Một bằng chứng là trong thời gian vận động tranh cử, ông Putin luôn có những bài phát biểu chống Mỹ, từ vấn đề Xyri, Iran tới kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Với tình hình này, 6 năm tới, thậm chí 12 năm tới, nước Mỹ sẽ phải quan hệ với một chính phủ Nga cứng rắn hơn. Bà Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings có trụ sở tại Oasinhtơn, cho rằng lần này ông Putin trở lại Điện Cremli trong thế phòng thủ hơn lần trước vì trước mắt ông là một nước Nga với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết. Điều này có nghĩa là ông Putin sẽ phải theo đuổi những chính sách cứng rắn hơn. Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu ông Putin trở lại Điện Cremli lần hai, 6 hoặc 12 năm nữa, với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga sẽ trở thành một trở ngại lớn cho Mỹ. Nước Nga, dưới sự lãnh đạo sắp tới của ông Putin, cũng sẽ tiếp tục chống các nỗ lực của Mỹ muốn thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu. Tiến trình cài đặt lại quan hệ Mỹ-Nga trên thực tế đã bắt đầu xấu đi trong những tháng qua. Tháng 12/2011, ông Putin đã cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kích động và cổ xúy cho các cuộc biểu tình gây rối tại Nga. Trước đó, bà Hillary chỉ trích cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga là không "bình đẳng và không tự do". Do đoán trước những khó khăn trong quan hệ với Nga khi ông Putin tái cử tổng thống, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney khẳng định: "Chúng tôi có mối quan hệ rất quan trọng với Nga và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ quan trọng này". 

Trong khi đó, theo truyền hình CNBC, ông Putin được dự báo sẽ đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thêm 6 năm nữa. Và theo các chuyên gia phân tích, lần này lên cầm quyền, nhà lãnh đạo-cựu quan chức KGB này gần như chắc chắn không thể duy trì hiện trạng của một chế độ mà nhiều người Nga cho là tham nhũng từ gốc tới ngọn. Ông Putin cũng sẽ phải đối mặt với một lực lượng đối lập ngày càng hoạt động mạnh mẽ cho dù vẫn chưa có tổ chức thống nhất. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra trước khi cử tri Nga bỏ phiếu là ông Putin sẽ thay đổi nước Nga như thế nào và người Nga sẽ phải chờ đợi những cải cách đó trong bao lâu nữa. Một biểu hiện của chiều hướng ông Putin sẽ thay đổi cách trị vì nước Nga đó là việc trước khi bước vào bầu cử, ông Putin có vẻ đã nới lỏng quyền kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng, cho phép các phóng viên đưa tin về phe chống đối ông trên kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát. Tuy nhiên, với phương Tây, ông Putin dường như muốn thể hiện sự cứng rắn hơn. Tuần trước, trong bài phát biểu trước 130.000 người ủng hộ tại sân vận động Luzhniki ở Mátxcơva, ông Putin tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ ai can thiệp vào vấn đề nội bộ của Nga hoặc áp đặt ý muốn của họ lên người Nga vì người Nga có ý muốn riêng của họ. Ông thậm chí còn cáo buộc tân Đại sứ Mỹ tại Mátxcơva Michael McFaul là người đứng phía sau "xúi bẩy" các cuộc biểu tình trên các đường phố Mátxcơva. Tuy nhiên, bài báo dẫn ý kiến của các chuyên gia phân tích cho rằng các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua tại Mátxcơva là có thật và nó là dấu hiệu cho thấy một bộ phận gồm những người giàu có ở Nga đang đòi hỏi các quyền chính trị lớn hơn.

Nó cũng là dấu hiệu của một tình trạng thất vọng trong giới thượng lưu có học, những người cảm thấy bị phản bội khi vào tháng 9/2011, ông Putin tuyên bố ông không chỉ quyết định chuyển vị trí thủ tướng cho ông Dmitry Medvedev để ra tranh cử tổng thống, mà trên thực tế quyết định này đã đạt được cách đây 4 năm và được giữ bí mật. Làn sóng biểu tình càng bùng nổ mạnh hơn từ tháng 12/2011 khi có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội. Bất luận sự chống đối và tâm trạng thất vọng trên, ông Putin chắc chắn sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 4/3 vì hai lý do: Thứ nhất, không có bất kỳ đối thủ rõ ràng nào đủ uy tín để có thể đánh bại ông Putin. Thứ hai, cuộc sống của người dân Nga ít nhiều cũng đã được cải thiện và cử tri Nga ca ngợi ông Putin về sự ổn định chính trị mà ông đã xây dựng nó từ một tình trạng rất rối loạn sau khi Liên Xô sụp đổ. Kinh tế Nga trong năm qua tăng trưởng 4,3%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đã giảm xuống mức thấp nhất (6,3%), trong khi lạm phát chỉ ở mức 4,2% - mức thấp nhất trong lịch sử nước Nga. Andrei Kolesnikov, phóng viên chuyên đưa tin về Putin của báo "Kommersant", cho rằng sứ mệnh mới lớn nhất của ông Putin khi trở lại Điện Cremli có lẽ là tìm một người đáng tin cậy để chuyển giao quyền lực khi ông hết nhiệm kỳ, giống như những gì Boris Yelsin đã làm với Vladirmir Putin cách đây 12 năm.

Nhật Linh (gt)