"Con đường Tơ lụa" từ Trung Quốc sang châu Âu sẽ gặp không ít chông gai, nhất là trong bối cảnh Moskva cũng đang lo ngại sẽ mất dần ảnh hưởng tại khu vực Trung Á.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Ufa (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ để thảo luận các vấn đề trong tiến trình hội nhập kinh tế Á-Âu và cùng rút ra kết luận rằng SCO chính là diễn đàn thuận tiện nhất nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế giữa hai khu vực Á-Âu. Các nhà quan sát tại Bắc Kinh coi đó là quyết định mang tầm chiến lược hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Moskva phải đối mặt với một sự lựa chọn: chấp nhận hầu hết các dự án đều được "thai nghén" tại Trung Quốc, và điều đó đồng nghĩa với nguy cơ Nga sẽ mất dần ảnh hưởng đối với các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở khu vực châu Á.

Tại cuộc gặp trên, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thảo luận biện pháp làm thế nào để thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các vùng kinh tế dọc "Con đường tơ lụa" và trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC). Thực chất, đây là sự hình thành một không gian kinh tế thống nhất giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là một ý tưởng đầy tham vọng, mặc dù ý tưởng này đáp ứng các nhu cầu của cả hai nước trong thời điểm hiện nay. 

Trong khi các phương tiện truyền thông trên thế giới hiện đang tập trung chú ý tới Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, thì Điện Kremlin cho rằng Mỹ đang cố gắng cô lập nhóm này và SCO đã nổi lên như một giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai khu vực Á-Âu. Chuyển trọng tâm sang hướng Đông, củng cố quan hệ đối tác với Trung Quốc chính là câu trả lời hiệu quả nhất của Nga, nhằm đáp trả những mưu toan kể trên của Mỹ.

Trong các ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của hai tổ chức hợp tác kinh tế lớn ở Ufa, thì tại Moskva, Quỹ Carnegie đã tổ chức một cuộc hội thảo về tầm quan trọng của các cuộc gặp tại Ufa. Một thành viên của quỹ này, ông Alexander Gabuev, đã ví SCO giống như một "chìa khóa vạn năng", một công cụ quan trọng trong tay Moskva, nhằm tăng cường vị thế quốc tế của Nga.

Còn tại Bắc Kinh, các nhà chiến lược nước này đang xem xét mối liên kết và sự tương tác lẫn nhau giữa dự án "Con đường Tơ lụa" với EAEC cả về chiến lược quân sự lẫn kinh tế. Theo tờ "Thời báo Hoàn cầu", phụ trương của tờ "Nhân dân nhật báo", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu Mỹ cố ngăn chặn dòng chảy dầu mỏ sang Trung Quốc bằng đường biển, thì "Con đường Tơ lụa" qua Trung Á và Nga sẽ vẫn rộng mở, và điều này là rất quan trọng đối với Bắc Kinh.

Dự án này cũng hết sức quan trọng đối với Trung Quốc nếu chỉ xét trên khía cạnh kinh tế. "Một vành đai, một con đường" về bản chất là một dự án mang tính khu vực. Nó góp phần kết nối, bao trùm và liên quan tới 60% dân số thế giới, nơi góp phần sản xuất ra tới 29% GDP toàn cầu. Dự án này lên kế hoạch kết nối các con đường, hệ thống thương mại và người dân các khu vực sinh sống trải dài từ Á sang Âu, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Một phần của tuyến đường bộ của dự án đi qua Trung Á, Nga, Belarus đến Ba Lan. Trung Quốc đã không ngần ngại trong nỗ lực khẳng định khả năng của mình tại các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây. Và Nga thật khó để có thể chống lại một đối tác mạnh mẽ như Trung Quốc. Theo đánh giá của Phó Viện trưởng Viện Kinh tế (thuộc Viện Hàn lâm, Nga), bà Svetlana Glinkina, Nga phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều gấp 4,5 lần. Nền kinh tế Nga không được đa dạng hóa. Điều này được phản ánh rất rõ trong cấu trúc của kim ngạch thương mại. Trong năm 2014, gần 70% kim ngạch xuất khẩu của Nga là nguyên, nhiên liệu khoáng sản. Trong khi đó, 62% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc là máy móc, thiết bị và sản phẩm hoàn chỉnh. Có thể thấy dường như Nga đang dần lệ thuộc vào Trung Quốc.

Moskva cần phải cảnh giác với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh. Trung Quốc đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp chính các loại hàng hóa cũng như nguồn đầu tư ở Trung Á. Đây là nhận xét của tờ "Financial Times". Một quan chức Nga, khi trả lời tờ báo này, đã thừa nhận rằng các lợi ích của Nga và Trung Quốc không phải bao giờ cũng trùng hợp. Vấn đề đáng nói là Moskva không thể đứng ngoài dự án này.

Theo Báo Độc lập (Nga)

Thúy Bình (gt)