Tiếp theo việc Chính phủ Myanmar đình chỉ dự án liên doanh xây dựng đập thủy điện gây tranh cãi với TQ ở khu vực phía cực Bắc của nước này, một điểm nóng khác lại nổi lên trong quan hệ giữa hai nước, đó là mỏ đồng có trữ lượng lớn ở Latpadaung, một núi gần Monywa, phía Tây Bắc Mandalay, nằm trong khu vực thượng Myanmar.

Dự án thủy điện Myitsone, được xây dựng nhằm cấp điện cho TQ, đã bị hủy bỏ khi đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của cư dân địa phương. Lần này, cư dân địa phương cũng phản đối chống lại công ty của TQ. Công ty Wanbao Mining, nằm trong liên doanh với một công ty thương mại hàng đầu của quân đội Myanmar, Công ty Union of Myanmar Economic Holdings” (UMEH), đã bị hủy hoại đất canh tác, làm ô nhiễm nguồn nước xung quanh và báng bổ các đền thờ phật ở gần đó. Không ít hơn 7.800 hec ta đất của 26 ngôi làng quanh khu vực này đã bị tịch thu để phục vụ cho dự án.

Sự phản đối công khai trên có thể buộc TQ phải suy nghĩ lại các chính sách thiếu nhạy cảm (insensitive policies), thậm chí một số người cho là hiếu chiến của mình đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

Sự tham gia của UMEH trong dự án này chỉ đơn thuần với tư cách một bên nhận lệ phí từ Công ty Wanbao, một công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp Bắc, Norinco, nhà chế tạo vũ khí chính của TQ, công ty cũng tham gia vào một số hoạt động kinh doanh khác. Khi thoả thuận giữa Tập đoàn Norinco và Chính phủ Myanmar được ký kết ngày 10/6/2010, Tập đoàn Norinco đã đăng trên trang web của họ là Monywa “giàu trữ lượng mỏ đồng với chất lượng cao có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường dự trữ chiến lược tài nguyên đồng của nước ta (TQ) và tăng cường ảnh hưởng của TQ tại Myanmar.

Sự ảnh hưởng đó của TQ đối với Myanmar đang dần suy giảm khi nước này đang cố gắng để giữ khoảng cách đối với TQ - nước đã nỗ lực phát huy ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, chính trị và thậm chí cả quân sự trong hơn hai thập kỷ qua đối với quốc gia Đông Nam Á  này - trong khi đang cải thiện quan hệ chính trị với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2011 sau khi đình chỉ dự án liên doanh xây dựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD ở phía Bắc bang Kachin vốn gây sốc cho TQ, Myanmar phải có bước đi thận trọng trong việc xử lý đối với Công ty Wanbao Mining. Đối với các nhà lãnh đạo mới của nước này, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Myanmar không thể trấn áp phong trào ở Monywa mà không có bất cứ rủi ro nào trong mối quan hệ vẫn còn mong manh của họ với các nước phương Tây. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Myanmar với cường quốc láng giềng phía Bắc.

Chiến dịch phản đối Công ty TQ do được dẫn dắt bởi hai người anh hùng địa phương không có khả năng: Thwe Thwe Win, 29, và Aye Net, 34. Không một ai trong họ có nhiều hơn tấm bằng tiểu học theo chương trình bắt buộc và chỉ hơn một năm trước đây cả hai còn đều bán rau ở tại khu chợ địa phương ở Monywa. Trả lời phỏng vấn báo chí Monywa, Thwe Thwe Win cho biết “Công ty TQ đến và tiến hành san ủi đất canh tác của chúng tôi, các quan chức TQ đã có những cử chỉ thô lỗ khi chúng tôi đến khiếu nại”. Cảnh sát đã không làm gì ngoại trừ việc bắt giữ hai phụ nữ và một số đồng sự của họ. Việc này, vào thời điểm việc tự do ngôn luận đang được khoan dung sau nhiều thập kỷ dưới các quy định hà khắc của giới quân sự và khi tình cảm chống TQ đang tăng lên trên khắp đất nước, đã kích động một phong trào quần chúng rộng lớn. Sinh viên và các nhà hoạt động lao động từ thủ đô Rangoon và các nơi khác đã kéo đến Monywa để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phòng trào. Ngày 26/10, hơn 1.000 thợ mỏ địa phương, nhà sư và các thành viên của phong trào đã bất chấp lệnh hạn chế tiếp cận khu mỏ của các cơ quan chức năng địa phương, đã vượt rào chắn để làm lễ tại một ngôi chùa bên trong khu vực khai thác mỏ. Hai người phụ nữ thề sẽ không từ bỏ cho đến khi dự án bị loại bỏ và Công ty TQ rời khỏi Monywa.

