Một chân lý phổ quát từ thời cổ đại là: một quốc gia có bờ biển thì sẽ có một lực lượng hải quân. Dù lớn hay nhỏ, các lực lượng hải quân trên toàn thế giới đều có cùng một nhiệm vụ cơ bản là thể hiện sức mạnh quân sự trong các vùng biển lân cận và xa hơn. 

Vai trò của các lực lượng hải quân thời bình cơ bản giống nhau trong hàng nghìn năm qua. Các lực lượng hải quân bảo vệ đất nước, giữ các tuyến đường vận tải và dòng giao thông mở, hiển thị quốc kỳ và ngăn chặn các kẻ thù. Trong thời chiến, mỗi lực lượng hải quân thể hiện sức mạnh trên biển nhằm không cho kẻ thù có khả năng làm điều tương tự. Điều này đạt được bằng cách tấn công các lực lượng hải quân đối phương, tiến hành đổ bộ và nắm quyền kiểm soát các vùng biển và vùng đất chiến lược. 

Vai trò của các lực lượng hải quân trên toàn thế giới đã mở rộng trong nhiều thập kỷ qua, trong đó có các nhiệm vụ và thách thức mới. Các lực lượng hải quân hiện có trách nhiệm đối với việc răn đe hạt nhân chiến lược, phòng thủ tên lửa đạn đạo, các hoạt động không gian, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa của một quốc gia. Với ý nghĩ đó, sau đây là 5 lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.

Mỹ

Vị trí đầu tiên trong danh sách là điều không có gì bất ngờ: Hải quân Mỹ. Ở thời điểm này, Hải quân Mỹ có hầu hết các tàu mà bất kỳ lực lượng hải quân nào trên thế giới có. Nó cũng có những nhiệm vụ đa dạng nhất và diện tích phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Không có lực lượng hải quân nào khác có tầm với toàn cầu như Hải quân Mỹ, lực lượng thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Địa Trung Hải, Vịnh Persian và vùng Sừng châu Phi. Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu đến Nhật Bản, châu Âu và Vịnh Persian. Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến, trong đó một phần ba đang hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào. Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay, 9 tàu tấn công đổ bộ, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục, 17 tàu hộ tống và 72 tàu ngầm. Bên cạnh tàu, Hải quân Mỹ còn có 3.700 máy bay, khiến nó trở thành lực lượng không quân lớn thứ hai trên thế giới. Với 323.000 nhân viên làm việc và 109.000 biên chế chính thức, đây là lực lượng hải quân lớn nhất về nhân lực.

Điều làm cho Hải quân Mỹ nổi bật nhất chính là 10 tàu sân bay, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Không chỉ nhiều hơn về số lượng mà nó còn lớn hơn rất nhiều: một tàu sân bay lớp Nimitz có thể mang tới 72 máy bay, nhiều gấp 2 lần so với các tàu sân bay lớn nhất không phải của Mỹ. Không giống như các tàu sân bay của các nước khác thường chủ yếu tập trung vào máy bay chiến đấu, một tàu sân bay điển hình của Mỹ tổng hợp các năng lực trong đó có ưu thế trên không vượt trội, khả năng tấn công, trinh sát, chiến đấu chống tàu ngầm cũng như thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. 

31 tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ hợp thành một hạm đội "cá sấu" lớn nhất trên thế giới, có khả năng vận chuyển và tiếp cận các bãi biển của kẻ thù. Chín tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa và Wasp có thể mang theo các máy bay trực thăng cho tới vận chuyển binh sỹ hoặc hoạt động như các tàu sân bay thu nhỏ, được trang bị máy bay tấn công AV-8B Harrier và sẽ sớm được trang bị máy bay ném bom F-35B.

Hải quân Mỹ có 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân với sự kết hợp của một số tàu ngầm lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia. Hải quân Mỹ cũng có trách nhiệm ngăn chặn hạt nhân chiến lược của Mỹ trên biển, với 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio được trang bị với tổng số 336 tên lửa hạt nhân Trident. Hải quân Mỹ cũng có 4 tàu ngầm lớp Ohio không có tên lửa hạt nhân và điều chỉnh để mang theo 154 tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk.

