08902358558c39b12f059f9130a3e2bb.jpg

1. Tổn thất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh sự ốm yếu của nền kinh tế

Sự sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Thượng Hải hồi đầu năm nay có liên quan đến một báo cáo cho rằng ngành sản xuất của Trung Quốc đang co hẹp, cộng thêm những quan ngại lớn hơn về sức khỏe tổng thể nền kinh tế. Nhưng trên thực tế, các thị trường chứng khoán trong nước không tác động quá lớn đến nền kinh tế thứ 2 thế giới này, cho dù tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại. Tổng giá trị giao dịch trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1/3 GDP cả nước (thấp hơn nhiều so với mức 100% ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ). Hầu hết các cổ phiếu niêm yết chỉ là của các doanh nghiệp sản xuất và xây dựng. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ, thu nhập hộ gia đình và tiêu dùng mới là những ngành nắm tỷ trọng lớn trong tổng GDP và đều đang hoạt động khá tốt. Mặc dù thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rớt gần 40% giá trị so với lúc đỉnh điểm tháng 6/2015, nhưng cần lưu ý rằng mốc đỉnh điểm đạt được tại thời điểm đó là kết quả của nửa năm hoạt động (6 tháng đầu năm 2015) và sự hỗ trợ của chính phủ cho thị trường chứng khoán. Các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại vẫn bằng so với một năm trước đây và không khác nhiều so với những gì mà một nhà đầu tư có thể kiếm được từ chỉ số S&P của Mỹ trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy mức lời đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc là ngang nhau, chỉ có điều đầu tư ở Mỹ không tạo cảm giác đứng tim như ở Trung Quốc.

2. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chủ yếu do xuất khẩu hàng giá rẻ

Khi nói đến Trung Quốc, phần đông người Mỹ thường nghĩ ngay đến các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ được sản xuất bởi những công nhân nhận đồng lương rẻ mạt. Thâm hụt thương mại Mỹ-Trung tiếp tục tăng lên và chắc chắn lên tới 350 tỷ USD trong năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. “Trung Quốc đang giết chết chúng ta”, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thốt lên như vậy. Nhưng giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm dần do xu hướng tăng nhập khẩu nguyên liệu và các hàng hóa trung gian. Đơn cử, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ khoảng 4% giá trị của một chiếc iPhone sản xuất tại Trung Quốc là chảy vào túi của các nhà sản xuất trong nước. Các linh kiện do Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc mới chiếm phần lớn giá trị thành phẩm của một chiếc iPhone. Do đó, xuất khẩu ròng - được tính theo công thức lấy giá trị xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu – chỉ có đóng góp rất hạn chế vào tăng trưởng chung của Trung Quốc trong một thập kỷ qua. Trên thực tế, động lực kinh tế chính của Trung Quốc là đầu tư vào vốn vật chất, bao gồm các nhà máy và cơ sở hạ tầng như đường sá, đường sắt. Các khoản đầu tư này chiếm hơn một nửa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Ngoài ra, Trung Quốc không còn là một nền kinh tế có mức lương thấp. Lương nhân công ở nước này tăng nhanh hơn so với ở Bangladesh và Việt Nam. Thậm chí trong lĩnh vực sản xuất, Trung Quốc cũng đã bắt đầu tiến lên chuỗi giá trị gia tăng, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung vào sản xuất hàng hóa công nghệ thấp, chi phí rẻ như giầy dép và quần áo sang những sản phẩm phức tạp có hàm lượng công nghệ cao hơn.

