chuẩn bị thăm các hòn đảo này để kiểm tra việc phân bổ ngân sách cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên. 

 

Tổng thống Medvedev cũng nói rằng Nga sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản. Ông nói: “Các dự án hợp tác kinh tế là cách duy nhất đưa Nhật Bản và Nga xích lại gần nhau hơn”. “Chúng tôi có thể nghĩ về một khu kinh tế thống nhất hoặc khu vực thương mại tự do. Người dân có thể làm kinh doanh ở đó. Người Nhật có thể tới thăm các di tích lịch sử là một phần đặc trưng của các hòn đảo này”. 

 

Sau khi Tổng thống Medvedev xuất hiện trên truyền hình, các phương tiện truyền thông Nga đã đánh giá cao tuyên bố không trao trả bất cứ hòn đảo nào cho Nhật Bản của ông. Điều này cho thấy Mátxcơva đã thay đổi chính sách về vấn đề này.

 

Một nguyên nhân khiến các cuộc thương lượng về vấn đề tranh chấp 4 hòn đảo giữa Nga và Nhật Bản không đạt được nhiều tiến bộ đó là sự khác biệt về quan điểm giữa các quan chức Nhật Bản. Một số người kêu gọi trước tiên, Nga phải trao trả đảo Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai, trong khi một số khác đòi Nga trao trả cả 4 hòn đảo này một lúc. Sự khác biệt về quan điểm này chính là nguyên nhân dẫn tới thất bại trên và các quan chức Nhật Bản phải thừa nhận rằng Mátxcơva đang thay đổi chính sách đối với vùng lãnh thổ này.

 

Các sự kiện khác gần đây đã khiến Chính phủ của Tổng thống Medvedev phải thay đổi quan điểm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Ông Taro Aso, khi còn giữ chức Thủ tướng, và ông Seiji Maehara, người đã từng giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách Vùng lãnh thổ phía Bắc, đều chỉ trích Nga đang “chiếm đóng bất hợp pháp” các hòn đảo trên. Bên cạnh đó, Quốc hội Nhật Bản cũng thông qua dự luật, trong đó tuyên bố Vùng lãnh thổ phía Bắc thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

 

Trong bối cảnh Nga đang thay đổi định hướng chính sách đối với các hòn đảo trên, câu hỏi hiện nay là liệu Nhật Bản có thể điều chỉnh chính sách đối với các hòn đảo này hay không.

 

Theo Asahi