Theo nhà nghiên cứu Vương Lệ Cửu, những động thái cũng như biểu hiện của Nga sau trận động đất dữ dội vừa qua tại Nhật Bản đã khiến dư luận rất quan tâm và chú ý. Nga là quốc gia đầu tiên viện trợ điện, nhiên liệu và cử chuyên gia cứu trợ đến giúp Tôkiô khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù rất lạnh lùng và cứng rắn với Nhật Bản trong vấn đề Quần đảo Kuril, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đích thân đến Đại sứ quán Nhật Bản để động viên, chia sẻ. Có ý kiến cho rằng những phản ứng nhanh chóng kể trên của Mátxcơva có tác dụng và ý nghĩa rất lớn đối với việc tái thiết lập quan hệ giữa Nga và Nhật Bản. Điều này còn cho thấy không chỉ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới có chiến lược “ngoại giao thông minh”, mà cả Nga cũng tỏ ra “không hề kém cạnh” trong lĩnh vực này. Nếu điểm lại những gì đã diễn ra trong lịch sử, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy khả năng ứng phó, lúc cương lúc nhu trong chiến lược ngoại giao của Nga không phải là ngẫu nhiên. Điều này thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể sau:

Chuyển hóa nguy cơ thành cơ hội không phải là chuyện hiếm gặp trong lịch sử ngoại giao của nước Nga. Tháng 4/2010, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng đoàn tùy tùng trên đường đi công tác đã gặp nạn tại miền Tây nước Nga. Sự kiện này làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa Nga và Ba Lan, tuy nhiên Mátxcơva đã thành công khi biến vụ việc này thành cơ hội tốt để cải thiện quan hệ giữa hai nước. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Nga đã dốc toàn bộ lực lượng phối hợp với Ba Lan điều tra nguyên nhân, giúp đỡ và động viên thân nhân những người bị nạn. Đặc biệt hơn, trong khi Tổng thống Pháp, Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo các nước hủy bỏ chương trình đến dự tang lễ ông Kaczynski do khói bụi núi lửa ở Aixơlen, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn bất chấp tất cả để có mặt tại Vácsava. Hành động này không chỉ khiến người dân Ba Lan xúc động mà còn có tác dụng làm “tan băng” trong quan hệ hai nước.

Nga thường đầu tư ít nhưng thu lợi lớn. Cách đây không lâu, quan hệ giữa Mátxcơva và Kiép “nóng” lên bởi chuyện Hạm đội Hắc Hải của Nga phải kết thúc hợp đồng đặt căn cứ quân sự tại Ucraina. Tháng 2/2010, Nga đã lợi dụng tình hình để tích cực ủng hộ ông Victor Yanukovich trong cuộc chạy đua trở thành tổng thống Ucraina. Tiếp đó, trong lúc Kiép đang rất khó khăn, Mátxcơva đã hào hiệp giúp đỡ giải quyết vấn đề năng lượng và khí đốt… Đổi lại, thời hạn hợp đồng đặt căn cứ quân sự tại Ucraina của Hạm đội Hắc Hải đã được kéo dài thêm 25 năm. Điều này không những giúp Nga tiết kiệm được một khoản lớn kinh phí cho việc xây dựng căn cứ quân sự mới, mà còn ngăn chặn được ý đồ gia nhập NATO của Ucraina, đảm bảo an ninh tại khu vực phía Nam.

Khả năng nắm bắt thời cơ của người Nga rất tốt. Ngày 11/6/1999, quân đội của Anh và Pháp đã tập trung sẵn sàng ở khu vực biên giới của Maxêđônia để đợi quân Mỹ đến cùng tiến vào Kosovo sau cuộc không kích kéo dài 79 ngày của NATO. Thật bất ngờ, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đóng ở Bôxnia và Hécxêgôvina lúc 4h sáng ngày hôm sau đã cử 200 quân nhảy dù xuống chiếm sân bay ở thủ phủ của Kosovo. Việc làm này khiến Nga tuy không phải “lao tâm khổ tứ” không kích Kosovo như NATO, nhưng vẫn được giành được quyền lợi bình đẳng như các nước Anh, Pháp và Mỹ trong việc duy trì hòa bình.

Năm ngoái, Tổng thống Nga Medvedev nhân cơ hội Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư đã bất ngờ đến thăm và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Kuril. Mặc dù không thừa nhận đã tính toán sẵn, nhưng hành động này của Nga khiến dư luận thế giới cho rằng Mátxcơva đã dùng phương thức đặc biệt để ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc tranh giành với Tôkiô. Nói cách khác, đó cũng chính là kế “vây Ngụy cứu Triệu” trong binh pháp cổ đại của Trung Quốc.

Mátxcơva thường thể hiện phong cách cứng rắn trên vũ đài quốc tế. Phong cách này của Nga khi kết hợp với chính sách ngoại giao đã tạo thành một thứ vũ khí khiến đối thủ không thể đối phó hoặc ngăn chặn. Trên thế giới, có lẽ không thể có một nước Nga thứ hai khi dùng phương pháp đề nghị gia nhập NATO để thể hiện sự bất mãn với tổ chức này.

Học giả Vương Lệ Cửu kết luận chiến lược “ngoại giao thông minh” của Nga, cũng giống như Mỹ, lúc nào cũng có thế lực quân sự và chính trị đứng đằng sau để hậu thuẫn.

Theo Thời báo Hoàn cầu