3. Trung Quốc đang thao túng đồng nội tệ

Những cáo buộc về việc Trung Quốc kìm giá đồng nội tệ đang diễn ra khá phổ biến trong giới làm luật của Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles Grassley (thuộc bang Iowa) khẳng định: “Trung Quốc đã thao túng đồng nội tệ trong suốt thời gian dài”. Theo ông, “chính quyền thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã quá nhút nhát khi hành động nên Trung Quốc đã lợi dụng điều này”. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer (bang New York) cũng cho rằng “trong nhiều năm, Trung Quốc đã gian lận luật chơi và thao túng đồng nội tệ, khiến người lao động Mỹ chịu thiệt thòi”. Tuy nhiên, “thay vì thay đổi cách thức của mình, Chính phủ Trung Quốc dường như càng thao túng nhiều hơn”. Những lời chỉ trích liên tục từ Đồi Capitol đã gây sức ép, buộc Chính phủ Trung Quốc phải làm theo những gì Mỹ yêu cầu. Đó là nới lỏng quản lý tỷ giá, để đồng nhân dân tệ được tự do định giá theo thị trường. Nhưng Mỹ đã không lường trước được rằng Trung Quốc sẽ chỉ khôn ngoan hành động như vậy khi điều đó mang lại lợi ích cho họ chứ không phải cho các đối tác thương mại. Thay vì điều chỉnh chính sách khi giá trị đồng nhân dân tệ đang cao, động thái có thể làm ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu, Trung Quốc đã chọn thời điểm nới lỏng kiểm soát khi giá đồng nội tệ đang xuống thấp để giúp thúc đẩy xuất khẩu. Trung Quốc không hề giấu giếm việc họ bảo vệ các lợi ích của mình. Từ tháng 8/2015 đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ đồng nhân dân tệ không bị tăng giảm quá nhanh.

4. Trung Quốc gian lận sổ sách để đánh bóng các số liệu kinh tế

Nhiều nhà phân tích cho rằng các số liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc hoàn toàn chỉ là con số ảo. Trong một bài viết cho tạp chí Forbes, Tim Worstall đã thẳng thắn viết rằng: “Các nhà quan sát không tin vào những gì họ được nghe”. Liệu con số tăng trưởng GDP do Trung Quốc công bố có sát với mức tăng trưởng thực tế? Mặc dù số liệu chính thức do Trung Quốc công bố là 7%, nhưng một số nhà kinh tế phương Tây cho rằng mức tăng trưởng thực tế chỉ rơi vào khoảng trên dưới 3%. Có rất nhiều băn khoăn về các số liệu tăng trưởng GDP theo quý của Trung Quốc. Những số liệu gần đây về tiêu thụ điện, sản lượng hàng hóa và cho vay ngân hàng đều sụt giảm so với số liệu tổng hợp đưa ra. Tuy nhiên, nếu nhìn vào dài hạn, số liệu tăng trưởng lại rất phù hợp với những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc và hoàn toàn tương ứng với các chỉ số về chi tiêu và thu nhập hộ gia đình. Hiện giờ Trung Quốc là một nền kinh tế lớn nên không thể kỳ vọng cứ mãi tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng ở mức 10% hoặc cao hơn. Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể sử dụng chính sách tiền tệ và tài chính để giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 6-7%. Tuy nhiên, nếu không tiến hành các cải cách theo định hướng thị trường, về lâu dài Trung Quốc sẽ khó giữ được tốc độ tăng trưởng này, nhất là trong bối cảnh lực lượng lao động đang già hóa và co hẹp.

5. Nhân dân tệ đe dọa sự thống trị của USD

Tháng 11/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ dự trữ ngoại tệ chính thức của mình. Động thái này đã thổi bùng quan ngại, như tờ Telegraph của Anh đã viết, là “sự thống trị kinh tế của Mỹ đang đi tới hồi kết khi đồng nội tệ Trung Quốc tăng lên”. Nhưng không hẳn vậy. Nhân dân tệ chắc chắn trước sau cũng sẽ trở thành một đồng tiền mạnh. Khoảng 1/4 thương mại của Trung Quốc đang được giao dịch bằng nhân dân tệ. IMF cũng dự đoán khoảng 1% dự trữ ngoại hối toàn cầu đang được tích bằng đồng nội tệ của Trung Quốc, nhiều hơn một số loại tiền dự trữ quen thuộc khác như franc của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, USD vẫn sẽ chiếm 2/3 tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, tăng nhẹ so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2008. Các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm các ngân hàng trung ương nước ngoài, sẽ tiếp tục đầu tư vào nhân dân tệ để đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình. Để nhân dân tệ có thể thực sự thách thức vị trí của USD, Trung Quốc sẽ phải chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ đòi hỏi Trung Quốc phải tiến hành các cải cách kinh tế, mà còn cải cách cả về chính trị, hiến pháp và pháp luật. Nhưng cho đến nay, không có bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy những điều trên sẽ được tiến hành trong tương lai gần, nên cho đến giờ vị thế của USD vẫn được đảm bảo./.

Bài viết của tác giả Eswar S.Prasad đăng trên tờ “The Washington Post”.

Mỹ Anh (gt)