Theo Thời báo Hoàn Cầu đưa tin dẫn lại bài viết trên mạng Học giả Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong mấy tháng vừa qua, dư luận đang thảo luận một vấn đề, đó là năm 2015 liệu Trung Quốc có thay đổi trong xử lý vấn đề Biển Đông  và thay đổi này gây ra ảnh hưởng như thế nào đến khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng kế hoạch chiến lược “tăng sự tự tin”. Phương pháp của sách lược kiểu tiệm tiến này gồm 2 phần. Phần thứ nhất là tái khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”, đồng thời áp dụng hành động thực tế bảo vệ yêu sách tại Biển Đông. Như vậy có khả năng dính dáng đến lợi ích của Mỹ, có thể làm cho Mỹ kết hợp với một số nước phản đối Trung Quốc. Nhưng bất kể là hành động gì thì đều có thể tăng cường hơn nữa lập trường bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

Phần thứ hai chính là Trung Quốc tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, thu hút các nước này đi vào “phạm vi” của Trung Quốc. Làm như vậy không chỉ có lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, mà còn làm cho các quốc gia Đông Nam Á suy nghĩ đến hậu quả khi có hành động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Trung Quốc mà nói, giữ tính độc lập của các quốc gia ASEAN vô cùng quan trọng, từ đó giải quyết tranh chấp song phương chứ không phải giải quyết tranh chấp chung với ASEAN.

Một số người nói, năm 2015 Trung Quốc có thể sẽ thử thay đổi chiến thuật hoặc ít nhất từng bước làm ổn định vấn đề Biển Đông. Trong tổng kết của hội nghị công tác Trung ương Trung Quốc đối với quan hệ ngoại giao đã nêu cần chú trọng mạnh mẽ việc củng cố quan hệ với các quốc gia láng giềng chứ không phải là quan hệ với nước lớn. Trung Quốc công khai tuyên bố năm 2015 là “năm hợp tác trên biển Trung Quốc - ASEAN”. Cụ thể mà nói, Trung Quốc sẽ lợi dụng năm 2015 để thực hiện các dự án đầu tư trên biển Trung Quốc - ASEAN, ý nghĩa của nó to lớn bởi vì dự án như vậy liên quan đến COC giữa Trung Quốc và ASEAN.

Đầu năm 2014, vì Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nên đã dẫn đến tranh cãi giữa Trung Quốc và Việt Nam, bởi vậy năm 2014, Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều thời gian để phục hồi quan hệ với Việt Nam. Trong thời gian Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2014, Trung Quốc đã thể hiện ngoại giao sức mạnh mềm - Trung Quốc lần lượt cùng với Campuchia, Myanmar, Thái Lan ký một loạt thỏa thuận thương mại, mặc dù trong số các quốc gia này vẫn còn có một số nước phải đối mặt với cản trở mang tính kết cấu nhưng việc này làm cho mọi người có ấn tượng sâu đậm. Rõ ràng, Bắc Kinh ý thức được năm 2015 sẽ là năm then chốt, bất luận là thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác kinh tế khu vực hay là thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực với TPP do Mỹ chủ đạo thì đều tương đối quan trọng.

Trung Quốc đang sắp đặt kế hoạch chiến lược tư tin hơn. Trên thực tế, Trung Quốc hy vọng năm 2015 làm ổn định vấn đề Biển Đông, bởi vậy hành động của các quốc gia khác tại Biển Đông trong năm nay có thể ảnh hưởng đến việc Trung Quốc có hành động quyết đoán hoặc chủ động hơn.

Trên thực tế, cách nói Trung Quốc có thể chú ý hơn đến các quốc gia láng giềng chứ không phải là một số nước lớn cũng không thể thay đổi được vị trí của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và ảnh hưởng tiềm tàng của Mỹ đối với Trung Quốc. Chính quyền Obama cam kết sẽ tiếp tục việc hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu và buôn bán vũ khí. Nhưng năm 2014, Mỹ lại lợi dụng việc tăng cường thỏa thuận hợp tác phòng vệ với Philippines, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cùng với Malaysia đạt được quan hệ đối tác hợp tác toàn diện trong đó có vấn đề an ninh biển, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo nghiên cứu về “đường 9 đoạn” để can thiêp vào vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, còn có nhiều biện pháp hơn nữa đang được thực hiện, Mỹ đã tham gia ngày càng nhiều vào vấn đề Biển Đông. Năm 2016, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, đối với Trung Quốc đây là cơ hội vô cùng tốt.

Theo Thời báo Hoàn Cầu

Hoàng Lan (gt)