Tại các khu vực khác ở Myanmar, người dân cũng đang phàn nàn về cách thức mà TQ đối xử với đất nước họ. Trong hơn 20 năm qua, các công ty TQ đã đốn chặt một số lượng lớn cây cối ở phía Bắc, hủy hoại môi trường sinh thái ở khu vực đầu nguồn. Một doanh nhân Rangoon cũng phàn nàn việc các thương nhân TQ nhấn chìm Myanmar với hàng hóa giá rẻ và thuốc chữa bệnh giả. Theo doanh nhân này "TQ chỉ thực sự sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt để xuất khẩu sang các nước phương Tây. Còn ở đây, họ chỉ bán đồ đồng nát. Đây là một thái độ gần như phân biệt chủng tộc đối với chúng tôi".

Ngay cả trong giới quân sự cầm quyền, tình cảm chống TQ cũng lên cao. Ngay năm 2004, một tài liệu được biên soạn bởi Trung tá Aung Kyaw Hla, nghiên cứu viên tại Học viện Quốc phòng của Myanmar đóng tại Pyin Oo Lwin ở phía Đông Bắc cao nguyên Mandalay. Luận án dày 346 trang, thuộc loại tuyệt mật, có tiêu đề "Nghiên cứu về các mối quan hệ giữa Myanmar với Mỹ", được viết bằng tiếng Myanmar, đã phác thảo các chính sách hiện đang được áp dụng để cải thiện quan hệ với Washington và giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Việc hình thành một chế độ có thể được chấp nhận hơn so với chính quyền cũ sau cuộc bầu cử 2010 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giới quân sự Myanmar triển khai các chính sách mới và chính sách này được cộng đồng quốc tế quan tâm một cách sâu sắc hơn.

Luận án đã chỉ ra một cách thẳng thắn là việc có TQ với tư cách là một đồng minh ngoại giao và nhà bảo trợ kinh tế, đã tạo ra "trạng thái nguy hiểm quốc gia" đe dọa nền độc lập của đất nước. Aung Kyaw Hla, có nhiều khả năng là một ủy ban chiến lược quân sự hơn một cá nhân, tiếp tục lập luận rằng mặc dù quyền con người là mối quan tâm của phương Tây, nhưng Mỹ sẽ sẵn sàng thay đổi chính sách của họ cho phù hợp với “lợi ích chiến lược”. Mặc dù tác giả không chỉ rõ những lợi ích này, luận án làm rõ rằng lợi ích này bao gồm nền tảng chung với Mỹ để chống lại TQ.

Theo gợi ý của kế hoạch tổng thể, nếu quan hệ song phương với Mỹ được cải thiện, Myanmar cũng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn rất cần thiết cho nước này từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các thể chế tài chính toàn cầu khác. Myanmar có thể thoát khỏi "Chủ nghĩa khu vực" - nơi mà hiện nay Myanmar đang phụ thuộc vào thiện chí và thương mại với các nước láng giềng, bao gồm cả TQ để bước vào “kỷ nguyên mới của quá trình toàn cầu hóa”.

Cùng lúc này, TQ đang xem xét nhận các tín hiệu mới một cách thận trọng từ phía Myanmar. Trong tháng Hai và tháng Ba năm 2012, Tờ báo hàng tuần “Economic Observer”, có trụ sở tại Bắc Kinh, bằng tiếng Trung đã có một chuỗi các bài viết về việc đình chỉ xây dựng đập Myitsone, cố gắng phân tích những sai lầm đã xảy ra trong quan hệ của TQ với Myanmar. Nhà bình luận Qin Hui đã đặt câu hỏi “Làm sao những việc như vậy xảy ra”. Ngày 14/10, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một phụ san xuất bản hàng ngày dưới sự bảo trợ của tờ Nhân dân Nhật báo, có bài bình luận cho rằng các công ty TQ cần phải "coi trọng hơn nữa tới tiếng nói của người dân" trong khi thực hiện các dự án đầu tư như mỏ đồng ở Monywa. Theo các nhà báo Myanmar, các phóng viên của tờ Thời báo Hoàn cầu gọi điện hỏi họ các câu hỏi về nhà lãnh đạo theo đường lối dân chủ Aung San Suu Kyi, điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra.

Còn quá sớm để nói liệu Myitsone và Monywa có thể thành bước ngoặt trong quan hệ của TQ với khu vực Đông nam Á, mở đường cho một mối quan hệ khéo léo của TQ với các nước như Myanmar. Các cuộc đấu tranh phổ biến chống lại 2 dự án lớn của TQ, không còn nghi ngờ gì nữa, đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới lãnh đạo Bắc Kinh. Ngay cả những nước nhỏ hơn - và một phong trào do hai phụ nữ bán rau tại một thị trấn ở vùng hẻo lánh Myanmar - bây giờ cũng đủ can đảm để thử thách một cường quốc mạnh nhất về kinh tế và chính trị ở khu vực.

Bertil Lintner là nhà báo Thụy Điển thường trú tại Thái Lan, là tác giả của một số công trình viết về châu Á: Blood Brothers: The Criminal Underworld of Asia and Great Leader, Dear Leader: Demystifying North Korea under the Kim Clan. Bài viết được đăng trên Yale Global

Trần Quang (gt)