Ông Bhatia nhấn mạnh trong vòng 12 tháng qua đã diễn ra tới bốn chuyến thăm qua lại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước gồm: chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ; chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Tổng thống Pranab Mukerjee tới Việt Nam; và mới nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ. Chỉ riêng trong hai chuyến thăm mới đây nhất (của Tổng thống Mukherjee và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), hai bên đã ký tổng cộng 14 thỏa thuận. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được mời thăm Việt Nam và khả năng chuyến thăm sẽ diễn ra trong năm tới. 

Năm 2015, Việt Nam sẽ là điều phối viên Đối thoại Ấn Độ-ASEAN. Điều này chứng tỏ một cách rõ ràng rằng quan hệ Ấn Độ-Việt Nam là một câu chuyện lớn hơn so với những gì báo chí đề cập tới. Nhân tố Trung Quốc có liên quan nhưng không phải là yếu tố quan trọng duy nhất đằng sau sự phát triển đáng kể về quan hệ hợp tác Ấn-Việt. Tuyên bố chung mới nhất đã nêu bật cam kết của hai chính phủ là sẽ “phát triển toàn diện Đối tác chiến lược” (Strategic Partnership - SP). Điều này có nghĩa là quan hệ Ấn-Việt sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực quan trọng trong hoạt động song phương; rằng quan hệ song phương đã đạt được đà tăng mạnh mẽ; và rằng những mối quan hệ này có tầm quan trọng để theo đuổi lợi ích quốc gia của mỗi nước. 

Có 5 “trụ cột” của SP. "Trụ cột thứ nhất" là hợp tác chính trị - thể hiện quan điểm chung của hai nước về các vấn đề thế giới, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Xây dựng quan hệ gần gũi với ASEAN vẫn là ưu tiên trọng tâm của Ấn Độ và Việt Nam là một trong những thành viên quan trọng của ASEAN xét từ khía cạnh chính trị. 

“Trụ cột thứ hai” là hợp tác kinh tế, bao gồm nhiều lĩnh vực. Theo một quan chức cấp cao của Ấn Độ, đây là “xương sống của tất cả quan hệ hợp tác”. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh và đã vượt mốc 7 tỷ USD sớm hơn mục tiêu đề ra; mục tiêu mới nâng kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD có vẻ thực tế. Đầu tư của các công ty Ấn Độ tại Việt Nam đã tăng cơ bản, trong đó tập đoàn Tata Power giành được hợp đồng với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD và ngân hàng Ấn Độ (BoI) bắt đầu triển khai mở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai nước cũng sẽ mở đường bay trực tiếp, theo đó, Jet Airways bắt đầu khai thác đường bay từ thành phố Mumbai và Delhi tới thành phố Hồ Chí Minh vào tuần tới. 

Hợp tác năng lượng là “trụ cột thứ ba”. Việc Tập đoàn dầu khí ONGC-Videsh (OVL) của Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Ấn Độ hợp tác về dầu khí với Việt Nam từ năm 1988. Ngoài 3 lô dầu ngoài khơi mà OVL tham gia thăm dò, Việt nam mới đây đã mời Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô mới và OVL đã quyết định khảo sát 2 lô. 

“Trụ cột an ninh và quốc phòng” cũng phát triển mạnh mẽ, bao gồm đối thoại chiến lược, trao đổi các chuyến thăm, đào tạo nhân viên quốc phòng, trao đổi các chuyến thăm của hải quân. Trong đó, có hai điểm thu hút sự chú ý: Thứ nhất, lần đầu tiên Ấn Độ cấp tín dụng cho Việt Nam mua tàu tuần tra của Ấn Độ. Điều này thể hiện sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng; thứ hai, Việt Nam đề nghị Ấn Độ cung cấp tên lửa siêu thanh BrahMos, song hiện chưa có quyết định về vấn đề này. 

“Trụ cột cuối cùng” gồm sự hợp tác trong các lĩnh vực khác, bao gồm phát triển văn hóa, du lịch. Các mối liên hệ xã hội dân sự cũng đang phát triển vững chắc, mặc dù mới ở mức khiêm tốn. Quan hệ Ấn-Việt phát triển mạnh do nhiều yếu tố. Ở một chừng mực nào đó, thái độ quyết đoán của Trung Quốc có thể làm tăng tiến trình hợp tác Ấn-Việt. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác song phương là vì lợi ích của cả hai bên. Xu hướng phát triển tích cực trong quan hệ Ấn-Việt là xuất phát từ nguyện vọng chung của Ấn Độ và Việt Nam nhằm tạo nên một khu vực Đông Nam Á hòa bình và cân bằng. Quan hệ Ấn-Việt đang trên đường thẳng tiến và hai bên cần phải cùng nỗ lực để giữ đà tăng trưởng tích cực này. 

Vũ Hiền (gt)