Mặc dù không xảy ra chiến tranh lớn trong nhiều thập kỷ, song một số xung đột âm ỉ có tiềm năng trở thành các xung đột lớn hơn trong khu vực, mà nếu xảy ra thì hậu quả của nó có thể dẫn đến xung đột toàn cầu.

1. Bắc Triều Tiên

Chế độ gia đình trị họ Kim đang từng bước bước sang thế hệ thứ ba trong bối cảnh bị mắc kẹt giữa tình trạng trì trệ kinh tế và nỗi sợ hãi cải cách sẽ dẫn đến lật đổ chế độ. Chiến lược sống còn có được vũ khí hạt nhân và sẵn sàng gây chiến với Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên đã khiến cho việc hòa giải với Hàn Quốc và Mỹ gần như là không thể. Nguy cơ vẫn hiện hữu khi Bình Nhưỡng có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh với việc tiến hành những hành động khiêu khích chống lại Hàn Quốc, hay cung cấp vật liệu hạt nhân cho một nhà nước hoặc một nhóm thù địch với Mỹ.

2/ Bất đồng Mỹ-Trung

Mỹ vẫn là sức mạnh có ảnh hưởng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, và muốn duy trì điều này. Trung Quốc là một cường quốc đang lên, muốn có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề khu vực. Quản lý sự chuyển đổi này một cách hòa bình đòi hỏi Mỹ phải sẵn sàng đáp ứng một số đòi hỏi của Trung Quốc, và đòi hỏi thiện chí kiên nhẫn từ phía Trung Quốc. Điều này không hề dễ dàng cho chính phủ hai nước, nhất là dưới áp lực của dư luận. Một vấn đề dai dẳng là Hải quân Mỹ giám sát gần bờ biển Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định rằng điều này phải chấm dứt, trong khi Mỹ khăng khăng tiếp tục hoạt động của hải quân để bảo vệ nguyên tắc tự do trên biển.

3/ Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông

Trung Quốc, Việt Nam và bốn quốc gia khác có liên quan đến tranh chấp về quyền sở hữu của một số đảo nhỏ, rạn san hô và đảo đá ở Biển Đông. Điều này rất quan trọng, bởi nó liên quan đến các lợi ích kinh tế ở vùng biển được tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc là lớn nhất, song cũng là không minh bạch nhất. Trung Quốc nhận thức rằng Việt Nam đang tăng cường hướng tới nguồn tài nguyên ở các vùng biển tranh chấp và Mỹ đã can thiệp nghiêng về phía Việt Nam. Điều này dẫn tới những hành động leo thang gần đây từ phía Bắc Kinh, và những cuộc biểu tình ở cả hai bên. Trong khi đó, Trung Quốc đang từng bước xây dựng năng lực để chiếm đoạt và nắm giữ các đảo tranh chấp, trong đó có kế hoạch triển khai tàu sân bay đầu tiên của mình.

4/ Đài Loan

Các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã "êm ắng" hơn nhiều kể từ khi ông Mã Anh Cửu (ủng hộ nguyên tắc Đài Loan là một phần của Trung Quốc) lên thay Tổng thống Trần Thủy Biển (thiên về một Đài Loan độc lập) năm 2008. Quan hệ kinh tế giữa hai bờ đang bùng nổ, và Bắc Kinh hy vọng điều này sẽ dẫn đến thống nhất về chính trị. Tuy nhiên, ông Mã không quan tâm đến các vấn đề đàm phán chính trị với Bắc Kinh, và khẳng định rằng Đài Loan phải tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ. Sự kiên nhẫn của Trung Quốc có giới hạn, và các tên lửa Trung Quốc vẫn nhằm vào Đài Loan. Ngoài ra, đảng đối lập ủng hộ một Đài Loan độc lập đang có cơ hội trở lại cầm quyền trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2012. Nếu như vậy, quan hệ giữa hai bờ sẽ đi xuống chứ không phải được giải quyết.

5/ Chiến lược tương lai của Nhật Bản

Thiếu nguồn lực hoặc tình trạng dân số lão hóa, Nhật Bản chỉ là một sức mạnh tầm trung. Ngược lại, Trung Quốc - đối thủ lịch sử của Nhật Bản - đang phát triển nhanh và dường như có tiềm năng gần như vô hạn. Nếu Trung Quốc trở thành quyền lực mạnh nhất trong khu vực, Tôkiô sẽ đối mặt với sự lựa chọn tiếp tục gắn bó liên minh với Mỹ, hoặc xoa dịu Trung Quốc, theo đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ có quyền phủ quyết đối với các chính sách lớn của Nhật Bản, và chắc chắn sẽ yêu cầu Nhật Bản trục xuất các căn cứ Mỹ. Người Nhật từng liên kết với Anh và Mỹ trong quá khứ, nhưng họ rõ ràng không thoải mái với ý tưởng chấp nhận bị chi phối bởi một quốc gia độc đoán được coi là chống Nhật. Do vậy, rất có nguy cơ sẽ là một Nhật Bản có vũ khí hạt nhân và một cuộc chiến tranh lạnh Trung-Nhật.

  Theo Star-advertiser

 Vũ Hiền (gt)