Về mặt lý thuyết, mối quan hệ ba bên Nhật Bản-Mỹ-Ôxtrâylia có vẻ rất quan trọng. Ba nền dân chủ lớn và ba nền kinh tế tiên tiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng có rất nhiều giá trị và lợi ích chung. Vì vậy, tiềm năng cho sự hợp tác ba bên trên mọi lĩnh vực, từ cứu trợ thiên tai trong khu vực tới chống khủng bố, đã kích thích các nhà hoạch định chính sách ở Tôkyô, Oasinhtơn và Canbơrơ. Tiềm năng này nằm trong thỏa thuận năm 2007 giữa Ôxtrâylia và Nhật Bản nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng và hàng loạt các cuộc đối thoại chính thức kể từ năm 2005 về các vấn đề khu vực. Tuy nhiên, bốn năm sau đó, có vẻ như các tiềm năng trong mối quan hệ này vẫn chưa được cụ thể hóa do thiếu tầm nhìn chính trị thống nhất và các quan ngại về khả năng gây ra sự thù địch với Trung Quốc, và ở một mức độ thấp hơn là cho Inđônêxia và các nước Đông Nam Á khác. 

Các bức điện tín ngoại giao của các đại sứ quán Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ hồi cuối tháng 8 cho thấy trong các cuộc gặp ba bên, các nhà thương thuyết Mỹ đã nản chí bởi sự thiếu cam kết của Nhật Bản trong các đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hợp tác ba bên và mô tả cách tiếp cận của Nhật Bản là “thận trọng và lưỡng lự”. Tồi tệ hơn, như các chuyên gia chính sách của Ôxtrâylia và Nhật Bản đã chỉ ra tại hội thảo gần đây ở Đại học Griffith của bang Brisbane rằng có tâm lý thờ ơ ở Ôxtrâylia về việc tăng cường quan hệ với Tôkyô. Ngoại trừ vấn đề đánh bắt cá voi và Ôxtrâylia đã kiện Nhật Bản lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), có một tâm lý chung ở Canbơrơ cũng như trong công chúng Ôxtrâylia đó là quan hệ giữa nước này với Nhật Bản hầu như không có vấn đề gì. 

Xác định mức độ mà vấn đề đánh bắt cá voi đang cản trở không chỉ quan hệ hợp tác giữa Ôxtrâylia và Nhật Bản mà còn quan hệ hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Ôxtrâylia và Mỹ không khác gì so với trò chơi ước đoán. Chính phủ Ôxtrâylia luôn khẳng định vấn đề này không có ảnh hưởng gì tới quan hệ ba bên. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là quan hệ hợp tác tương lai do tâm lý của hai nước đối với vấn đề săn bắt cá voi. Chuyên gia Julia Jabour của Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực của Đại học Tasmania nhấn mạnh vấn đề này có thể kết thúc theo cách mà cả hai nước đều là người thua cuộc. Nếu ICJ ra phán quyết có lợi cho Ôxtrâylia, Nhật Bản có thể sẽ rút khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC) và tiếp tục đánh bắt cá voi mà không tuân theo các quy định của IWC. Còn nếu ICJ ra phán quyết có lợi cho Nhật Bản, phán quyết này có thể làm gia tăng phong trào chống săn bắt cá voi ở Ôxtrâylia và ít nhất là sẽ tạo ra các vấn đề đau đầu cho các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách ở hai nước trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này. Mặc dù vậy, thất bại này có thể sẽ cho phép các chính trị gia Ôxtrâylia nói với người dân rằng họ đã làm tất cả những gì có thể. 

Tuy nhiên, nếu ICJ đưa ra phán quyết (dự kiến vào năm tới) giữ thể diện cho cả Tôkyô và Canbơrơ, vẫn còn các trở ngại nghiêm trọng trong việc đưa mối quan hệ ba bên Nhật Bản-Mỹ-Ôxtrâylia trở lại quỹ đạo. Thách thức quan trọng nhất phải giải quyết đó là quân đội Mỹ sẽ giữ vai trò gì ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới. Những người tham gia hội thảo ở Brisbane đã bày tỏ quan ngại rằng trong bối cảnh tình hình chính trị và tài chính hiện nay ở Mỹ, vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận mở rộng quan hệ đồng minh giữa ba nước này sẽ được thực hiện hay không. Quốc hội Mỹ, nhất là Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, không muốn tài trợ thêm cho các dự án của quân đội Mỹ ở châu Á. Trong khi đó, áp lực chính trị và công chúng ở Oasinhtơn về vấn đề tái bố trí các binh sĩ Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gia tăng, nhất là khi Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử trong năm 2012. 

