Từ khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua Khái niệm Chiến lược đầu tiên của họ cho thế kỷ 21 vào tháng 11/2010 tại Bồ Đào Nha, và trong tiến trình chính thức hóa khối này thành một lực lượng can thiệp quân sự toàn cầu, người ta đang thảo luận về quan hệ đối tác tập thể của NATO với Liên minh châu Phi (AU) gồm 54 thành viên, một "NATO thu nhỏ" tại Vịnh Pécxích, một NATO thu nhỏ khác tại Bắc Băng Dương và Biển Bantích, chuyển đổi Địa Trung Hải thành một biển của NATO và tiến trình "NATO hóa" Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên. Trong nhiều năm qua, NATO, liên minh quân sự do Mỹ chi phối, luôn chủ trương trở thành một NATO toàn cầu, với việc từ năm 1999 đến nay đã mở rộng từ 16 lên 28 thành viên đầy đủ và có hơn 40 đối tác tại 4 lục địa bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương theo các chương trình như "Quan hệ đối tác vì hòa bình" tại châu Âu và châu Á, "Đối thoại Địa Trung Hải" tại châu Phi và Trung Đông, "Sáng kiến hợp tác Ixtanbun" tại Vịnh Pécxích, thể thức "Quốc gia Tiếp xúc" tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Ôxtrâylia, Nhật Bản, Niu Dilân và Hàn Quốc); "Chương trình quốc gia hàng năm" với Grudia và Ucraina, "Ủy ban ba bên Ápganixtan-Pakixtan-Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế", "Hội đồng NATO-Nga", "Sứ mạng huấn luyện của NATO tại Irắc và Ápganixtan (trong tương lai có thể cả Libi), một thỏa thuận song phương với chính phủ liên bang chuyển tiếp tại Xômali. 

Các quan hệ đối tác chính thức với AU và ASEAN sẽ mang lại cho NATO, khối quân sự duy nhất của thế giới, thêm 50 đồng minh mới tại châu Phi và 10 đồng minh tại Đông Nam Á. Ngoài ra, hồi tháng 9 vừa qua, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Ivo Daalder đã nói với các phóng viên Ấn Độ thăm tổng hành dinh NATO tại Brúcxen rằng "điều quan trọng là phải đối thoại với Ấn Độ bởi vì thông qua đối thoại, thông qua việc thấu hiểu những nhận thức của nhau, NATO và Ấn Độ có thể tăng cường các mối quan hệ". Ông Daalder còn thẳng thừng đề xuất rằng Ấn Độ, thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết gồm 120 quốc gia, nên từ bỏ chính sách trung lập của mình, cộng tác với Mỹ và NATO trong việc phát triển một hệ thống tên lửa đánh chặn quốc tế. Nếu các cấu trúc của một NATO quốc tế thực hiện được đầy đủ các tham vọng của chúng, hơn 140/194 quốc gia trên thế giới sẽ trở thành thành viên hoặc đối tác của NATO. Binh lính, trang thiết bị quân sự, các căn cứ không quân, hải quân và các căn cứ khác sẽ cho phép NATO hành động ở gần như mọi nơi trên thế giới, như việc các máy bay chiến đấu của Ixraen gần đây đã tham gia huấn luyện tại Rumani, Hy Lạp và một căn cứ không quân của NATO tại Sardinia để chuẩn bị tấn công Iran. 

Với việc toàn bộ các nước và các quốc đảo tại châu Âu, trừ Síp, hiện đều là thành viên hoặc đối tác của NATO, và việc NATO đã vững chân tại châu Phi, Trung Đông và Đại Tây Dương, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang tập trung "hỏa lực" vào Đông Á. Cuộc chiến tại Ápganixtan đã bước sang năm thứ 11 và đang cung cấp cho NATO cơ hội liên kết với quân đội của hơn 15 nước châu Á-Thái Bình Dương (kể cả các nước Trung Đông và Nam Cápcadơ) thông qua việc cung cấp quân và nhân sự khác cho Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF). NATO hiện có 50 quốc gia đóng góp quân cho sứ mạng Ápganixtan. Đông Nam Á có dân số khoảng 600 triệu người, bằng 2/3 số dân của Tây bán cầu và khoảng 3/4 dân số châu Âu. Đông Nam Á có một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới là Eo biển Malắcca. Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) của Liên Hiệp Quốc, hàng năm có ít nhất 50.000 tàu thuyền qua lại Eo biển này, vận chuyển tới 30% hàng hóa được buôn bán trên thế giới, trong đó có dầu mỏ từ Vịnh Pécxích sang các nước Đông Á lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàng ngày có tới 20 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Malắcca và sẽ ngày càng tăng trong Thế kỷ châu Á. 

Từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã mở rộng NATO khắp châu Âu và nỗ lực thành lập một NATO châu Á trên cơ sở phục hồi và mở rộng các liên minh quân sự khác thời Chiến tranh Lạnh dựa trên NATO như Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO), Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và Hiệp ước an ninh Mỹ, Ôxtrâylia và Niu Dilân (ANZUS). Nhưng tổ chức mà NATO hiện đang xây dựng hiện nay lớn hơn toàn bộ 3 tổ chức cũ kia cộng lại và hơn nữa không bổ sung, mà thông đồng với NATO. Cuộc chiến Ápganixtan đang phục vụ cho mục đích thống nhất Đông và Tây dưới sự kiểm soát của Mỹ và NATO. Trong những tháng gần đây, chủ đề quan hệ đối tác quân sự NATO-ASEAN đang ngày càng được chú ý. Hồi tháng 8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đã nói: "Một trong những thách thức quan trọng nhất đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là thực hiện sự chuyển tiếp từ những thách thức trước mắt và vụn vặt tại Trung Đông sang những vấn đề lâu dài và có hậu quả sâu sắc ở châu Á. Chúng ta đang được chứng kiến sự quyết đoán rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, được thể hiện ở Biển Đông và các khu vực khác. Mỹ đang nỗ lực toàn diện để thúc giục Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại châu Á, tăng cường các quan hệ với ASEAN, với tư cách cả nhóm, cũng như với các thành viên chủ chốt của ASEAN như Inđônêxia, Việt Nam, Xinhgapo và Philíppin". 

Phát biểu của ông Campbell tương tự với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và các quan chức khác của Lầu Năm Góc, xác nhận rằng cùng với việc rút quân khỏi Irắc và giảm quân tại Ápganixtan, Lầu Năm Góc đang tập trung vào Đông Á. NATO đang đóng vai trò lớn hơn tại Trung Đông và châu Phi để giải phóng cho quân đội Mỹ chuyển sang phía Đông. Về quan hệ đối tác tương lai ASEAN-NATO, ông Evan A. Laksmana, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Giacácta đánh giá "Đối với NATO, ASEAN sẽ trở nên ngày càng quan trọng vì tương lai ổn định và trật tự tại châu Á và sẽ là ứng cử viên lý tưởng cho một đối tác tiềm tàng để giải quyết những thách thức an ninh chung toàn cầu và khu vực, nhất là khi ASEAN đang tăng cường việc xây dựng cộng đồng khu vực. Giá trị địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế của ASEAN cũng cho thấy rằng những sứ mạng tương lai của NATO nằm ngoài khu vực hoạt động truyền thống của họ có thể ngày càng phụ thuộc vào ASEAN. Bất kỳ quan hệ đối tác ASEAN-NATO tương lai nào cũng nên tập trung vào ít nhất 5 lĩnh vực chính sách lớn: gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, an ninh hàng hải, cải cách quốc phòng và chống khủng bố, trên 4 cấp độ hợp tác: chiến lược, thể chế, giao lưu và giữa người dân. NATO có thể can dự với ASEAN trong việc thảo luận và đối thoại về 5 vấn đề an ninh trên theo 2 kênh. Thứ nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (Ôxtrâylia, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Niu Dilân), cũng như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Thứ hai là Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược ASEAN, mạng lưới gồm 9 tổ chức nghiên cứu và tư vấn lớn tại Đông Nam Á và Hội đồng vì hợp tác an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP), một mạng lưới gồm gần như tất cả các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chủ chốt tại châu Á-Thái Bình Dương. 

Tiến sĩ Jassim Taqui, một chuyên gia quân sự Pakixtan cũng đưa ra những cảnh báo: "Do đã thất bại tại Irắc và Ápganixtan, NATO đang quyết định chuyển hướng sang Đông Nam Á và muốn thiết lập một quan hệ đối tác với ASEAN. Mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tác động đến ASEAN từ năm 1997, nhưng giờ đây Oasinhtơn đang kết hợp với Ấn Độ để chi phối khu vực này trong nỗ lực vô hiệu hóa sự hợp tác ngày càng tăng giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục Niu Đêli mở rộng tầm ảnh hưởng truyền thống của nước này từ Nam Á sang Trung Á và Đông Nam Á để kiềm chế sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Sự lỡ lời của bà Clinton cho thấy một chiến lược nhằm bao vây Trung Quốc tại sân sau Đông Nam Á và vành đai Thái Bình Dương ở một phía, và tăng cường can dự tại Trung Á, sườn phía Tây của Trung Quốc, ở phía kia. Chính quyền Obama dường như cũng sớm tổ chức một đối thoại ba bên với Ấn Độ và Nhật Bản để chống lại Trung Quốc. 

Hồi đầu năm nay, ông Geoff Morrell, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói với các nhà báo: "Mỹ đang có 28.500 quân tại bán đảo Triều Tiên và 50.000 quân tại Nhật Bản. Về chiến lược triển khai lâu dài các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện dọc vành đai Thái Bình Dương, nhất là ở Đông Nam Á". Còn một người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng "việc ASEAN theo đuổi chiến lược cộng tác quốc phòng khu vực có thể giúp thúc đẩy các lợi ích quốc gia của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, vì nó báo hiệu mở đầu một bộ tiêu chuẩn mới, giống với tiêu chuẩn của NATO, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp tác chiến giữa các quân đội NATO và ASEAN. Điều này cũng cho phép các nhà tham mưu tại Lầu Năm Góc coi quân đội các nước ASEAN là một lực lượng dự trữ tiềm tàng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với những kẻ thù tiềm tàng, kể cả Trung Quốc". Hiện nay, rõ ràng là Lầu Năm Góc và NATO đang tập trung vào việc liên kết các quân đội ASEAN vào một chiến dịch không gì lay chuyển được của họ nhằm kiềm chế và đối đầu với Trung Quốc, ngăn cản sự nổi lên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) như một lựa chọn thay thế phi quân sự so với NATO tại khu vực Âu-Á. 

  Theo Globalresearch

 Viết Tuấn (gt)