Hải quân Mỹ thực hiện vai trò bổ sung trong việc phòng thủ tên lửa đạn đạo, các hoạt động không gian và hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Tính đến tháng 10/2013, 29 tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, trong đó một số đã được triển khai đến châu Âu và Nhật Bản. Lực lượng này cũng theo dõi không gian nhằm hỗ trợ cho các lực lượng quân đội Mỹ, theo dõi vệ tinh của các đối thủ tiềm tàng. Cuối cùng, các tàu sân bay và tàu đổ bộ hiện có của Hải quân Mỹ cùng với các tàu bệnh viện chuyên dụng USNS Mercy và USNS Comfort, hình thành một khả năng cứu trợ thảm họa đã được triển khai trong những năm gần đây tới Indonesia, Haiti, Nhật Bản và Philippines.

Trung Quốc

Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã trải qua một chặng đường dài trong 25 năm qua. Sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc, tạo điều kiện thúc đẩy tăng ngân sách quốc phòng 10 lần kể từ năm 1989, đã tài trợ phát triển một lực lượng hải quân hiện đại. Từ một lực lượng hải quân biển sâu bao gồm tàu khu trục và tàu tấn công nhanh đã lỗi thời, PLAN đã phát triển thành một hạm đội biển khơi thực sự.

PLAN hiện có 1 tàu sân bay, 3 tàu vận tải đổ bộ, 25 tàu khu trục, 42 tàu hộ tống, 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân và khoảng 50 tàu ngầm tấn công thông thường. PLAN có 133.000 nhân viên trong đó có hai lữ đoàn thủy quân lục chiến, mỗi lữ đoàn có 6.000 thủy thủ. Lực lượng không quân của PLAN cung cấp máy bay cho tàu sân bay mới, máy bay trực thăng cho các tàu nổi, cũng như máy bay chiến đấu trên bờ, máy bay tấn công và máy bay tuần tra. Lực lượng không quân PLAN có 650 máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay, máy bay chiến đấu đa năng J-10, máy bay tuần tra hàng hải Y-8 và máy bay chiến đấu chống tàu ngầm Z-9.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với tên gọi Liêu Ninh xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nó được đưa vào sử dụng năm 2012. Ban đầu được xây dựng cho Hải quân Liên Xô, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, phần thân chưa hoàn thành của tàu Liêu Ninh trải qua nhiều tháng ngày trong một nhà máy đóng tàu của Ukraine. Một công ty hàng đầu của PLA đã mua con tàu này và kéo nó về Trung Quốc, nơi nó có gần một thập kỷ được tân trang lại. Liêu Ninh được mong đợi hoạt động như một tàu sân bay huấn luyện khi Trung Quốc ngày càng làm quen với thế giới phức tạp của hoạt động tàu sân bay.

PLAN đang trong quá trình hiện đại hóa khả năng đổ bộ của mình, đã đưa 3 tàu đổ bộ (LPD) loại 071 vào hoạt động. Mỗi chiếc LPD loại 071 có thể mang từ 500-800 thủy quân lục chiến Trung Quốc, từ 15-18 phương tiện và có thể đưa quân lên bờ thông qua thủy phi cơ theo kiểu LCAC của Mỹ hay thông qua các máy bay trực thăng vận chuyển hạng trung Z-8. Trung Quốc cũng được cho là đang có kế hoạch xây dựng các tàu tấn công đổ bộ với sàn đường băng đủ dài theo kiểu tàu lớp Wasp của Mỹ. Tổng cộng có 6 chiếc LPD loại 071 và 6 tàu tấn công đổ bộ mới được cho là đang trong kế hoạch xây dựng.

Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc là một cái túi hỗn hợp với 60 tàu ngầm có chất lượng khác nhau. Cốt lõi của lực lượng này bao gồm 3 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương, 9 cái lớp Nguyên, 14 cái lớp Tống và 10 tàu ngầm lớp Kilo cải tiến được nhập khẩu từ Nga. Hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được tạo thành từ ba tàu ngầm tên lửa lớp Tấn với chiếc thứ tư hoặc có thể là thứ năm đang được chế tạo. Người ta cho rằng Biển Đông cuối cùng sẽ được sử dụng như một pháo đài cho sự răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc.

PLAN tiếp tục phát triển và học hỏi. Ít nhất hơn 2 tàu sân bay được lên kế hoạch đóng mới để cuối cùng Trung Quốc có 5 tàu sân bay. Ngoài các hoạt động vận chuyển, PLAN cũng đang học cách thực hiện các chuyến đi dài ngày thông qua sự đóng góp của nước này vào các nỗ lực quốc tế chống cướp biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Trung Quốc đã gửi 17 lực lượng đặc nhiệm hải quân tới khu vực, tiến hành luân chuyển các tàu và thuyền viên để học các kỹ năng xử lý tàu đường dài.