Ý tưởng các binh sĩ Mỹ sẽ rời Đông Á đã gây ra lo ngại cho cả Tôkyô và Canbơrơ bởi vì họ lo sợ rằng Trung Quốc sẽ khai thác triệt để các động thái rút một phần quân của Mỹ. Vì vậy, Nhật Bản đang tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ và Ôxtrâylia cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đảm bảo rằng điều này sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, Nhật Bản và Ôxtrâylia có quan điểm khác nhau về Trung Quốc. Sách Trắng gần đây của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mô tả quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng là “quyết đoán” và “hống hách”, trong khi Báo cáo Tình hình Quốc phòng Ôxtrâylia không đề cập tới Trung Quốc một cách rõ ràng như vậy. Báo cáo của Ôxtrâylia chỉ đề cập tới tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương. 

Cho dù có vấn đề săn bắt cá voi, việc Quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách của Nhà Trắng và sự khác biệt về việc làm thế nào để đối phó tốt nhất với Trung Quốc, Nhật Bản và Ôxtrâylia vẫn có thể hợp tác trong một lĩnh vực không liên quan tới quan hệ đồng minh ba bên và sự hợp tác này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước trong những tháng tới và năm tới. Đó là lĩnh vực năng lượng. Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong quan hệ Nhật Bản-Ôxtrâylia luôn là vấn đề cung cấp than, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và urani. Các số liệu của phía Ôxtrâylia cho thấy năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Ôxtrâylia sang Nhật Bản lên tới 43,5 tỷ AUD. Than đá vẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, với kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản lên tới 14,8 tỷ AUD. Ôxtrâylia hiện là nhà cung cấp than đá lớn nhất cho Nhật Bản. Phần lớn than đá nhập khẩu từ Ôxtrâylia (82%) đang được sử dụng để luyện thép. Phần còn lại được sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện chạy than. 

Tuy nhiên, quan hệ Nhật Bản-Ôxtrâylia có thể hưởng lợi nhiều nhất từ LNG, một nguồn năng lượng rẻ và tương đối sạch. Ôxtrâylia là nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của Nhật Bản, sau Inđônêxia và Malaixia. Các công ty khí đốt Tôkyô và Osaka cũng như các công ty điện lực Kyushu , Chubu và Tohoku là những khách hàng sử dụng LNG nhiều nhất của Ôxtrâylia. Vào đầu tháng 9, Nhật Bản đã đề nghị Ôxtrâylia hỗ trợ mua than đá và các nguồn tài nguyên khác để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho phát điện. Bộ trưởng Tài nguyên, Năng lượng và Du lịch Ôxtrâylia Martin Ferguson đã hứa hỗ trợ Nhật Bản. Trong bối cảnh Inđônêxia và Malaixia đang xuất khẩu ngày càng nhiều LNG sang Trung Quốc và tăng cường sử dụng LNG để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ôxtrâylia là một điểm đến tự nhiên của Nhật Bản để tăng cường nhập khẩu LNG. Không chỉ có LNG, quan hệ hợp tác hạt nhân giữa hai nước cũng rất chặt chẽ. Ôxtrâylia là nhà cung cấp urani lớn nhất của Nhật Bản và hiện chiếm 1/3 trong tổng kim ngạch nhập khẩu urani của nước này. Các nước cung cấp urani khác cho Nhật Bản gồm Canađa (chiếm 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu), Namibia (chiếm 16%), Nigiêria (chiếm 13%) và Mỹ (chiếm 7%). 

Nói tóm lại, nhân tố chủ chốt trong quan hệ tay ba giữa Nhật Bản, Mỹ và Ôxtrâylia, hiện đang biến động không có định hướng chính trị rõ ràng kể từ sau những ngày tháng đầy lạc quan của năm 2007, có thể chủ yếu nằm ở việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Ôxtrâylia và Nhật Bản, và việc đảm bảo an toàn và an ninh trong việc chuyển các nguồn năng lượng này tới Nhật Bản. Thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 và việc Nhật Bản tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng điện hạt nhân có thể sẽ là các vấn đề buộc Tôkyô, Oasinhtơn và Canbơrơ coi việc tăng cường quan hệ ba bên chặt chẽ là ưu tiên chính trị hàng đầu./.

  Theo Japantimes

 Hương Trà (gt)