Hai cuộc chiến cũng khiến mọi người nhận thấy rõ những nỗ lực bền bỉ của Mỹ trong việc duy trì vị trí bá chủ toàn cầu. Đây là chính sách ngoại giao không hề thay đổi trong nhiều thập kỷ qua của Mỹ. 

 

MẤT NHIỀU HƠN ĐƯỢC

Cuộc chiến tại Ápganixtan năm 2001 và tại Irắc năm 2003 nhằm lật đổ chế độ Taliban và Saddam Hussein đã khiến Mỹ hao tốn rất nhiều tiền của và sinh mạng. Hơn 6.300 lính Mỹ đã thiệt mạng, gần 40.000 lính khác bị thương nặng. Trong khi đó, theo một ước tính gần đây của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ, hai cuộc chiến đã tiêu tốn 1.300 tỷ USD và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Kể từ vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, ngân sách quốc phòng của Mỹ đã nhảy vọt từ 304 tỷ USD lên 616 tỷ USD năm 2008 và chi tiêu cho các biện pháp chống khủng bố trong nước tăng 75 tỷ USD mỗi năm. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây đã đẩy Mỹ vào tình hình trầm trọng hơn và hiện Mỹ đang chìm trong nợ nần. Nợ liên bang của Mỹ đã nhảy vọt từ 5.600 tỷ USD năm 2001 lên 15.000 tỷ USD hiện tại. Một vài người nói rằng hai cuộc chiến đã giáng một đòn nặng nề vào al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác và Mỹ sẽ không phải chịu bất kể một cuộc tấn công khủng bố lớn nào nữa. Tuy nhiên, Melvyn Leffler, Giáo sư chuyên nghiên cứu chính sách ngoại giao của Mỹ tại Đại học Virginia, nói với Tân Hoa Xã rằng Mỹ "đã mất nhiều hơn những gì nhận được" ít nhất là ở hiện tại và trong ngắn hạn. Việc Mỹ đã không thể thực hiện được những mục tiêu của nước này tại Irắc và Ápganixtan đã khiến hai cuộc chiến tại đây bị nghi ngờ và làm tổn hại tới uy tín của Mỹ. Hai cuộc chiến nói trên cũng đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược tại khu vực. Các tư tưởng chống Mỹ của người Hồi giáo đã thổi bùng lên, còn ảnh hưởng của Iran lại được mở rộng ra ở Trung Đông. Số các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu vẫn chưa giảm và tình hình an ninh thế giới vẫn chưa được cải thiện một cách đáng kể. Người Mỹ dường như có quan điểm mâu thuẫn nhau về chiến tranh. Nắm trong tay sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, Mỹ luôn sẵn sàng đánh bại bất kể đối thủ nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh những mất mát ngày càng lớn, công dân Mỹ và giới chính trị chóp bu ngày càng thiếu kiên nhẫn với chi phí quân sự tốn kém mà không mang lại hiệu quả. 

 

RÚT QUÂN LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI

Ngày càng có nhiều nghị sỹ coi hai cuộc chiến này là gánh nặng đối với sức mạnh và địa vị quốc tế của Mỹ, cùng với đó là tâm lý chống chiến tranh của dân chúng bắt đầu gia tăng. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao, ngày càng nhiều người Mỹ yêu cầu nhanh chóng kết thúc hai cuộc chiến này. Các nhà phân tích nói rằng hai cuộc chiến "không thể thắng" này, cộng với những khó khăn về kinh tế khiến việc Mỹ rút quân khỏi Irắc và Ápganixtan là không thể tránh khỏi. Ngày 22/6, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rằng 10.000 binh lính Mỹ sẽ rời Ápganixtan vào cuối năm nay và 23.000 binh lính khác cũng sẽ trở về nhà vào tháng 9/2012. Ngày 21/10, ông Obama tuyên bố việc rút quân đội Mỹ khỏi Irắc sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 9 năm.
Mặc dù Mỹ rút quân và chấm dứt sự dính líu của họ, song những rắc rối tại hai quốc gia này sẽ vẫn còn tiếp tục. Irắc hiện là một nước yếu, sự thống nhất và ổn định của quốc gia này rất mong manh. Mỹ đã không thể thực hiện được mục tiêu biến Irắc thành một nền dân chủ ổn định và ủng hộ phương Tây. Gần đây, Mỹ đã không đạt được một thỏa thuận với Irắc nhằm cho phép những nhân viên sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện quân đội được ở lại Irắc. Vấn đề tại Ápganixtan thậm chí còn tồi tệ hơn. Sau 10 năm chiến đấu, người ta thấy có quá ít lợi ích lâu dài tại đây. Ngày càng nhiều dấu hiệu thể hiện rằng Ápganixtan có thể trở lại với bản chất ương bướng trước đây của nước này. Hai quốc gia này chắc chắn sẽ vẫn làm Mỹ phải đau đầu. 

 

TẬP TRUNG HƠN VÀO KHU VỰC CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

Trong khi đang rút quân khỏi Ápganixtan và Irắc, Mỹ đồng thời cũng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đúng theo lời Tổng thống Obama đã tuyên bố trong chuyến thăm châu Á gần đây của ông. Các nhà phân tích nói rằng chính sách ngoại giao của Mỹ đang chuyển dần trọng tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong một sự điều chỉnh chiến lược. Lịch sử các chính sách ngoại giao của Mỹ cho thấy một khuôn mẫu nhất quán của quốc gia này là tạo ra những thay đổi chính sách lớn sau khi thất bại trong các cuộc chiến tranh và đối mặt với những khó khăn về kinh tế nhằm tìm cách tự thoát ra khỏi vũng lầy và giành lại vị thế bá chủ toàn cầu. Sau khi lên nắm quyền năm 2009, ông Obama đã chỉ ra rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan, đồng thời ông cũng công khai tuyên bố chính sách "trở lại châu Á". Thực sự, châu Á đang trở thành khu vực năng động nhất trên thế giới trong 10 năm qua, sản xuất xấp xỉ 50% số lượng hàng hóa trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã chỉ ra trong bài phát biểu gần đây của bà tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC: "Chúng ta ngày càng thấy rõ rằng, trong thế kỷ 21, trung tâm kinh tế và chiến lược của thế giới sẽ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Chính sách "trở lại châu Á" của Mỹ phản ánh một thực tế đang thay đổi về mặt kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, tất nhiên, Mỹ không muốn bỏ qua "bàn tiệc lớn" này. Tuy nhiên, vấn đề còn lớn hơn thế, rõ ràng đằng sau nỗ lực "trở lại châu Á" là quan ngại của Mỹ về sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ nên rút ra nhiều bài học từ những thất bại liên tiếp trong chính sách ngoại giao của nước này. Trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi kinh tế và chiến lược toàn cầu, nếu Mỹ tiếp tục chỉ quan tâm tới lợi ích riêng, can thiệp vào mọi chuyện và lờ đi hoặc thậm chí gây ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, Mỹ sẽ chỉ gặp thêm nhiều thất bại và bị bẽ mặt trong tương lai.

 

Theo Xinhuanet (13/12)

Mỹ Anh (gt)