Nga

Đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách là Hải quân Nga. Mặc dù theo truyền thống của một cường quốc trên đất liền, Nga thừa hưởng số lượng lớn tàu thuyền của Hải quân Liên Xô khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Lực lượng cũ kỹ này là cốt lõi của Hải quân Nga hiện nay với nhiều tàu hơn và các cải tiến đối với đội tàu này đang dần được thực hiện. Hải quân Nga đã chứng minh là hữu ích khi chống đỡ cho sự suy giảm quyền lực của Nga trên toàn thế giới.

Hải quân Nga có 79 tàu cỡ tàu hộ tống và lớn hơn, trong đó có 1 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm. Ngoại trừ một số ít tàu ngầm tấn công được trang bị tên lửa hành trình, hầu như tất cả các tàu chiến của Hải quân Nga đã được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thiếu kinh phí trong nhiều thập kỷ, Hải quân Nga phải đối mặt với vấn đề kinh niên là khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các tàu lớn của Nga như tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov và tàu Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương thường đi kèm với các tàu kéo trên hành trình mở rộng. Đó là chưa biết có bao nhiêu tàu cũ kỹ thực sự có giá trị trên biển, và trong số đó có bao nhiêu chiếc chiến đấu hiệu quả.

Nga cũng đã thừa hưởng một năng lực tàu đổ bộ của Liên Xô. Hạm đội hỗn hợp của gần hai chục tàu đổ bộ Alligator và Ropucha đã được xây dựng từ những năm 1960, hiện đã lỗi thời theo tiêu chuẩn hiện đại. Việc mua hai tàu có bãi đáp trực thăng lớp Mistral từ Pháp là nhằm giải quyết sự thiếu hụt này, tuy nhiên thỏa thuận này có thể gặp khó khăn sau vụ Nga can thiệp vào Crimea. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Paris dường như vẫn giữ cam kết về bản hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD này.

Giống như Liên Xô trước đây, sức mạnh hải quân của Nga nằm ở lực lượng tàu ngầm. Về mặt lý thuyết, Nga có 15 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình, và 9 tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Mặc dù một số đã được đại tu, gần như tất cả các tàu ngầm này có từ thời Chiến tranh Lạnh và không rõ sự sẵn sàng chiến đấu của chúng là tới đâu. 9 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đại diện cho năng lực hạt nhân tấn công lần thứ hai có giá trị của Nga và có thể có tính sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất so với bất kỳ tàu nào trong hạm đội.

Nga có các kế hoạch lớn cho lực lượng hải quân của mình, tuy nhiên hầu như chúng mới chỉ là kế hoạch mà thôi. Nga có kế hoạch mua thêm ít nhất một tàu sân bay, một số lượng mới tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey II, các tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen II, và các tàu ngầm tấn công thông thường lớp Kilo và Lada được cải tiến. Trong khi các tàu ngầm đang được chế tạo, tàu sân bay và các tàu khu trục lại thiếu kinh phí và chỉ tồn tại trên các bản thiết kế.

Anh

Hải quân Hoàng gia Anh lọt vào danh sách này trong thời điểm suy giảm về hỏa lực mang tính lịch sử. Giống như phần lớn các lực lượng vũ trang Anh, Hải quân Hoàng gia đã phải trải qua các đợt cắt giảm liên tiếp về nhân sự và thiết bị. Sự ngừng hoạt động gần đây của hai tàu sân bay lớp Invincible và Sea Harriers trực thuộc Lực lượng Không quân Hạm đội đã làm giảm đáng kể năng lực của Hải quân Hoàng gia. Hỏa lực hạt nhân cũng như các kế hoạch tàu sân bay trong tương lai đã đưa Anh vào vị trí thứ 4 trong các nước có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. 

Hải quân Hoàng gia là nhỏ nhất trong danh sách này, chỉ có 33.400 quân tại ngũ và 2.600 quân dự bị. Hải quân Hoàng gia hiện sở hữu 3 tàu tấn công đổ bộ lớn, 19 tàu hộ tống và tàu khu trục, 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Lực lượng không quân của Hải quân Hoàng gia sở hữu 149 máy bay, chủ yếu là máy bay trực thăng.

Cốt lõi của lực lượng nổi của Hải quân Hoàng gia là 6 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường loại 45. Mỗi tàu khu trục của lớp Daring được trang bị một radar theo dõi trên không SAMPSON tiên tiến, tương tự như radar SPY-1D của hệ thống radar Aegis của Hải quân Mỹ. Cùng với 48 tên lửa đất đối không Aster, các tàu khu trục có thể xử lý một phạm vi rộng lớn các mối đe dọa trên không, trong đó có tên lửa đạn đạo.

Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia đã bị thu hẹp còn chưa tới một chục chiếc. Bảy tàu ngầm tấn công hạt nhân đang được nâng cấp với sự ra đời của tàu lớp Astute HMS. Astute và phiên bản của nó mang theo ngư lôi Spearfish và tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk, hiện là một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất trên thế giới. Bốn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Vanguard tạo nên sức mạnh răn đe hạt nhân của Anh. Mỗi tàu ngầm lớp Vanguard nặng tới 15.900 tấn khi ngập nước và được trang bị 16 tên lửa đạn đạo tầm xa Trident D 2.

Hải quân Hoàng gia sẽ sớm có được một bước nhảy vọt về năng lực với việc xây dựng 2 tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales. Hai tàu sân bay này, mỗi chiếc có trọng tải lên đến 70.000 tấn khi chở đầy, sẽ là các tàu lớn nhất từ trước tới nay của Hải quân Hoàng gia. Mỗi tàu sẽ có khả năng chứa tới 36 máy bay ném bom F-35B và một số máy bay trực thăng.

Nhật Bản

Hải quân Nhật Bản đứng ở vị trí thứ năm trong danh sách là điều bất thường bởi xét về mặt kỹ thuật, nó thực sự không phải là một lực lượng hải quân. Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) không phải là một lực lượng quân sự; nhân sự của nó là các nhân viên dân sự, không phải là thủy thủ. Phần lớn theo quan sát, Nhật Bản đã xây dựng được một trong những lực lượng hải quân lớn nhất, tiên tiến và chuyên nghiệp nhất trên thế giới.

MSDF đã có tổng cộng 114 tàu và 45.800 nhân viên. Cốt lõi của lực lượng này là hạm đội lớn các tàu khu trục được thiết kế để giữ cho các tuyến đường biển đến và đi từ Nhật Bản khỏi bị chia cắt như từng bị trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Hạm đội gồm 46 tàu khu trục này, nhiều hơn lực lượng hải quân của Anh và Pháp cộng lại, đã được mở rộng trong những năm gần đây để thích ứng với các sứ mệnh mới. Kể từ giữa những năm 2000, lực lượng tàu khu trục Aegis của MSDF đã được giao nhiệm vụ đảm bảo một chiếc ô bảo vệ chống lại các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Thậm chí gần đây hơn, Nhật Bản đã xây dựng ba cái gọi là "tàu khu trục máy bay trực thăng", mỗi chiếc lớn gấp 2 lần so với tàu khu trục trung bình với hình dáng rất giống với tàu sân bay. Thật vậy, các “tàu khu trục máy bay trực thăng” này là các tàu sân bay về bản chất, được thiết kế cho các máy bay trực thăng cất, hạ cánh và có thể trong tương lai có cả máy bay ném bom F-35B.

Nhật Bản có năng lực tàu đổ bộ khiêm tốn nhưng đang ngày càng phát triển. Nước này có 3 tàu đổ bộ xe tăng trọng tải 9.000 tấn có thể vận chuyển 300 binh sĩ và hàng chục xe thông qua máy bay trực thăng và thủy phi cơ. Các “tàu khu trục máy bay trực thăng” có thể chứa được tới một tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ lữ đoàn hàng hải mới đặt tại Nagasaki. Các máy bay trực thăng vận tải vận chuyển họ. 

Lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản là một trong những lực lượng tốt nhất trên thế giới. Có 16 tàu ngầm thuộc MSDF, mới nhất là tàu ngầm lớp Soryu. Với một hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập tiên tiến, các tàu ngầm Soryu có thể lặn dài hơn tàu ngầm thông thường khác. Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản còn sung sức với các tàu ngầm ngừng hoạt động ở tuổi thọ trung bình 18-20 năm. Nhật Bản gần đây đã thông báo rằng hạm đội này sẽ được tăng lên đến 22 tàu ngầm nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN).

Theo The National Interest

Văn Cường (gt)